Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 14 – 16 tỷ USD vào năm 2030

Thanh Phong Thứ ba, ngày 23/03/2021 15:33 PM (GMT+7)
Theo Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam, vào năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 14 -16 tỷ USD.
Bình luận 0

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg, về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 là xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất kinh tế lớn.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản đạt 3 -4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 là 9,8 triệu tấn/năm, trong đó thủy sản nuôi trồng trong nước là 7 triệu tấn/năm, khai thác là 2,8 triệu tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14-16 tỷ USD, giải quyết công việc cho 3,5 triệu lao động.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững có trình độ khoa học tiên tiến, trở thành trung tâm chế biến thủy sản sâu và thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt 14 – 16 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 1.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.

Theo dự báo từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ đạt trên 9,4 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 80 thị trường (tăng 7 thị trường so với dịp Tết Canh Tý năm 2020).

Trong đó, nhiều nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với trị giá 189 triệu USD, chiếm 26% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là Mỹ với 152 triệu USD (chiếm 21%), Hàn Quốc với 67 triệu USD (chiếm 9%), Hồng Kông với 57 triệu USD (chiếm 8%)...

Trong 7 ngày nghỉ Tết âm lịch (10 – 16/2), doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ 57 nước, vùng lãnh thổ. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là từ Hàn Quốc với trị giá 355 triệu USD, chiếm 38% tổng trị giá nhập khẩu; từ Trung Quốc với 159 triệu USD (chiếm 17%); Mỹ với 88 triệu USD (chiếm 9%)...

Trước đó, nhận định về ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết sẽ cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là "bệ phóng" cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bứt tốc trong năm 2021.

Theo đó, thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Trong khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%.

Với UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá, nhất là cá tra,…

"Chúng tôi kỳ vọng UKVFTA được ký kết và có hiệu lực sẽ cùng với EVFTA là "bệ phóng" cho thủy sản Việt Nam đi châu Âu và tạo đà giúp xuất khẩu thủy sản bứt tốc trong năm 2021", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem