Xứ sở nghèo khó khoác “áo mới”

Hoàng Hạnh Thứ năm, ngày 12/03/2015 14:30 PM (GMT+7)
Những cánh đồng lúa trĩu hạt một màu vàng óng trong vụ mùa đông xuân trên cánh đồng Chó Ngáp (huyện Phước Long, Bạc Liêu); hàng chục km đường giao thông nông thôn láng bóng ở các xã Hưng Phú, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Thanh... như khoác thêm chiếc áo mới cho xứ sở từng nghèo khó một thời.
Bình luận 0

Làm để dân tin

Ông Phan Thành Đông – Chủ tịch UBND huyện Phước Long mở đầu câu chuyện với phóng viên NTNN bằng cách nói rất tự hào: “Sinh ra và lớn lên ở đây, nên tôi cảm nhận được niềm vui chung của hàng vạn người dân Phước Long trước sự đổi thay không ngừng của quê hương”.

img

Nhiều xã nông thôn của Phước Long đang chuyển mình.

Chủ tịch huyện Phước Long chia sẽ rằng: “Để có được như ngày hôm nay, nhiều năm qua Đảng bộ, quân và dân Phước Long đã vào cuộc hết mình. Để dân tin và làm theo, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã phân công cán bộ từ huyện đến xã cùng xuống đường làm nông thôn mới với dân. Việc làm này đã mang đến kết quả mỹ mãn khi dân tin và ủng hộ hết mình về vật chất, cũng như ngày công lao động”.
 

Sự đổi thay của Phước Long hôm nay được ghi nhận qua từng con đường làng, từng ngõ nghách xóm ấp. Nó đổi thay ngay trên đồn giặc ngày xưa, đồn “Dòng Thành Chủ Hiệp” ở ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thanh nay được xây dựng thành khu văn hóa, giải trí ngoài trời phục vụ cho người dân địa phương thư dãn. Một trường tiểu học đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia mọc lên trên vùng đất địch bao chiếm…

Anh Văn Thơ- công tác tại Đài Truyền thanh huyện Phước Long nói rằng: “Năm 1998 ở trụ sở xã Vĩnh Thanh muốn vào ấp Tường Thắng A cách gần 2km mà phải đi mất vài giờ. Hồi ấy phương tiện duy chuyển chủ yếu là bằng xuồng chèo hay lội bộ. Còn bây giờ thì mất không tới 5 phút cho một chuyến đi” – anh Thơ tâm sự.

Sự thay đổi lịch sử

Hôm tiếp chuyện với chúng tôi, ông Quách Văn Vĩnh (79 tuổi, ở ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh) khẳng định ông cảm nhận được sự thay đổi của quê hương mình có tính chất lịch sử. “Từ thời chiến tranh đến khi hòa bình lập lại, vùng này nằm lọt thỏm trong cánh đồng Chó Ngáp, sản xuất một năm chỉ được một vụ lúa mùa, năng suất không cao. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, nên nông dân sản xuất 3 vụ trên năm, năng suất lên đến vài chục giạ trên công” – ông Vĩnh cho biết.

Còn ông Võ Minh Quân (46 tuổi) cũng vui mừng không kém. “Nông thôn mới đúng là có cái “đã”. Thời cha ông chúng tôi chưa biết và chưa từng đi trên cây cầu bê tông cốt thép mà phải đi cầu khỉ, lội bùn… Nay con cháu chúng tôi được tận hưởng hết mọi sự tiện nghi mà nông thôn mới mang lại” – ông Quân nói.

Bí thư Chi bộ ấp Tường Thắng A – Phan Văn Bắc hồ hởi cho biết” “Ấp có 322 hộ, hiện chỉ còn 8 hộ nghèo (2 năm trước là 38 hộ - PV), hiện đang được mọi người chung sức trợ giúp để thoát nghèo trong nay mai”. Theo ông Bắc khi mới bắt đầu làm nông thôn mới, một bộ phận người dân chưa hiểu được lợi ích chung nên có phần phản đối. Còn bây giờ người dân trong ấp nhiệt tình ủng hộ, thậm chí có người còn mạnh dạn đưa ra sáng kiến để Nhà nước xem xét triển khai vào thực tiễn. Ông Lâm Hoàng Hậu – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh khoe: “Qua hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,73%, giảm 28%, bình quân thu nhập 38 triệu đồng/người/năm”.

Ông Phan Thành Đông cho biết: “Hiện Phước Long có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Quân và dân huyện Phước Long đang dốc sức để đến ngày 30.4 được công nhận là huyện nông thôn mới”.

  Sự đổi thay của Phước Long hôm nay được ghi nhận qua từng con đường làng, từng ngõ nghách xóm ấp. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem