Lý do Bắc Ninh muốn hình thành Cảng hàng không Gia Bình từ sân bay chuyên dùng của Bộ Công an
Lý do tỉnh Bắc Ninh muốn hình thành Cảng hàng không Gia Bình từ sân bay chuyên dùng của Bộ Công an
Khương Lực
Thứ hai, ngày 06/01/2025 18:05 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa ký công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cho phép chuyển đổi sân bay chuyên dùng Gia Bình thành Cảng hàng không Gia Bình công suất quy hoạch dự kiến từ 1 - 3 triệu hành khách/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm).
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải xem xét chấp thuận cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời giao cho tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Công an triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi sân bay chuyên dùng Gia Bình thành Cảng hàng không Gia Bình. Ảnh phối cảnh sân bay Gia Bình
Vì sao phải nâng cấp thành Cảng hàng không Gia Bình?
Theo đề xuất, Cảng hàng không Gia Bình có quy mô, cấp sân bay cấp 4E; công suất quy hoạch dự kiến là vận chuyển hành khách từ 1 - 3 triệu hành khách/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm); vận chuyển hàng hóa từ 250.000 - 1.000.000 triệu tấn hàng hóa/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất từ 1,5 - 2 triệu tấn hàng hóa/năm).
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất quy hoạch bổ sung các công trình khu bay trên cơ sở tận dụng hạ tầng đã được Bộ Công an xây dựng; quy hoạch bổ sung sân đỗ máy bay phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa; quy hoạch nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu vực logistics và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư Dự án Cảng hàng không Gia Bình ước khoảng 31.300 tỷ đồng.
Về sự cần thiết hình thành Cảng hàng không Gia Bình, UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng Bộ Công an đang đầu tư dự án sân bay chuyên dùngGia Bình với công trình khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) đáp ứng tiêu chuẩn sân bay cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
"Để tăng cường hiệu quả đầu tư của Dự án, tận dụng cơ sở hạ tầng khu bay đang được đầu tư xây dựng việc hình thành Cảng hàng không Gia Bình phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cần thiết" - UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin, với mục tiêu đến năm 2030: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050: Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu Châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực Châu Á.
Một trong số đột phá phát triển của tỉnh Bắc Ninh là: Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử; phát triển các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước.
Với các mục tiêu phát triển và đột phá phát triển của tỉnh Bắc Ninh, vận chuyển hàng hóa hàng không để thúc đẩy sản xuất thương mại, thương mại điện tử và phát triển các trung tâm logistics trong tỉnh là ưu tiên hàng đầu.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Công an thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 của Dự án xây dựng sân bay Gia Bình đã hoàn thành và bàn giao đất cho Bộ Công an để triển khai xây dựng sân bay.
Cùng với việc Bộ Công an triển khai ngay nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Gia Bình giai đoạn 2 đạt sân bay cấp 4E đảm bảo hoạt động các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại máy bay Airbus A320, A350-900, Boeing 787-9…; vận tải hàng hóa, hành khách khi có nhu cầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nguồn lực và các điều kiện để tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ sân bay khi chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 2 được Thủ tướng phê duyệt.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ động xây dựng, hoàn thiện đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình, theo hướng chuyển đổi từ sân bay chuyên dùng Gia Bình thành Cảng hàng không Gia Bình.
Sân bay Gia Bình nằm ở đâu?
Theo quy hoạch ban đầu, sân bay Gia Bình có diện tích rộng 125ha nằm trên địa phận xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc "lên đời" thành Cảng hàng không Gia Bình, sân bay này sẽ được mở rộng lên gấp 3 lần diện tích ban đầu (khoảng hơn 360ha), nằm trên địa phận xã Xuân Lai, thị trấn Gia Bình và xã Quỳnh Phú (huyện Gia Bình). Đường băng cất, hạ cánh được nâng lên 4.500m.
Sân bay Gia Bình nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, với chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Bắc Nính đang lên phương án triển khai xây dựng con đường mới nằm song song với quốc lộ 17 hiện hữu chạy thẳng về trung tâm Hà Nội có chiều rộng khoảng 80-100m. Sân bay cũng nằm cách đường vành đai 4 Vùng Thủ đô khoảng 1,5- 2km. Dự kiến tuyến đường mới sẽ chạy qua địa phận các huyện Gia Bình, Lương Tài, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh (TP Hà Nội). Như vậy, với con đường này, thời gian di chuyển từ sân bay về Thủ đô Hà Nội chỉ mất khoảng 30-35 phút.
Sân bay Gia Bình cũng nằm giữa trung tâm của nhiều khu công nghiệp lớn thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và khu vực phía Bắc của thành phố Hà Nội. Khi hoàn thành, sân bay sẽ phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp này rất lớn.
Trước đó, phát biểu tại lễ khởi công sân bay Gia Bình ngày 10/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Việc phát triển kinh tế hàng không, khai thác không gian vũ trụ là một trong những động lực phát triển mới, góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ luôn dành cho lực lượng công an nhân dân sự quan tâm cao nhất, đặc biệt là thời gian gần đây đã quan tâm xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tỉnh hình mới.
Việc xây dựng sân bay Gia Bình chính là một phần đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng công an tiên tiến, hiện đại trong tình hình mới và phải xây dựng sân bay Gia Bình theo hướng lưỡng dụng. Khi dự án sân bay Gia Bình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là công trình chiến lược về an ninh - quốc phòng, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ huy, chỉ đạo của lực lượng Công an nhân dân. Công trình có ý nghĩa lịch sử và là niềm vinh dự, tự hào của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động qua các thời kỳ, hiện thực hóa Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, dấu mốc đưa lực lượng Cảnh sát cơ động thẳng tiến lên hiện đại.
Với sự quan tâm của Đại tướng Tô Lâm từ khi là Bộ trưởng Bộ Công an và trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay, các cơ quan đã khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền, thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án sân bay Gia Bình.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhanh việc chuẩn bị đầu tư xây dựng công trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã khẩn trương bố trí vốn; hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh trong thời gian ngắn đã tiến hành công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng; cảm ơn bà con nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đồng lòng, ủng hộ trong công tác di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan triển khai nhanh giai đoạn 1 của dự án sân bay Gia Bình, đồng thời làm ngay các hồ sơ, thủ tục để thực hiện giai đoạn 2. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an triển khai dự án với yêu cầu "3 nhất", gồm: Thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất, từ đó nhân rộng cách thức triển khai với các công trình, dự án khác.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bắc Ninh và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội với yêu cầu "3 nhất" gồm: Ngắn nhất, hiện đại nhất, đẹp nhất và rộng từ 80-100 m; phần trên địa bàn Hà Nội sẽ giao Hà Nội làm. Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh thảo luận, thống nhất cùng Bộ Giao thông vận tải triển khai nhanh, chậm nhất trong tháng 6/2025 phải có phương án về tuyến đường này.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, tỉnh Bắc Ninh triển khai ngay nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2 của dự án. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an triển khai các công trình phục vụ lưỡng dụng. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng khu vực này cần phát triển hệ sinh thái sân bay, trong đó có hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.