Đã “cởi trói” cho doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo rất vui khi đón nhận Nghị định 107/CP vì nó tạo ra nhiều điều kiện thông thoáng hơn cho DN với những quy định như không bắt buộc thương nhân kinh doanh XK gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở để đáp ứng điều kiện kinh doanh; không quy định quy mô kho chứa, công suất cơ sở xay xát chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc, không hạn chế địa bàn đầu tư;
Bên cạnh đó, chỉ quy định kho chứa, cơ sở chế biến phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước; quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do XK, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận.
Nghị định 107 giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia thị trường. Ảnh: N.V
"Bối cảnh kinh doanh tự do sẽ đưa đến đào thải. Trật tự sẽ lại được thiết lập thông qua quy luật tự nhiên của thị trường. Trật tự được tạo ra bằng mệnh lệnh hành chính hay bằng hành lang an toàn nhân tạo không thể tốt bằng trật tự do chọn lọc tự nhiên”.
Ông Trần Quốc Khánh -
Thứ trưởng Bộ Công Thương
|
Bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh; bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng XK gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiếu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký; bãi bỏ quy định giá sàn gạo XK và các quy định yêu cầu tuân thủ giá sàn XK trong giao dịch, ký kết hợp đồng...
Với độ "mở" của Nghị định 107/CP, người nông dân, hợp tác xã hay DN chỉ cần có vùng nguyên liệu vài chục ha và đầu tư vào đó giống lúa thơm, lúa chất lượng cao hay một giống lúa nào đó và tạo ra một sản phẩm riêng, có thể đóng bao và XK cho các nhà bán lẻ ở các thị trường nước ngoài mà không cần giấy phép, không cần đăng ký kinh doanh.
Vẫn còn băn khoăn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), VFA có nhiệm vụ tổ chức thực hiện đăng ký hợp đồng của các thương nhân XK gạo. Sau đó, VFA báo cáo định kỳ và đột xuất cho Bộ Công Thương.Nhưng khi áp dụng Nghị định 107, việc đăng ký hợp đồng XK không còn nữa. Đây là một trở ngại lớn trong việc chủ động nguồn thông tin phục vụ công tác điều hành XK gạo, nhất là khi thị trường có biến động cần theo dõi kịp thời.
Nghị định 107 ra đời cũng là thách thức khi có thêm nhiều DN nhỏ tham gia XK gạo. Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA lo lắng: “Việc cạnh tranh nếu không lành mạnh thì sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường gạo cũng như uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc DN XK gạo bày tỏ lo ngại quanh nghị định mới là dễ hiểu. Sau 1 tháng có hiệu lực, thắc mắc của DN tập trung quanh 3 vấn đề chính: Nghị định 107 có tạo ra việc phân biệt đối xử; lo ngại tình trạng kinh doanh hỗn tạp và lo ngại thiếu thông tin điều hành. Nghị định mới quy định DN chỉ cần đi thuê kho, cơ sở chế biến là có thể tham gia XK gạo.
Việc này khiến các DN đã bỏ vốn lớn đầu tư cơ sở ban đầu, lẫn vùng nguyên liệu (theo Nghị định 109 mới đủ điều kiện tham gia XK) cảm thấy bị ấm ức.
Thứ trưởng Khánh cho rằng, một khi DN đã quyết định gắn bó với sự nghiệp XK gạo, những đầu tư này trước sau gì cũng phải làm. DN phải chứng minh được năng lực của mình với thị trường thế giới từ lô hàng đến chất lượng hàng. Những đầu tư theo Nghị định 109 không hề phí phạm vì đó là sự đầu tư cho uy tín thương hiệu của DN.
Về lo ngại thị trường kinh doanh sẽ lại bát nháo như thời trước Nghị định 109 khi có nhiều DN nhỏ cùng tham gia. Thứ trưởng Khánh đề nghị những DN muốn làm ăn chân chính nên chọn góc nhìn tích cực từ mớ hỗn độn đó để thể hiện bản lĩnh, uy tín của mình.
Giai đoạn trước, DN có thể biết được tình hình hiện đã xuất được bao nhiêu, còn tồn kho bao nhiêu. Sau những báo cáo và cảnh báo, mọi người cảm thấy rất yên ổn rồi tự khen nhau.“Trong môi trường kinh doanh trật tự và an toàn mang tính nhân tạo đó, ai cũng cảm thấy an tâm vì được bảo bọc, không muốn rời khỏi “bể cá cảnh” được chăm sóc hàng ngày để tự tin bước ra ngoài bằng nội lực. Đừng mong sống mãi trong môi trường an toàn bằng cơ chế nữa.”- Thứ trưởng Khánh chia sẻ.
Trong môi trường cạnh tranh mới, Bộ Công Thương đặt ra 3 yêu cầu với DN: Không được phép để lúa gạo nông dân làm ra bị thừa mứa, không tiêu thụ được; không để giá cả biến động làm ảnh hưởng đến chỉ số CPI; không được cạnh tranh phá giá lẫn nhau, tranh mua tranh bán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.