Xuất khẩu được 8 tỷ USD, ngành gỗ vẫn "đau đầu" vì DN Trung Quốc

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 30/01/2018 18:31 PM (GMT+7)
Dù chạm mốc 8 tỷ USD trước 3 năm so với kế hoạch, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vẫn phải tìm cách đối phó trước mối đe dọa và hậu quả từ các doanh nghiệp Trung Quốc ngay tại sân nhà.
Bình luận 0

Ngôi đầu bị đe dọa

Ông Nguyễn Liêm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt cho biết năng lực cạnh tranh của các DN trong ngành đang tăng trưởng tốt. Nhưng với quy mô sản xuất lớn và có khả năng sản xuất giá rẻ bất cứ món hàng gì, DN Trung Quốc sang đầu tư ở Việt Nam sẽ tạo ra sức ép với DN trong nước. “Khi đó, bất cứ sản phẩm nào xuất xứ từ Việt Nam vào Mỹ đều có nguy cơ “vạ lây” bởi thuế chống bán phá giá của Mỹ lên toàn ngành” - ông Liêm nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết thời gian này, Trung Quốc bắt đầu đánh thuế xuất khẩu. Bản thân Trung Quốc cũng bị kiện bán phá giá tại Mỹ làm cho đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh.

img

  Ngành xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt mốc 8 tỷ USD trước kế hoạch. ảnh: Nguyên Vỹ

Nhiều DN sẽ dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu thế tại Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường lao động, nguyên liệu trong nước và có thể dẫn đến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.

“Ngoài việc DN tự lưu ý kiểm soát cổ phần để điều hành DN, Nhà nước cần có chính sách thích hợp để kiểm soát vấn đề này” - ông Khanh đề nghị.

Cũng theo ông Khanh, do kinh tế châu Âu suy thoái, sản xuất gỗ đang giảm dần vì chi phí đầu vào tăng, sức cạnh tranh giảm… Malaysia dù có chiến lược rõ ràng nhưng bị hạn chế vì thiếu lao động. Trong khi đó xuất khẩu đồ nội thất là một thế mạnh của Việt Nam, và là động lực phát triển kinh tế nông thôn qua kinh tế lâm nghiệp.

“Chúng ta có đầy đủ thuận lợi để phát triển ngành. Nếu bỏ lỡ, các nước láng giềng như Indonesia và Malaysia với quyết tâm cao chắc chắn sẽ vượt qua Việt Nam để giành ngôi quán quân trong ASEAN” - ông Khanh nói.

Còn nhiều thách thức

Trong nước, nguồn lực có, tiềm năng có, ngành gỗ và lâm sản cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay, khối óc và khát vọng mãnh mẽ. Bộ tin tưởng mục tiêu đặt ra năm tới của ngành hoàn toàn có khả năng đạt được”. 
Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường

Bên cạnh những thuận lợi về luật lâm nghiệp, các hiệp định thương mại (VPA về FLEGT, hiệp định FTA) về việc nâng mức thuế xuất khẩu lâm sản thô, các thành viên Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) đều cho rằng cần quan tâm đến một số diễn biến bất lợi để phòng ngừa.

Mỹ vẫn duy trì chính sách ưu đãi nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhưng chính sách thuế thu nhập DN nước này đã giảm từ 35% xuống 25% để hỗ trợ các ngành sản xuất bản địa. Thị trường EU và một số nước châu Á lại không tăng mạnh nhu cầu.

Trong nước, các DN cần chú ý sự thiếu hụt nguồn gỗ có chứng chỉ và khả năng gian lận thương mại của các DN xuất khẩu khi khai báo giá thấp để giảm thuế xuất khẩu. Các chính sách bảo hiểm, lao động cũng là vấn đề DN phải quan tâm vì xu hướng lao động vẫn muốn làm việc cho DN trong nước hơn DN Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2018 vẫn có nhiều gam màu sáng. “Các nước xuất khẩu gỗ lớn đang chuyển dần sang các ngành công nghiệp khác, sẽ tạo ra lổ hổng về hàng hóa có chất lượng, việc tăng thị phần xuất khẩu không khó” - ông Khanh nhận định.

Thống kê, trong 7 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu gỗ bình quân đạt 12,3%, dự báo năm 2018 là 13%, đến 2020 sẽ là 14,5%. Phấn đấu tổng giá trị toàn ngành sẽ đạt hơn 10 tỷ đồng vào năm 2018.

Để ngành phát triển bền vững, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Vifores đề nghị Nhà nước cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn quản trị rừng bền vững để cấp chứng chỉ của Việt Nam vì nhu cầu thực ngày một nhiều. Đồng thời, rà soát lại đất đai thuộc sở hữu nhà nước quản lý để giao cho DN trồng rừng nhằm phát triển quy mô tập trung. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem