Giá lợn hơi tăng cao nhất khu vực nhưng vừa vào hội nghị lại thấy... giảm
Mới nghe tin giá lợn hơi tăng, vừa vào hội nghị lại thấy thông tin... giảm
Thiên Hương
Thứ sáu, ngày 28/07/2023 15:14 PM (GMT+7)
Ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu thì rất ít. Đáng nói là giá lợn hơi biến động liên tục, vừa hôm trước thấy giá tăng cao nhất khu vực, hôm nay vào hội nghị giá thịt lợn lại giảm.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết như vậy tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới do Cục Chăn nuôi phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.
Giá lợn hơi biến động như thị trường.... chứng khoán
Theo ông Lê Thanh Hòa, năm 2022 Việt Nam ddax trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Tính đến tháng 6/2023, tổng đàn lợn đạt 24,68 triệu con. Đàn lợn tăng trưởng tốt, nhưng giá thịt lợn thì mấy năm gần đây liên tục biến động mạnh. Trong giai đoạn từ tháng 1/2021 - tháng 6/2022, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30-50%, duy trì ở mức thấp sau đó có xu hướng tăng dần, nhưng người nuôi vẫn bị thua lỗ.
Ông Hòa dẫn chứng bằng biểu đồ giá lợn hơi lên xuống thất thường và cho biết, vừa hôm trước thấy giá tăng cao nhất khu vực, hôm nay vào hội nghị giá thịt lợn lại giảm. Cụ thể, từ tháng 7-9/2022, giá lợn hơi nhích lên cao nhất 61.000-68.000 đồng/kg, sau đó lại giảm dần. Tháng 3/2023, giá lợn hơi cả nước đạt trung bình 49.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, cả nông hộ lẫn doanh nghiệp chăn nuôi đều chịu lỗ nặng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến chi phí bị đẩy lên cao.
"Cũng may là gần đây, giá lợn hơi nhích lên 60.000-67.000 đồng/kg, chăn nuôi lợn chính thức có lãi. Dự báo từ nay tới cuối năm, giá lợn hơi sẽ khá ổn định, không tăng cao đột biến" - ông Hòa nói.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, đàn lợn nước ta phát triển nhưng xuất khẩu chưa được nhiều, chủ yếu là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh. Trong đó, với mặt hàng thịt lợn sữa đông lạnh, 6 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu được hơn 19.000 tấn.
Thị trường tiêu thụ lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam là Hồng Kông (Trung Quốc). Bên cạnh đó, năm 2022, Việt Nam cũng xuất khẩu được 21.560 con lợn sống, nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất được 6.833 con.
Để xuất khẩu được thịt lợn, vấn đề cốt lõi nhất là kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do và hiệp định SPS giữa Việt Nam và các nước khác. Dự báo sản lượng thịt lợn thế giới năm nay đạt hơn 114 triệu tấn (tăng 0,3% so với năm 2022). Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất, dự kiến đạt 56 triệu tấn (48,8% toàn thế giới), trong khi nước ta có lợi thế nằm ngay bên cạnh thị trường lớn nhất thế giới, nhưng lại không khai thác được.
Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất thịt heo, với 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp với nhiều sản phẩm giá trị gia tăng (thịt hộp, thịt hun khói, xúc xích...), ngoài ra chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư.
Do đó, ông Lê Thanh Hòa đề xuất cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng thịt lợn đáp ứng tiêu chuẩn để tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu thịt heo sang thị trường Trung Quốc. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng (từ sản xuất đến bán lẻ, giảm các khâu trung gian); kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong bán hàng trực tiếp và bán hàng online, phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội bán buôn, bán lẻ, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Việt Nam tiêu thụ hơn 46.000 tấn phụ phẩm thịt lợn
Con số từ Cục Chăn nuôi cho thấy, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu 114.123 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 249,35 triệu USD, giảm 29,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với năm 2021.
Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 41.483 tấn, giảm 8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường cung cấp thịt lợn vào Việt Nam chủ yếu là Nga, Hà Lan và Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada…
Đáng chú ý là, trong 6 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu trên 46.000 tấn phụ phẩm ăn được của lợn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí có hiện tượng lợn sống nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam. Nguyên nhân là do giá lợn hơi ở nước ta đang cao hơn so với các nước trong khu vực.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sản lượng thịt lợn nhập khẩu hiện chiếm 0,7% trong tổng lượng thịt trên thị trường.
"Để đàm phán xuất khẩu thịt lợn hay nhập khẩu, đều phải qua nhiều bước khó khăn phức tạp, rất nhiều hàng rào kỹ thuật. Và chúng ta hiểu là khi đàm phán thương mại đều phải "ông mất chân giò bà thò chai rượu", kiểu "bia kèm lạc", phải tính cho phát triển sản xuất trong nước. Với việc hội nhập thường đi kèm với các cam kết, nhưng bao giờ cũng phải tính các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo cho phát triển sản xuất trong nước", ông Tiến nhấn mạnh.
Về vấn đề lợn nhập lậu đang tuồn vào nước ta, ông Tiến cho biết, khi phát hiện ra tình trạng này ở các tỉnh phía Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công điện chỉ đạo và hiệu quả đã thấy rõ.
"Chúng ta có đường biên giới rất dài, nếu không quản lý chặt chẽ thì một là sản phẩm, hai là dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Vừa rồi, Bộ đã trực tiếp chủ trì hội nghị về vấn đề xuất nhập khẩu, quản lý như thế nào để chúng ta đảm bảo nguồn hàng nhập vào theo đúng tinh thần quy định" - ông Tiến nói rõ.
Sang tháng 7, giá lợn hơi tại các tỉnh tiếp tục tăng, có tỉnh đạt ngưỡng 68.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trung bình đến ngày 22/7 dao động 63.000 - 66.000 đồng/kg ở miền Bắc, 60.000 - 62.000 đồng/kg ở miền Trung và 60.000 đồng/kg ở miền Nam. Giá lợn hơi không có chênh lệch lớn giữa các vùng, tuy nhiên, do khả năng cung ứng khác nhau, giữa các tỉnh có sự chênh lệnh nhất định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.