Không có đơn hàng mới
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) chia sẻ, cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, ngành thủy sản trong nước chỉ bị ảnh hưởng ở các mặt hàng như cá tra, tôm hùm.
Tới thời điểm hiện tại, khi dịch lan rộng ra Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu… thì tất cả các mặt hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng. Các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald đóng cửa, nhiều lễ hội bị cấm tổ chức nên lượng tiêu thụ thủy, hải sản giảm mạnh.
Hàng loạt đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Nhiều khách hàng mới có kế hoạch ghé thăm doanh nghiệp, tham quan nhà máy, sản phẩm để bàn việc hợp tác cũng bị đình trệ.
“Dù chỉ hoạt động 50% công suất nhưng may mắn là chúng tôi vẫn còn hàng để làm, chưa phải đóng cửa” - ông Lĩnh thông tin.
Các sản phẩm của Thuận Phước đều là hàng giá trị gia tăng đi vào các siêu thị ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Trong đó, châu Âu là thị trường lớn nhất với hơn 50% tổng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp.
Lượng tiêu thụ thủy hải sản giảm mạnh do nhiều quán ăn, nhà hàng đóng cửa (ảnh minh họa). internet
Đây cũng là 3 thị trường đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh. Do một số đơn hàng đã ký từ trước và giao hàng từ đầu năm nên kết quả kinh doanh quý I/2020 có thể không thay đổi nhiều. “Tuy nhiên, sang quý II, doanh số sẽ bị tác động lớn, vì không ký thêm được nhiều hợp đồng mới” - ông Lĩnh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Cafatex kể, công ty ông có một số container hàng đông lạnh bán cho khách hàng Trung Quốc nhưng còn tồn lại trong kho, chưa xuất khẩu được.
Khi dịch bệnh bắt đầu căng thẳng ở Trung Quốc, Cafatex dự tính xuất khẩu lô hàng này sang các thị trường châu Âu, Mỹ để giải phóng hàng tồn. Dự định chưa kịp thực hiện thì dịch bệnh lây tiếp sang châu Âu, mọi việc tiếp tục đình trệ tới giờ.
Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng chia sẻ, tình hình xuất khẩu sẽ còn ảnh hưởng trong vài tháng nữa, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các thị trường chính của Việt Nam. Hiện, nhiều cơ sở đã phải cắt giảm lao động, đóng cửa một phần nhà máy…
Vẫn có “điểm sáng”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), số đơn hàng xuất khẩu thủy sản đến thời điểm này của các doanh nghiệp đã giảm từ 35 - 50% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự báo trong 3 tháng đầu năm, việc tạm đóng các cửa khẩu có thể làm giảm ít nhất 20% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, EU… cũng bị ảnh hưởng.
So với cá tra, hải sản, xuất khẩu tôm hiện chưa cho thấy nhiều dấu hiệu bị Covid-19 tác động. Tuy nhiên, tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, Pakistan đang tăng cao nên doanh nghiệp không mua được hàng với giá mong muốn. |
Cá tra là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 2 tháng đầu năm, chỉ đạt hơn 210 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hải sản 2 tháng đầu năm cũng giảm 7%. Trong đó, giảm mạnh nhất là mực, bạch tuộc, cá ngừ, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, đã tranh thủ trữ cá ngừ nguyên liệu từ giữa năm 2019 khi giá giảm. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng tàu cá ra khơi hạn chế nên nguồn hàng khan hiếm. Số nguyên liệu dự trữ trong kho sắp cạn.
“Giá nguyên liệu đang tăng từng ngày nên việc tìm kiếm được nguồn hàng thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rất khó khăn. Nếu có, doanh nghiệp phải chấp nhận tăng chi phí đầu vào” - vị này phân tích.
Theo đánh giá của VASEP, tuy còn không ít khó khăn nhưng vẫn có nhiều “điểm sáng” mà doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để phát triển kinh doanh. Tại thị trường châu Âu, cá tra Việt Nam chủ yếu đi vào hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm. Đây là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ngoài ra, giá cá minh thái (một loại cá thịt trắng) ở châu Âu hiện đang tăng cao. Các nhà máy chế biến EU có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần cá thịt trắng này bằng cá tra Việt Nam khi thuế nhập khẩu cá tra trong EVFTA giảm từ 5% xuống 0%.
Tại thị trường Mỹ, dự báo sản lượng tiêu thụ năm nay sẽ tốt hơn 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững trên thị trường này. Nguyên nhân là do các nhà máy chế biến thủy sản ở Trung Quốc bị đóng cửa, sản lượng cá minh thái đưa sang Mỹ giảm, nhiều nhà nhập khẩu sẽ chọn cá tra để thay thế.
Riêng với các mặt hàng hải sản xuất khẩu, hiện nay nhu cầu có xu hướng giảm ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc. Chỉ châu Âu vẫn có nhu cầu nhiều về phân khúc đồ hộp. Do đó, một số doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp cho thị trường này. “Sau dịch, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng trở lại. Nếu chuẩn bị tốt, hoạt động xuất khẩu chính ngạch sẽ tăng trong khi xuất khẩu thông qua thương lái, nhà máy gia công sẽ giảm” - đại diện VASEP nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.