Xuân vui ở những vùng đất mới

Thứ ba, ngày 05/02/2013 13:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhường đất cho thủy điện, di cư khỏi nơi cư trú biệt lập, di dời từ các làng chài lên bờ… những người dân về nhà mới ở những vùng đất mới còn nhiều nỗi lo, nhưng bên cạnh đó họ vẫn có niềm vui được hỗ trợ vui tết, đón xuân.
Bình luận 0

Xuân trong nhà mới

Sau 44 năm cư trú biệt lập dưới đèo Hải Vân, xuân này hơn 70 hộ dân làng Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lần đầu tiên tất bật chuẩn bị đón tết cùng với nhịp sống phố phường, cộng đồng nơi khu định cư mới.

img
Nhà ở khang trang tại khu tái định cư của người dân làng Vân.

Ngày 4.2, bước vào khu tái định cư làng Vân (phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), một vài bản nhạc xuân đã được cất lên. Bên khu nhà C18, bác Đặng Văn Tâm (50 tuổi) đang lau tấm kính trước hiên nhà, vui vẻ nói: “Để chuẩn bị đón xuân, gia đình tôi sắm thêm đồ dùng, mua thêm ga trải giường và thay rèm cửa. Những năm trước, điều kiện ở biệt lập, đi lại khó khăn nên đón xuân cũng sơ sài, nay được chuyển xuống đây ai ai cũng muốn có 1 mùa xuân đàng hoàng cho con cháu nó mừng”.

Bên cạnh nhà bác Tâm, cụ Lê Văn Ngộ (68 tuổi) đang lụi cụi gọt cà rốt, củ cải phơi khô để làm dưa món đón tết. Trong khi đó vợ ông -- bà Nguyễn Thị Lê (68 tuổi) đang xới đất, nhổ cỏ chăm bón lại đám hoa trước nhà: “Ở đây diện tích đất hạn hẹp chứ không rộng rãi thoải mái như ngoài kia. Vì vậy nhà nào cũng tận dụng ô đất nhỏ phía trước để trồng thêm cây xanh, thêm ít cây hoa cho có màu xuân của tết.

Ông Phạm Trưng - Ban Văn hóa xã hội phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, các hộ dân mới di dời đến khu định cư được hơn 5 tháng. Tết thì vui nhưng vẫn còn lắm nỗi lo. Từ khi về nơi ở mới, chỉ trừ một số ít thanh niên được nhận đi làm ở vài nơi, còn hầu hết mọi người đều ở nhà, ngồi chơi không.

“Đi xin việc nơi đâu cũng đều nhận cái lắc đầu, gửi hồ sơ xin làm công nhân khu công nghiệp chỉ có gửi đi mà chẳng thấy có hồi âm gì. Thanh niên như tôi nơi này ở không hơn 5 tháng nay rồi. Tết chẳng có tiền tiêu…” - chàng thanh niên Trịnh Di Động nói. Nhiều hộ dân làng Vân cho biết, UBND quận Liên Chiểu đã tổ chức lớp học nghề đóng tàu, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến nước mắm… cho các hộ dân ở đây.

“Nhưng mọi người ở đây học thức ít, nhiều người không biết chữ, cao nhất cũng chỉ mới lớp 5 nên bây giờ bảo họ đi học nghề là rất khó” - anh Nguyễn Đức Hùng - Trưởng thôn của khu dân cư D09, tổ 13 cho biết.

img
Người dân chuẩn bị dưa món đón xuân tại làng Vân.

Xuân này, do là khu tái định cư mới còn gặp nhiều khó khăn nên dân làng Vân được các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng như các cá nhân, tập thể quan tâm giúp đỡ nhiều. Tuy nhiên, ông Phạm Trưng bày tỏ: “Cứ ngồi ăn bát cơm người khác cho là trong lòng bứt rứt không yên. Nhưng tết cũng đến gần rồi, gắng nhẹ lòng ăn Tết cùng nhà mới cái đã. Mọi chuyện gác lại đợi sang năm lo tiếp”.

Tết ấm nơi bản nghèo

3 tháng cuối năm, Thủy điện Sông Tranh 2 và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bỗng… nổi tiếng vì phải hứng chịu gần 100 trận động đất và dư chấn lớn nhỏ. Những người dân nhường đất cho Thủy điện Sông Tranh 2 thì đang phải đối mặt với đói nghèo và rủi ro. Vì vậy, rất nhiều nhà hảo tâm đã đổ công sức, tiền bạc hỗ trợ tết cho bà con nơi đây. Theo UBND huyện Bắc Trà My, tới thời điểm này, huyện đã tiếp nhận gần 7.000 suất quà gồm tiền mặt và quà tết của các cơ quan, tổ chức xã hội trong cả nước với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Hiện nay, 300 tấn gạo hỗ trợ của Trung ương cũng đã được cấp phát cho các hộ dân, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói trong dịp tết.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - người dân tộc Cadong, trú tại thôn 2, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My bày tỏ: “Xã tôi ở xen kẽ một số hộ di dân thủy điện. Vừa tới nơi ở mới thì bị mất mùa, thu nhập không có. Được Đảng, Nhà nước quan tâm cung cấp gạo và quà tết, bà con đều phấn khởi”.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có hơn 100 thủy điện công suất 30MW trở lên, số hộ dân tái định cư lên tới hàng triệu hộ. Hầu hết các hộ dân nghèo ở các khu tái định cư mới đều được hỗ trợ ăn tết từ nhiều nguồn: Hỗ trợ theo chính sách (hộ nghèo được trợ cấp 300.000 -1 triệu đồng/hộ và gạo; MTTQ hỗ trợ khoảng 200.000 đồng/hộ), từ các chủ đầu tư thủy điện, từ các nhà hảo tâm...

Ở huyện vùng cao chon von Mèo Vạc (Hà Giang) - nơi di dân để xây dựng Thủy điện Nho Quế, tết năm nay bà con cũng vui xuân đầm ấm hơn. Những ngôi nhà mới dựng thành bản, thành làng, những chiếc xe máy đã xuất hiện ngày càng nhiều ở xóm Tà Ngày, xã Sơn Vỹ, và hàng hóa tiêu dùng về bản cũng nhiều hơn. Từ chỗ việc đi lại hầu hết là đường mòn thì nay đường đến xóm đã được Công ty Thủy điện Nho Quế mở rộng, nâng cấp thành đường lớn. Ông Hoàng A Phủ - dân xóm Tà Ngày cười rạng rỡ: “Nhà mới đã có, đất sản xuất cũng có, nhà tôi có ngô, gà, lợn. Tết này đã vui rồi”.

Không chỉ người dân mà trẻ em ở Hà Giang cũng nhận được nhiều hỗ trợ. Mới đây nhất, Chương trình Mùa xuân biên giới do ông Nguyễn Thành Tươi - Chủ tịch UBND Cà Mau dẫn đầu đã tặng nhu yếu phẩm thiết dụng cho học sinh tại 8 trường bán trú dân nuôi, tặng quà tết cho hơn 500 hộ nghèo và 500 học sinh nghèo vượt khó thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh Hà Giang là Hoàng Su Phì, Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem