Ngày 18.1, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Tổng cục đường bộ Việt Nam, Tập đoàn SE (SEC) đã tổ chức buổi lễ “Tham quan công trường thí điểm neo đất công nghệ Nhật Bản” tại đường dẫn đầu cầu Bãi Cháy quốc lộ 18, TP.Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án JICA “Khảo sát kiểm chứng hỗ trợ khu vực tư nhân phổ biến các công nghệ của Nhật Bản cho giải pháp thi công neo đất phòng chống sụt trượt đất đá tại mái dốc thuộc các công trình đường bộ”.
Buổi lễ tham quan có sự tham gia của đại diện Ban quản lý dự án 3 (PMU3), Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và các bên liên quan.
Vị trí thi công Dự án là mái taluy số 7 thuộc đồi Ba Đèo ngay chân cầu Bãi Cháy. Theo đề xuất, Dự án sẽ thi công, xử lý tập trung vào diện tích khu vực trọng điểm của điểm sụt trượt là khoảng 270m2.
Đơn vị thi công Nhật Bản giới thiệu cách lắp đặt nắp chụp đầu neo.
Đơn vị thi công Nhật Bản giải thích một số thắc mắc cho các đơn vị liên quan.
Tại buổi lễ, ông Aoyama Takui - quản lý giám sát và chỉ đạo thi công trực tiếp tại công trường (NITTOC) đã giới thiệu sơ lược về trình tự thi công neo đất: cài đặt máy khoan theo thông số thiết kế, vận hành khoan tạo lỗ, bơm vữa, lắp đặt, bơm vữa cao áp, căng kéo, lắp đặt nắp chụp đầu neo.
Ngoài ra, tại buổi lễ, đơn vị thi công cũng đã giới thiệu đến các đơn vị liên quan cách lắp đặt nắp chụp đầu neo cũng như thực hiện thử nghiệm khoan tạo lỗ và căng kéo neo đất.
Tham quan thực hiện thử nghiệm khoan tạo lỗ.
Ông Takeya Koji, Giám đốc dự án thử nghiệm neo đất Nhật Bản cho biết: "Có nhiều người và các bên thành phần tham gia, thể hiện sự quan tâm đến dự án nên tôi rất vui mừng. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã bắt đầu giới thiệu công nghệ neo đất đến Việt Nam từ cách đây 5-7 năm. Chúng tôi thấy rất nhiều vị trí cần phải xử lý triệt để, đảm bảo an toàn. Rất may thời gian gần đây, JICA cùng với một số cơ quan của phía Việt Nam như Bộ GTVT hỗ trợ chúng tôi thực hiện thử nghiệm này. Chúng tôi hy vọng đây là bước đầu tiên để đưa công nghệ vào khắc phục các vị trí sụt trượt".
Kích dùng trong căng kéo.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Chuyên viên chính Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho biết: "Đây là một dự án đã được Bộ GTVT cũng như JICA chấp thuận cho triển khai áp dụng. Tổng cục đường bộ Việt Nam là đơn vị triển khai dự án phối hợp với các đơn vị liên quan trong đó có Viện khoa học công nghệ, Ban quản lý dự án 3 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và đề cương cũng đã được Bộ chấp thuận.
Trên cơ sở đề cương đó thì các đơn vị có liên quan cùng với SEC triển khai thử nghiệm. Theo quan sát và đánh giá của tôi, buổi thử nghiệm hôm nay cơ bản đáp ứng yêu cầu đề cương. Chúng tôi tin tưởng rằng, 31 neo đất sẽ được neo thành công tại dự án này, góp phần nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo an toàn vị trí mái dốc đang thường xuyên bị xói mòn trong tình trạng mưa lũ, biến đổi khí hậu như hiện nay."
Thực hiện thí nghiệm căng kéo.
Được biết, công nghệ neo đất vĩnh cửu đã nhận được Giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật xây dựng từ Trung tập kỹ thuật đê và sụt trượt đất (Nhật Bản). Neo đất SEEE áp dụng phương thức cố định đầu neo bằng đai ốc, có cấu tạo chống ăn mòn 2 lớp, được sử dụng rất nhiều ở những công trình có địa chất là đất sét, đất cát và đá tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có khoảng 30% tuyến quốc lộ của Việt Nam (tổng chiều dài khoảng 20.654km) đi qua địa hình đồi núi. Tại các mái dốc nằm hai bên các công trình đường bộ, giải pháp xử lý đối với các hiện tượng sụt trượt đất dễ phát sinh vào mùa mưa phần lớn là các giải pháp tạm thời, nhiều trường hợp sụt trượt tái phát sau khi xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.
Được biết, thời gian thực hiện Dự án từ tháng 5.2017 - 5.2019, với tổng giá trị tài trợ từ JICA khoảng 23 tỷ đồng.
Các tổ chức/ cơ quan quản lý. thực hiện dự án thí điểm:
JICA: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản/ Đơn vị tài trợ vốn cho Dự án.
DRVN: Tổng cục Đường bộ Việt Nam/Chủ dự án tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động của Dự án.
PMU3: Ban quản lý dự án 3/ Cơ quan thay mặt DRVN phối hợp, hỗ trợ các đơn vị cơ quan/ doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện các hoạt động của dự án đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục quy định hiện hành và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các nội dung liên quan đến dự án đồng thời tham gia công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các công tác triển khai thực hiện dự án thí điểm.
Quảng Ninh DOT: Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh/ Cơ quan quản lý tại địa phương phối hợp, hỗ trợ thực hiện dự án.
DOST: Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Giao thông vận tải/ Cơ quan quản lý.
ITST: Viện Khoa học và Công nghệ GTVT/ Cơ quan phối hợp, hỗ trợ thực hiện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đồng thời tham gia công tác đánh giá công nghệ, báo cáo tổng kết, đề xuất phạm vi áp dụng hiệu quả của công nghệ.
VJEC: Công ty TNHH tư vấn xây dựng Nhật Việt/ Đơn vị tư vấn Việt Nam phối hợp, hỗ trợ công tác thiết kế.
SEC: Tập đoàn SE/ Đơn vị được JICA ủy thác thực hiện Dự án.
ESS: Đơn vị tư vấn Nhật Bản chịu trách nhiệm thực hiện công tác thiết kế.
NITTOC: Đơn vị thi công Nhật Bản chịu trách nhiệm giám sát thi công thực hiện dự án thí điểm.
KGE: Đơn vụ tư vấn Nhật Bản chịu trách nhiệm công tác khảo sát.
Nhà thầu Việt Nam: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Giang Đông/ Đơn vị thi công Việt Nam chịu trách nhiệm thi công xây dựng các hạng mục công trình thí điểm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.