Xuất phát từ nhu cầu của người dân

Chủ nhật, ngày 14/11/2010 01:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là kinh nghiệm về cách tiếp cận, tổ chức thực hiện, huy động nguồn lực của nhiều chương trình, dự án do tổ chức quốc tế đã và đang triển khai ở Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0
img
Với dự án “Chia sẻ”, nông dân tự sử dụng quỹ vào đầu tư xây dựng thôn, bản.

Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng tới phát triển nông thôn toàn diện khó có thể đẩy nhanh vì gặp nhiều thách thức, rất cần sự hợp tác quốc tế.

Dân quyết định việc dùng quỹ

Chương trình giảm nghèo "Chia sẻ" giai đoạn I do Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA) tài trợ thực hiện từ năm 2003-2009 ở 6 huyện của 3 tỉnh Hà Giang, Yên Bái và Quảng Trị với hơn 200.000 ND tham gia.

Ông Ayumi Konishi-Giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam khuyến nghị: “Trong phân bổ nguồn vốn, ngân sách xây dựng NTM cần coi trọng tăng năng lực cho địa phương, tăng vai trò tự chủ của người dân, như vậy mới đảm bảo được sự bền vững sau khi kết thúc dự án...”.

Các địa phương hưởng lợi được đánh giá là giảm nghèo nhanh, bền vững; thực hiện mạnh mẽ dân chủ cơ sở; tính chủ động của người dân trong công việc thôn, bản nâng cao rõ rệt. “Chia sẻ” hỗ trợ các thôn, bản thành lập quỹ chung. Dùng quỹ vào việc gì, đầu tư ra sao là do người dân tự quyết định thông qua các cuộc họp thôn, bản.

“Khi người dân làm chủ thì tránh được sự lãng phí vì loại trừ được các hoạt động không đem lại lợi ích thiết thực và tự họ kiểm soát các khoản đầu tư. Đó chính là cách giảm nghèo xuất phát từ nhu cầu của người dân.?Việc xây dựng kế hoạch từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống”- bà Marie Ottosson - Tham tán Công sứ Phát triển Thụy Điển chia sẻ.

img
 Chuyên gia nước ngoài tại Hoàng Su Phi, Hà Giang

Một trong 11 nội dung xây dựng NTM là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó có HTX nông nghiệp. Từ năm 2006-2010, JICA tài trợ dự án “Nâng cao năng lực của các HTX nông nghiệp VN”, thực hiện tại tỉnh Thái Bình và Hoà Bình.

Ông Akira Shimiru, đại diện cấp cao của JICA tại Việt Nam nhận định: “Sự đổi mới của các HTX là nhờ cán bộ điều hành được đào tạo nâng cao năng lực; khơi dậy tính tự chủ của thành viên HTX trong việc tự nguyện góp vốn, xây dựng kế hoạch, tầm nhìn, từ đó mở rộng lĩnh vực dịch vụ”.

img
 

Nguồn lực từ hợp tác quốc tế

Trong định hướng xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2020, Bộ NN&PTNT xác định, hợp tác quốc tế là một trong 9 giải pháp. Ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Những vấn đề Việt Nam mong đợi hợp tác là nâng cao nhận thức và kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ, người dân; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn; cải thiện môi trường nông thôn; phát triển văn hoá thể thao...”.

Bộ NN&PTNT đang hợp tác với các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam để điều phối và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Các tổ chức quốc tế như JICA, SIDA, FAO, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều bày tỏ định hướng cam kết tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.

Đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng, các nguồn tài trợ xây dựng NTM phải được sử dụng minh bạch theo hướng đầu tư trực tiếp cho thôn, bản; việc sử dụng vốn vào mục đích gì thiết yếu là căn cứ vào nhu cầu của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem