Xuất khẩu dệt may tăng mạnh, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ

Hồng Trâm Thứ sáu, ngày 13/05/2022 17:14 PM (GMT+7)
Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, sức mua đối với hàng dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng khi đạt mức tăng gần 21% về kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2022.
Bình luận 0

Xuất khẩu dệt may nhiều khởi sắc

Ngày 13/5, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp cùng IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) tổ chức Hội thảo sản xuất bền vững cho chuỗi cung ứng dệt may tại TP.HCM.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường dệt may Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt gần 11 tỷ USD, tăng trưởng gần 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, các thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều ghi nhận tăng trưởng dương. Bên cạnh đó là cơ hội từ các giải pháp đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng nội địa, giảm bớt nhập khẩu. Hiện các địa phương đều đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư này.

Xuất khẩu dệt may tăng mạnh, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 - Ảnh 1.

Ngành dệt may đạt nhiều tín hiệu khởi sắc trong các tháng vừa qua. Ảnh: L.T

Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh. Hiện tại, đây là thị trường lớn thứ hai của dệt may Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ. Các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam gồm có sợi các loại, quần áo jacket, sơ mi, quần áo trẻ em… 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Vitas đánh giá thị trường Trung Quốc khá bền vững vì đây là quốc gia phát triển kinh tế và đông dân nhất thế giới. Nhiều nhà máy tại Việt Nam đang gia công các loại sợi để xuất sang thị trường này.

Nhận định về thời gian tới, lãnh đạo Vitas đánh giá ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Đặc biệt là Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 là cơ hội rất lớn.

Các thách thức với ngành dệt may

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, bên cạnh những cơ hội thì ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Thách thức đầu tiên là chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nhất định của đại dịch, dẫn tới sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Tiếp theo đó là việc các nhãn hàng đều đưa ra yêu cầu về việc sử dụng sản phẩm tái chế, trong khi chuỗi cung ứng này của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thách thức cuối cùng là về nguồn lực lao động.

Hiện Việt Nam đã mở cửa hoạt động xuất khẩu lao động, mở cửa cho các ngành công nghiệp vào Việt Nam, từ đó mang lại cơ hội rất lớn cho người lao động nhưng đi kèm đó là thách thức cho các doanh nghiệp. Nếu không có các giải pháp có tính đầu tư chiến lược thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Xuất khẩu dệt may tăng mạnh, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: L.T

Bên cạnh đó, dù thị trường dệt may đang khởi sắc, nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.

Đối với yêu cầu về sản phẩm tái chế, ông Vũ Đức Giang cho biết hiện nay thị trường châu Âu đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho giai đoạn 10 năm tới. Do đó, nếu doanh nghiệp không theo kịp xu hướng này thì sẽ gặp thách thức rất lớn. Vitas khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm sợi tái chế từ xơ tái chế nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng.

Lãnh đạo Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp phải đầu tư đạt chuẩn mực theo hệ thống đánh giá của các nhãn hàng, về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, môi trường làm việc cho người lao động… Việc đáp ứng được các yêu cầu này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Cùng với đó là việc tuân thủ các chính sách về lao động.

Xuất khẩu dệt may tăng mạnh, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 - Ảnh 4.

Thị trường Trung Quốc đang vươn lên về xuất khẩu sợi. Ảnh: BĐT

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo năm 2022, ngành dệt may ước đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42 - 43,5 tỷ USD. Để đạt được kế hoạch này, một số giải pháp ngắn hạn đã được các đơn vị áp dụng như chuyển đổi chỉ số sợi, thay đổi mặt hàng, sản xuất các loại sợi pha mới để giảm nguyên liệu bông đầu vào. 

Về dài hạn, doanh nghiệp dệt may sẽ phải xây dựng hệ thống có tiêu chuẩn chung, giảm thiểu những rủi ro.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem