Xúc động những học sinh đặc biệt "hát" Quốc ca bằng trái tim

Ngọc Giàu Thứ tư, ngày 17/05/2023 15:14 PM (GMT+7)
Không thể cất cao lời Quốc ca nhưng các em học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập (HTPTGDHN) trẻ khuyết tật Đắk Lắk, đã thể hiện trọn vẹn bài hát bằng ngôn ngữ riêng của mình.
Bình luận 0

Có dịp dự lễ chào cờ đầu tuần tại Trung tâm HTPTGDHN trẻ khuyết tật Đắk Lắk, chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến trẻ khuyết tật dùng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện Quốc ca.

Những học sinh đặc biệt hát Quốc ca bằng trái tim - Video: DV

Các thầy cô truyền đạt nội dung buổi sinh hoạt cũng bằng những cử chỉ của đôi bàn tay thật đặc biệt. Từ sáng sớm, các em học sinh và thầy cô giáo tại Trung tâm đã tập trung trước sân trường. Mỗi thầy cô một việc, tất bật với công tác chuẩn bị lễ chào cờ.

Phía dưới, các em học sinh ngồi ngay ngắn theo lớp, có sự hướng dẫn của cô, thầy giáo chủ nhiệm. Dù có những em không thể nói, không thể nghe song các em vẫn khá hiếu động, thể hiện sự tinh nghịch của tuổi học trò bằng những cử chỉ rất đáng yêu.

Sau khi công tác chuẩn bị cho buổi lễ đã xong, cô giáo điều hành lễ chào cờ đã ra ký hiệu đặc biệt. Ngay sau đó, các em học sinh tập trung hướng về phía trước, nơi lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió.

Giai điệu Quốc ca vang lên, nhiều em để tay lên lồng ngực, có em dùng cử chỉ của đôi bàn tay để "hát". Dù lời bài hát không được cất thành tiếng trọn vẹn nhưng các em vẫn thể hiện được lòng tự hào về Tổ quốc, dân tộc Việt Nam. Cứ thế, không khí diễn ra rất trang trọng, nghiêm túc.

Những học sinh đặc biệt hát Quốc ca bằng trái tim - Ảnh 1.

Các em học sinh của Trung tâm thực hiện nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca bằng ngôn ngữ riêng của mình - Ảnh: Ngọc Giàu

Cô Phạm Thị Tuyết -  Giám đốc Trung tâm HTPTGDHN Trẻ Khuyết tật Đắk Lắk cho biết, toàn trung tâm có 180 em học sinh. Trong đó có 85 em chuyên biệt khiếm thính, 75 em khuyết tật trí tuệ, tự kỉ và 20 em thuộc trường hợp can thiệp sớm.

Theo cô Tuyết, những em đang theo học tại trung tâm thường bị nặng, có trường hợp còn bị đa tật. Tuy vậy, các em vẫn có khả năng học nên các thầy cô sẽ hỗ trợ, trang bị các kỹ năng cơ bản. Những em nào có thể theo học hòa nhập ở trường, phía trung tâm sẽ tư vấn cho gia đình để các em hòa nhập trong môi trường với các bạn cùng trang lứa.

Tại trung tâm, các thầy cô giáo sẽ dựa theo khung chương trình của Bộ GDĐT, từ đó xây dựng chương trình học riêng, phù hợp với từng dạng khuyết tật của các em học sinh.

"Học sinh ở trung tâm bị đa tật nhiều, khuyết tật trí tuệ và tự kỉ ngày càng tăng. Có nhiều trường hợp gia đình có tới 2-3 người con bị khuyết tật nên gặp khó khăn trong chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngoài ra, gia đình các em cũng gặp khó khăn về kinh tế. Tại trung tâm, các em được miễn giảm các khoản phí, chỉ đóng tiền ăn nhưng đây cũng là khoản chi phí lớn của những gia đình khó khăn", cô Phạm Thị Tuyết chia sẻ.

Khó khăn của gia đình cũng song hành với khó khăn của giáo viên tại trung tâm. Bởi các em bị đa tật, tính cách khác nhau nên rất khó chăm sóc, truyền dạy kiến thức cơ bản. Tuy vậy, trước khi vào trung tâm, các thầy cô đã xác định được sứ mệnh giáo dục đặc biệt của mình. 

"Những thầy cô giáo ở đây, khi thi vào khoa Giáo dục đặc biệt ở các trường đại học, cao đẳng, thì họ đã xác định được những khó khăn và nhiệm vụ của mình. Phía trung tâm cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để các thầy cô giáo yên tâm công tác, toàn tâm truyền dạy kiến thức cho học sinh", cô Phạm Thị Tuyết cho biết thêm.

Ngoài ra, trung tâm cũng gặp các khó khăn do thiếu phòng học, thiếu phòng hỗ trợ và thiếu giáo viên (trung tâm đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày). Nhiều em sức khỏe yếu ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập, sinh hoạt. Nhiều gia đình ở huyện xa Trung tâm do vậy việc trao đổi thông tin hai chiều còn nhiều hạn chế. Các phụ huynh có con khiếm thính hạn chế ngôn ngữ ký hiệu nên khó khăn trong việc hiểu và chia sẻ thông tin cùng con.

Những học sinh đặc biệt hát Quốc ca bằng trái tim - Ảnh 2.

Các thầy cô giáo sẽ dựa theo khung chương trình của Bộ GDĐT, từ đó xây dựng chương trình học riêng, phù hợp với từng dạng khuyết tật của các em học sinh - Ảnh: Ngọc Giàu

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của Trung tâm HTPTGDHN trẻ khuyết tật tỉnh đã tích luỹ được kinh nghiệm trong công tác giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật; phát huy tốt kĩ năng hỗ trợ, giao tiếp, đánh giá,… với nhiều dạng tật khác nhau.

"Trung tâm làm tốt công tác phân loại dạng tật, xác nhận mức độ khuyết tật, làm tốt hồ sơ và kế hoạch giáo dục cá nhân dành cho học sinh khuyết tật. Trung tâm cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh để vận động học sinh trong độ tuổi đến trường; việc huy động trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng đã giúp các em xóa dần mặc cảm và trở thành những công dân có ích cho xã hội", bà Oanh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem