Xử lý trung gian

Thứ năm, ngày 01/08/2013 18:10 PM (GMT+7)
Vốn cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, người nông dân có lẽ là tầng lớp đông đảo nhất khó tiếp cận với xa lộ thông tin. Cho nên có quá nhiều điều họ không hiểu nổi, không giải thích được...
Bình luận 0
Nông dân đi kiện chuyện đất đai, nông dân chán ruộng, nông dân bỏ làng tản ra tứ phương tám hướng kiếm ăn gọi là ly nông hay ly hương. Và có lẽ những cựa quậy đa dạng đó đã bão hòa, không hiệu quả bởi cái ù lỳ chậm trễ của cơ quan công quyền, nông dân đang viết “tâm thư” để phản ánh thực tế, bày tỏ thắc mắc để kêu cứu. Bức xúc của nông dân trong những “tâm thư” gửi Bộ trưởng NNPTNT chứng tỏ họ đang cần những phương hướng giải quyết trực tiếp, họ đang thất vọng trước sự chậm trễ và thiếu hiệu quả của hệ thống trung gian giữa họ và lãnh đạo nông nghiệp.

Nông dân và có lẽ cả chúng ta nữa không thể hiểu nổi vì sao, với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu, mưa nắng bình thường ở vựa lúa ĐBSCL mà 1kg lúa có giá thành 3.400 đồng, chỉ bán được 3.400 đồng? Giải bài toán này không khó. Khi mua các thứ như phân bón, thuốc trừ sâu, dầu chạy máy... nông dân đã phải “cõng” một hệ thống trung gian dày đặc. Chắc chắn hệ thống ấy đã tận dụng mọi cơ hội để thu lợi tối đa, giá bị đội lên và hạt lúa, con cá phải lãnh đủ.

Khi bán lúa, bán cá cũng cái hệ thống ấy - cầu nối không thể thay thế giữa nông dân và người tiêu dùng ở trong nước và nước ngoài – nên hạt lúa của ta không thể cạnh tranh nổi với hạt lúa Thái Lan, Ấn Độ nếu lớp “trung” và “gian” này không chịu chia bớt lợi nhuận với người sản xuất. Nông dân ta không có quyền lực - để có thể can thiệp vào giá mua vật tư và giá bán sản phẩm, đành “ôm đầu chịu trận”.

Tìm ra được “thủ phạm” chính của hệ thống trung gian này thật khó như mò đầu mối của cuộn chỉ rối. Người ta sẽ rất hùng hồn viện dẫn đủ thứ lý do, khư khư ôm lợi nhuận rồi chuyền trách nhiệm cho nhau như chuyền bóng. Nó đòi hỏi người đứng đầu và cũng là người chịu trách nhiệm chính của ngành nông nghiệp phải có bản lĩnh và công tâm.

Xin hãy điều chỉnh lại một cách kiên quyết và mạnh mẽ lợi nhuận của các loại “trung gian”, các “nhóm lợi ích” đang ăn bám trên mồ hôi của người làm ra sản phẩm nông nghiệp để họ có đời sống tốt hơn. Ít nhất thì cũng không đẩy họ tới tình trạng bất đắc dĩ bỏ ruộng, đơn giản vì không sống được trên cánh đồng không còn sinh lợi của chính mình.

Sông Thao ( Sông Thao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem