Xu thế của con cá tra

Chủ nhật, ngày 10/03/2013 07:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiệp hội Cá tra Việt Nam được thành lập ngày 2.3.2013. Một đài phát thanh nước ngoài phân tích về tình hình khó khăn của những người nuôi và chế biến cá tra. Có thể có cảm giác tình hình thật bi đát, khó có đường ra.
Bình luận 0

Ở một khía cạnh khác, từ bài bình luận có thể lại hình dung ra một viễn cảnh đầy triển vọng của ngành công nghiệp cá tra Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng.

img
Ảnh minh họa từ internet

Người ta nói quá nhiều về tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngành này ngành nọ và đôi khi than phiền: "Nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu". Sự than vãn đó có thể đúng đối với 3 chương trình tái cấu trúc của Nhà nước. Nhưng phải nhớ rằng Nhà nước chỉ là một tác nhân, tuy rất quan trọng nhưng không phải quá lớn, của nền kinh tế.

Người dân, các hộ gia đình, các công ty lớn và nhỏ đã, đang và sẽ "tái cấu trúc" liên tục hàng ngày, hàng giờ. Và tạo điều kiện cho sự tái cấu trúc này diễn ra hiệu quả mới thực sự là quan trọng nhất. Doanh nghiệp, người dân cũng chẳng quan tâm đến những thuật ngữ "cao sang" đó, họ cứ làm theo những động cơ, khuyến khích của chính mình và tác động của thị trường.

Và sự biến động, thăng trầm của ngành cá tra Việt Nam cũng thế. Bình luận của đài phát thanh nước ngoài kết thúc với nhận xét: "Hiệp hội mới ra đời nhưng nhiều nông dân đã cho rằng, nghề cá tra có lẽ sẽ chỉ còn những người giàu nuôi cá, khi xu thế sản xuất khép kín doanh nghiệp xuất khẩu tự nuôi cá, chế biến nguyên liệu và cuối cùng xuất khẩu. Mặt tích cực được cho là công nhân nhà máy chế biến có việc làm, bảo đảm sản lượng và kim ngạch. Tuy vậy sẽ có không ít hộ nông dân nuôi cá tra trở thành người làm thuê trên ao cá của mình".

Xin nói thêm, nhiều nông dân sẽ phải bán ao cá của mình. Họ có thể phải kiếm nghề khác nhưng hay nhất là trở thành công nhân, người làm công, "làm thuê" cho công ty đã mua lại ao cá của họ. Điều này có thể là đau đớn với một số nông dân, nhưng trở thành công nhân, người làm công ăn lương hay người gia công ở một khâu (nuôi cá), ở một mắt xích của "chuỗi cung" có thể mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những người vốn là nông dân.

Nuôi, chế biến, bán hay xuất khẩu cá tra là các khâu chính trong cái "chuỗi cung" ấy. Chuỗi cung này phải hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả mới có tính cạnh tranh và những người làm việc trong đó mới giữ được việc làm và có thu nhập xứng đáng. Để làm như vậy cần nhiều vốn, nhiều tri thức về quản lý, kỹ thuật, công nghệ mà một người nông dân đơn lẻ khó có thể có, chính vì vậy việc các công ty xuất khẩu, chế biến lấn sang lĩnh vực nuôi hoặc sự hợp tác của nông dân nuôi cá là một xu hướng nên khuyến khích.

Họ có thể tiến hành nhiều khâu của chuỗi cung, từ con giống, thức ăn, vệ sinh, nuôi, chế biến đến xuất khẩu. Và quá trình đó đang diễn ra trong ngành cá tra như đã âm thầm diễn ra với ngành nuôi tôm trong 10 năm qua. Những người nuôi nếu chỉ có vốn và kỹ năng để vận hành một diện tích nuôi nhỏ (thí dụ vài ha) khó có khả năng cạnh tranh và nên chủ động tham gia vào một khâu của “chuỗi cung” dưới nhiều dạng khác nhau. Sự chuyển biến ấy, dẫu có "đau đớn", nhưng lại có thể tạo ra một ngành công nghiệp hiện đại và nên được khuyến khích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem