Xuất hiện tình trạng “xách tay” chất cấm từ TQ về Việt Nam

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ tư, ngày 23/12/2015 17:30 PM (GMT+7)
"Về nguồn gốc chất cấm, chúng tôi còn biết được có cả tình trạng “xách tay” chất cấm từ Trung Quốc về Việt Nam chứ không chỉ có riêng các công ty dược được phép nhập khẩu chất này tuồn ra” - Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành - Thanh tra Bộ NNPTNT).
Bình luận 0

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT), với tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan như hiện nay, mình ngành nông nghiệp không thể xử lý hết được mà cần có sự vào cuộc của các địa phương. Nhiều nơi có cán bộ kiểm dịch mà không hề kiểm tra, giám sát vấn đề này.

Thanh tra Bộ NNPTNT vừa thanh kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại nhiều địa phương. Ông có thể cho biết cụ thể việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay?

- Trong đợt cao điểm kiểm tra xử lý về vấn đề an toàn thực phẩm vừa qua, chúng tôi đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan thu được rất nhiều kết quả. Có hàng chục vụ việc với hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) có chất cấm đã bị phát hiện và tiêu hủy. Lúc đầu, chỉ phát hiện người chăn nuôi sử dụng nhỏ lẻ, tới việc công ty sản xuất TĂCN đưa thẳng chất cấm vào TĂCN để bán cho người dân. Thậm chí, chúng tôi còn tìm ra cả công ty được cấp phép nhập chất cấm Salbutamol về làm thuốc chữa bệnh hen suyễn nhưng lại nhập vượt 200kg để bán ra ngoài.

img

Cán bộ Chi cục Thú y Đồng Nai lấy mẫu nước tiểu lợn xét nghiệm chất cấm tại một trang trại.   Ảnh:  Bình Nguyên

Có thể nói tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm hiện đã trở thành vấn nạn, vì lợi nhuận cao các đối tượng bất chấp tất cả, kể cả hành vi vô đạo đức là đầu độc đồng bào và chính con cháu của họ để kiếm lời.

Mới đây nhất là vụ việc ở Bình Dương phát hiện chất cấm ngay ở lò mổ. Phải chăng có cả tình trạng lò mổ cũng mua lợn về rồi dùng chất cấm để vỗ béo, tạo nạc trước khi giết mổ và bán ra thị trường?

- Tình trạng một số lò mổ có chuồng trại, mua lợn khoảng 60kg từ các hộ dân và trước đây đã phát hiện là mua của cả Công ty C.P về vỗ béo bằng chất cấm đã bị phát hiện. Tuy nhiên, đối với sự việc ở Bình Dương lần này, công ban đầu chính là thuộc về các cơ quan tuyên truyền. Từ thông tin tuyên truyền về tác hại của chất cấm, người dân làm ăn chân chính đã thông tin cho cơ quan chức năng qua đường dây nóng. Qua đó, chúng tôi phối hợp với C49 Bộ Công an, Cục Thú y, Thanh tra Sở NNPTNT và Chi cục Thú y Bình Dương trực tiếp kiểm tra 2 cơ sở giết mổ  ở Bình Dương. Họ giết mổ cả buổi trưa, khoảng 100 – 130 con.

Khoảng 11 giờ 30, chúng tôi lấy mẫu ngay nước tiểu ở trong bàng quang lợn vừa mổ ra, sau gần 2 ngày có kết quả 5/10 mẫu dương tính với Salbutamol. Trong đó, có mẫu đạt 862ppb (quy định là 2ppb), tức là vượt ngưỡng tới 430 lần, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Ở đây có thể thấy rõ, họ vừa cho lợn ăn chất cấm ngay trước khi giết mổ...

" Về nguồn gốc chất cấm, chúng tôi còn biết được có cả tình trạng “xách tay” chất cấm từ Trung Quốc về Việt Nam chứ không chỉ có riêng các công ty dược được phép nhập khẩu chất này tuồn ra”.
Ông Phạm Tiến Dũng

Qua vụ việc này, chúng tôi còn phát hiện có cả một đội ngũ thương lái chủ yếu là người dân từ nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung  vào Đồng Nai, Bình Dương thuê trọ để mua bán, giết mổ lợn và kiêm luôn cả công việc buôn bán chất cấm.

Thậm chí, các cơ sở này có cả lực lượng thú y địa phương ký cam kết với người dân chăn nuôi rất hình thức, họ không hề kiểm tra nhưng vẫn ký cam kết nên sản phẩm thịt có chất cấm vẫn được đưa ra thị trường sau khi giết mổ.

Theo đánh giá của ông, hiện các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc quyết liệt ngăn chặn và xử lý vấn nạn chất cấm?

- Qua đợt kiểm tra vừa qua, chúng tôi nhận thấy, ngoài một số tỉnh đã bắt đầu vào cuộc quyết liệt, hầu hết các địa phương, chính quyền vào cuộc rất chậm. Nhiều nơi có cán bộ kiểm dịch mà không hề kiểm tra, giám sát vấn đề này, không hiểu họ ngại hay sợ vấn đề gì hay không mà không hề thấy vào cuộc. Mới đây, chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin TP.HCM mới mở đường dây nóng và bố trí kinh phí, nhân lực và mở cả chiến dịch riêng cho hoạt động kiểm soát chất cấm là một tín hiệu rất đáng mừng.

Tôi cho rằng, không chỉ có thanh tra Bộ NNPTNT mà ngay cả các địa phương cũng phải vào cuộc, phải mở đường dây nóng để nhận các phản ánh của người dân, còn cứ báo lên Bộ NNPTNT thì bộ không thể xử lý kịp hết tất cả vụ việc.

Để kiểm soát được tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm trong thời gian tới, theo ông cần có giải pháp gì?

- Tôi cho rằng, Chính phủ phải có chỉ đạo trực tiếp tới UBND các tỉnh và trực tiếp lãnh đạo các tỉnh phải quyết liệt thì mới làm được. Bộ NNPTNT có văn bản gửi các tỉnh rồi nhưng vừa qua đi kiểm tra tôi thấy các địa phương vẫn lơ là lắm. Bài học trước đây chúng ta kiểm soát gia cầm lậu, có sự chỉ đạo của Chính phủ thì các địa phương đã làm rất tốt.

Về nguồn gốc chất cấm, chúng tôi còn biết được có cả tình trạng “xách tay” chất cấm từ Trung Quốc về Việt Nam chứ không chỉ có riêng các công ty dược được phép nhậu khẩu chất này tuồn ra.  

Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp tuồn Salbutamol ra ngoài

Qua nguồn báo của quần chúng, Thanh tra Bộ NNPTNT vừa phối hợp các cơ quan chuyên ngành phát hiện Công ty Minh Anh (tỉnh Bình Dương) sử dụng Salbutamol đậm đặc tới 98% bán cho cơ sở chế biến TĂCN. Chủ cơ sở Minh Anh đã khai nhận, từ tháng 3.2014 và tháng 10.2015, công ty đã được phép nhập khẩu 3,225 tấn Salbutamol. Tuy nhiên, sau đó công ty đã phân phối Salbutamol cho một số công ty không có chức năng sản xuất dược phẩm, trong đó có Công ty TNHH Seabird - chuyên sản xuất thức ăn thủy sản. Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 1 thùng 25kg chứa Salbutamol 98% dạng nguyên chất đang dùng dở và đã sử dụng 7,5kg.

               A.T

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem