Xử lý nghiêm các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép lợn từ biên giới vào Việt Nam

Thiên Hương Thứ ba, ngày 01/08/2023 17:13 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ ngành liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Bình luận 0

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn làm ảnh hưởng sản xuất trong nước

Ngày 1/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 694/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Công điện nêu rõ: Một số cơ quan truyền thông phản ánh, thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép vào Việt Nam, nhất là từ Campuchia diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.

Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.

Xử lí nghiêm các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép lợn từ biên giới vào Việt Nam - Ảnh 1.

Thương nhân thu mua lợn từ người dân. Ảnh minh họa: I.T

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ trưởng và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. 

Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 của địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán lợn nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép lợn.

Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm trên lợn nhập lậu, bệnh có thể lây sang người và tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tổ chức vận động người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.

Chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn lợn của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với các nước để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu; hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định về kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển động vật.

Chỉ đạo, phân công các lực lượng của địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, nhất là các địa điểm tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển lợn tiêu thụ tại địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn vào Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, các bệnh mới nổi, có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.

Phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép lợn qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển; xem xét, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới, hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, giấy tờ kiểm dịch động vật.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam; kinh doanh trái phép lợn không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông về tác hại, ảnh hưởng của việc nhập lợn qua biên giới và nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn ra vào Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành...

Giữa tháng 7/2023, Đồn Biên phòng Sông Trăng phối hợp với Công an xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (Long An) tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới phát hiện trên kênh Cái Cỏ có người điều khiển xuồng lưu thông trên đoạn kênh hướng từ Campuchia sang Việt Nam có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xuồng chở 7 con heo, tổng trọng lượng 355kg. Người điều khiển xuồng tên Chak Kimlong, trú tại xã Chàm, huyện Kampong Trabek, tỉnh Pray Veng, Campuchia.

Người này khai nhận vận chuyển số heo trên giao cho 1 người Việt Nam, không rõ tên tuổi, địa chỉ mà chỉ thông tin liên hệ qua điện thoại. Xác định đây là vụ việc vận chuyển heo nhập lậu nên tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, thu giữ số tang vật, phương tiện để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trọng lượng, phun thuốc khử trùng, đào hố tiêu hủy số heo trên.

Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước cho biết, thời gian vừa qua, giá heo hơi trong nước tăng cao, chênh lệch khá lớn so với giá heo hơi các nước.

Cụ thể, giá heo hơi bình quân trong nước khoảng 60.000 đồng/kg, còn giá heo hơi tại Thái Lan, Campuchia chỉ khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg, chính vì vậy đã xuất hiện tình trạng nhập lậu heo từ các nước vào nội địa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem