Xuất khẩu nông sản suy giảm mạnh

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 18/09/2015 07:15 AM (GMT+7)
Xuất khẩu nông sản suy giảm mạnh là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Thương mại nông sản Việt Nam trong biến động kinh tế thế giới” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 16.9 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh

Theo báo cáo nghiên cứu “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế toàn cầu” của IPSARD, kim ngạch xuất khẩu (XK) các ngành hàng nông sản chính của Việt Nam của 8 tháng đầu năm 2015 đang suy giảm so với cùng thời điểm năm 2014 như: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản…

Đối với mặt hàng gạo, Việt Nam chiếm thị phần trên 65% nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2012-2013, đến năm 2014 giảm xuống còn 53%, 4 tháng đầu năm 2015 giảm xuống 47%, và các đối thủ thế chân Việt Nam ở thị trường này là Thái Lan, Campuchia và Pakistan. Giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh nhờ phá giá đồng tiền gây sức ép đối với XK cà phê Robusta của Việt Nam. Dự trữ cao su đang duy trì ở mức cao, giá dầu giảm mạnh, nhu cầu của Trung Quốc giảm sút đã đẩy giá cao su thế giới xuống mốc thấp”.

img

Bốc xếp dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Đ.D

Các mặt hàng thủy sản cũng đang chứng kiến những ngày tháng suy giảm thê thảm trong năm 2015. Ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết: “XK thủy sản giảm 16% trong 7 tháng đầu năm 2015, giảm trên các mặt hàng chính (tôm, cá tra, cá ngừ), và giảm ở các thị trường chính, thị trường Mỹ giảm 30,7%, EU cũng giảm mạnh. Tôm Việt Nam đang có mức giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh khi các nước khác phá giá đồng tiền. Tôm Việt Nam đang mất dần thị phần vào tay Ấn Độ, Indonesia trên các thị trường lớn như Mỹ; cá tra đang phải cạnh tranh với cá thịt trắng trên thị trường XK”.

Nguyên nhân khiến kim ngạch XK nông sản giảm sút mạnh theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng IPSARD: “Là do sự phá giá đồng tiền của rất nhiều nước đang phát triển như Brazil, Colombia, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… Các đồng tiền chính giảm giá mạnh so với USD: Từ tháng 1.2013 đến tháng 8.2015, đồng euro giảm giá 20%, đồng yên Nhật giảm 39%... chính sự phá giá đồng tiền của nhiều nước nên các sản phẩm nông lâm, thủy sản của Việt Nam không còn lợi thế về giá so với các nước cạnh tranh khác”.

Cần có các nhóm sản phẩm mới

"Cần tạo đột phá giúp XK tăng trưởng chủ động và bền vững. Đột phá đó tạo nên bởi nhóm sản phẩm mới, nếu không có sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao thì các ngành hàng nông sản sẽ lâm nguy”.
 Ông Nguyễn Hữu Dũng 

Trước thực tế đó, để nhằm đối phó với tình hình này, ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho rằng: “Cần tạo đột phá giúp XK tăng trưởng chủ động và bền vững. Đột phá đó tạo nên bởi nhóm sản phẩm mới, nếu không có sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao thì các ngành hàng nông sản sẽ lâm nguy. Đối với thủy sản, sản phẩm mới đó là cá biển từ việc nuôi cá biển. Nếu chúng ta có 1 triệu tấn cá biển bằng công nghệ nuôi công nghiệp trong 5 năm từ 2015-2020 thì giá trị của nó là 5 tỷ USD, và có thể lên 9 tỷ USD nếu có công nghệ chế biến tốt”.

Đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: “Cần nghiên cứu hệ thống chuỗi của nông sản Việt Nam để tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung nghiên cứu quan hệ sản xuất, quản lý sản xuất, tổ chức sản xuất, sau đó tiến tới mở rộng thị trường”.

Viện IPSARD cũng đưa ra một số gợi ý về mặt chính sách như: Đẩy mạnh XK nông sản sang thị trường Mỹ do đồng USD có mức giá cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chính ngạch Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể XK như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tôm; hình thành các hội đồng ngành hàng cho các ngành hàng chiến lược, phân cấp trao quyền trong quản lý thị trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem