Ông giám đốc "vác" một HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk "chạy vượt rào" chinh phục thị trường

Ngọc Giàu Thứ hai, ngày 15/05/2023 11:35 AM (GMT+7)
Để đưa một tổ liên kết 10 thành viên ban đầu phát triển thành HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), người "tàu trưởng" không ngừng đổi mới, hoạch định hướng đi bền vững: Đẩy mạnh chuỗi liên kết và chế biến sâu giúp nông sản của HTX vượt nhiều rào cản, tăng sức cạnh tranh, chinh phục thị trường.
Bình luận 0

Xây dựng vựa lúa lớn của tỉnh

Những ngày này, HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình khá bận rộn bởi đây là cao điểm thu hoạch, chế biến các loại nông sản. Điển hình là cây lúa với diện tích hơn 800ha của thành viên trong HTX và ngoài liên kết.

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Video: Ngọc Giàu

Ông Võ Văn Sơn -  Giám đốc HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình cho biết, trước đây, cây lúa vẫn được bà con địa phương trồng nhưng chưa mang tính chất thương mại cao. Bởi việc sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, mỗi người trồng một giống nên việc tiêu thụ cũng bấp bênh theo thị trường.

Năm 2017, khi tìm hiểu, biết các vùng khác như vựa lúa miền Tây rất phát triển về các giống lúa chất lượng cao, ông Sơn học hỏi quy trình trồng và chăm sóc sau đó đem về trồng thử nghiệm ở địa phương.

Thử nghiệm thành công, nhận thấy đất đai, thổ nhưỡng của địa phương hoàn toàn có thể sản xuất được loại gạo chất lượng cao, ông bắt đầu mở rộng liên kết cùng bà con nông dân với các doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm RVT, ST24, Đài thơm 8 với diện tích ban đầu là 50ha, từng bước thực hiện tham vọng biến nơi đây thành vựa lúa lớn của Đắk Lắk nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Ảnh 2.

Trụ sở HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình - Ảnh: Ngọc Giàu

"Đầu tiên, tôi tổ chức sản xuất lúa trong nội bộ các thành viên của HTX. Tôi thường chọn những thành viên có diện tích đồng ruộng lớn. Khi họ làm thành công, các hội viên và bà con xung quanh nhìn vào đó, tin tưởng tham gia theo. Nếu không làm từng bước như thế, chúng tôi rất khó thuyết phục bà con hợp tác để hình thành nên một cánh đồng lúa rộng lớn", ông Sơn chia sẻ.

Nhờ chọn lựa các loại giống phù hợp với điều kiện sinh trưởng, quản lý chăm sóc đúng quy trình nên năng suất đã đạt ở mức tối đa (vụ Hè thu dao động 7-9 tấn/ha; vụ Đông xuân dao động 10-13 tấn/ha). Giá thu mua lúa tươi tại đồng dao động từ 6.000-7.500 đồng/kg.

"Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì việc liên kết sản xuất, tham gia mô hình kinh tế Hợp tác xã là con đường đi tốt nhất. Muốn phát tiển bền vững, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cấp ngành Nhà nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế HTX. Từ định hướng phát triển, hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển chuổi giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại…",

Ông Võ Văn Sơn - Giám đốc HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình.

Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, do triển khai sản xuất giống lúa ST24, ST25 của nhà sản xuất Hồ Quang Cua - Sóc Trăng nên đã mang lại thành công vượt trội. Theo ông Sơn, giống lúa thơm ngon hàng đầu thế giới này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng sản xuất huyện Krông Bông, kháng bệnh, cứng cây, cho năng suất rất cao (10 đến trên 13 tấn lúa tươi/ha). Là giống lúa cho gạo ngon nhất hiện nay nên giá thu mua khá cao giao động từ 6.500 - 8.500đ/kg lúa tươi. Nhiều hộ nhờ thâm canh tốt đã đạt doanh thu trên 90 triệu đồng/ha, tăng hơn so với trước đây từ 20 - 30 triệu đồng/ha. Đến nay, diện tích lúa của các thành viên đã lên con số 400 ha, ngoài ra còn mở rộng vùng liên kết sản xuất thêm 400 ha của các thành viên ngoài HTX.

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Pháp - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (trái) đến thăm và làm việc tại HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình - Ảnh: N.G

Giữ vững cây chủ lực trước thách thức

HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình là một trong những HTX điển hình, hoạt động có hiệu quả nhất trên địa bàn huyện. Trong thời gian vừa qua, phía huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện hỗ trợ, giúp đỡ HTX phát triển. Đặc biệt, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ các mô hình liên kết với HTX phát triển theo chuỗi giá trị bền vững. Ngoài ra, địa phương đã đề xuất và được tỉnh cho chủ trương hỗ trợ HTX xây dựng dây chuyền hiện đại chế biến lúa sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục giúp đỡ HTX xây dựng chỉ dẫn hàng hóa, phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm gạo sạch đạt chuẩn OCOP 5 sao…, ông Nguyễn Ngọc Pháp- Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk).

Tại HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình, mía là cây chủ lực, cũng là loại cây khởi đầu để hình thành nên tổ liên kết (tiền thân của HTX ngày nay).

Ông Sơn cho biết thêm, những năm 2006, nơi ông sinh sống phát triển rất mạnh về cây mía. Diện tích trong vùng rất lớn nhưng canh tác ở mỗi hộ khác nhau dẫn đến khó khăn cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

"Hồi đó, tôi cũng là nông dân trồng mía với 3ha đất. Do sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, tự mua giống, thuốc, phân bón, kể cả thời gian xuống giống cũng không đều nhau. Nên khi bán sản phẩm, chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, có năm lỗ nặng vì giá quá thấp.

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Ảnh 6.

Diện tích lúa của các thành viên đã lên con số 400 ha, ngoài ra còn mở rộng vùng liên kết sản xuất thêm 400 ha của các thành viên ngoài HTX - Ảnh: N.G

Lúc này tôi suy nghĩ, tại sao mình không liên kết các hộ, làm việc trực tiếp với nhà máy đường để bỏ qua khâu thương lái trung gian hay mua vật tư phân bón thuốc bảo vệ thực vật,… với số lượng lớn cũng sẽ được giá ưu đãi hơn. Nói là làm, tôi ngỏ ý và được 10 anh em trong xóm ủng hộ, hình thành nên Tổ liên kết sản xuất với 15 ha mía. Đúng như tôi xác định, việc sản xuất, tiêu thụ mía đã thuận lợi hơn rất nhiều", ông Sơn nhớ lại thời điểm hình thành Tổ liên kết sản xuất.

Về sau, Tổ liên kết sản xuất không ngừng phát triển, mở rộng thêm các loại cây trồng và mở rộng diện tích. Năm 2013, HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình chính thức được thành lập trên nền tảng Tổ liên kết trước đó. Hiện HTX có 580 thành viên (gồm thành viên chính thức và liên kết).

Những năm qua, cây mía vẫn là cây chủ lực của HTX. HTX đã hợp đồng liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm với trên 400 hộ thành viên và nông dân trong huyện với tổng diện tích dao động theo hằng năm là 130 - 300ha/năm. Triển khai sản xuất theo kế hoạch hợp đồng với các Công ty mía đường, theo chính sách đầu tư của HTX. Tổ chức quản lý sản xuất theo quy trình trồng, thâm canh chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm về nhà máy chế biến của công ty.

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Ảnh 7.

Sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao - Ảnh: N.G

Năm 2017 - 2019, là thời điểm khó khăn của ngành mía đường do thiên tai, hạn hán, vừa chịu ảnh hưởng giá mía đường giảm mạnh từ sức cạnh tranh của thị trường các nước trong khu vực. Hiệu quả kinh tế đối với người trồng mía rất thấp, nhiều vùng hạch toán không có lãi hoặc bị lỗ, người nông dân không còn mặn mà với cây mía, diện tích mía nguyên liệu giảm mạnh, nhiều địa phương diện tích trồng mía xem như bị xóa sổ.

Tuy nhiên, tại vùng mía nguyên liệu của HTX, mặc dù diện tích có giảm nhưng được sự tổ chức quản lý tốt trong việc chuyển đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới, cải tiến máy nông nghiệp, thâm canh tăng năng suất, giảm được phần nào chi phí sản xuất. Lợi nhuận của người trồng mía vẫn giữ giao động từ 20 - 30 triệu đồng/ha, nhờ vậy mà vùng mía nguyên liệu vẫn được duy trì và thắng lợi khi giá mía vượt đỉnh ở mùa vụ 2020 - 2021 (1.100.000đ/tấn). Nhiều hộ đã đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/ha. Từ 2016-2022, tổng sản lượng nhập về các nhà máy đường trên 70.000 tấn, doanh thu từ cây mía trên 53.413 triệu đồng.

Vì là cây trồng chủ lực của HTX nên trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh 2023 - 2027, HTX đã đặc ra mục tiêu xây dựng và phát triển các sản phẩm mới từ cây mía: Sản phẩm mía sạch dùng cho ăn tươi và ép nước uống giải khát; phục hồi nghề nấu đường, đầu tư cơ sở chế biến mật mía nguyên chất, đường tinh mật, đường bánh vàng; khảo sát thị trường, xây dựng nhãn hiệu, đưa vào sản xuất và cung ứng thị trường…

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Ảnh 8.

HTX đã triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, dự án được đầu tư xây dựng trong 4 năm (2020 - 2023) với quy mô nhà xưởng 1.750 m2 - Ảnh: N.G

Ứng dụng công nghệ, đưa sản phẩm vươn xa

Cuối năm 2019, đầu năm 2020 HTX lập hồ sơ đăng ký xây dựng 60 ha tại cánh đồng Nà Thăng Bình (xã Cư Kty) thành vùng sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ làm tốt khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào (giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu,... rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ) cùng với việc tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, sản xuất nên cuối năm 2020, toàn bộ diện tích lúa trên được cấp chứng nhận VietGAP. Ngay khi ruộng lúa đạt độ chín vừa đủ trên cánh đồng, HTX tổ chức gặt và sấy khô trong ngày nhằm đảm bảo chất lượng hạt gạo thành phẩm tốt nhất, giữ được hương vị thơm ngon nhất, tiến tới tham gia thị trường Gạo Sạch Thăng Bình HTB.

Song song với thời gian đầu tư vùng nguyên liệu, HTX đã mạnh dạn triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, dự án được đầu tư xây dựng trong 4 năm (2020 - 2023) với quy mô nhà xưởng 1.750 m2; đầu tư hệ thống 4 lò sấy lúa công nghệ nhiệt sạch, với công suất 100 tấn/lần sấy; hệ thống xuất nhập liệu tự động; hệ thống dây chuyền xay xát gạo… với dự toán tổng kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng.

Cuối năm 2020 HTX được Cục Kinh tế Hợp tác, Viện Môi trường Nông nghiệp hỗ trợ chuyển giao bộ phần mềm ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngay từ đầu vụ đông xuân 2020 - 2021 trên vùng sản xuất VietGap, HTX đã quy tụ thiết lập 19 lô sản xuất lúa nguyên liệu ST24, ST25 tương ứng cho 19 mã lô thành phẩm của Gạo Sạch Thăng Bình HTB. Triển khai sản xuất theo đúng quy trình ứng dụng công nghệ. Mỗi hộ thành viên được thiết lập sổ nhật ký nông hộ, cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh từng công đoạn sản xuất theo từng thời điểm của mùa vụ. HTX có bộ phận giám sát, kiểm tra và tổng hợp thông tin từ nhật ký nông hộ để cập nhật vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Gạo thành phẩm được sản xuất ra sẽ mang mã lô và tem truy xuất nguồn gốc tương ứng.

"Tàu trưởng" đưa HTX nông nghiệp ở Đắk Lắk vươn xa - Ảnh 9.

HTX đã nhận nhiều cấp ngành khen thưởng với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua - Ảnh: N.G

Sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB cũng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; đạt giải 3 sản phẩm tiêu biểu khu vực Miền trung Tây nguyên do Liên Minh HTX Việt Nam tổ chức bình chọn.

Đến thời điểm hiện nay Gạo Sạch Thăng Bình HTB đã tiếp cận thị trường của 12 tỉnh thành trong nước, đã tiếp cận các sàn thương mại điện tử TIKI, FELIX, tổ chức kết nối kinh doanh BNI Việt Nam. HTX cũng đưa ra thị trường trên 500 tấn sản phẩm, với 3 loại ST24, ST25, ĐT8, tổng doanh thu trên 7 tỉ đồng.

Ông Võ Minh Sơn chia sẻ, sau khi sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, nhiều đối tác nước ngoài như Mỹ, Úc… cũng chủ động tìm đến HTX. Đơn vị cũng cung ứng nhiều đơn hàng chào hàng sang nước bạn (xuất qua kênh thứ 3). Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư công nghệ sản xuất để đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế, đưa sản phẩm vươn xa.

Trước những kết quả đã đạt được, những năm qua, HTX đã nhận nhiều cấp ngành khen thưởng: Năm 2016, được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc Về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk; năm 2018, được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Đắk Lắk, đạt danh hiệu là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2018; năm 2018, nhận Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2017; năm 2020 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Liên minh HTX tỉnh, giai đoạn 2015-2020; năm 2021 được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX; năm 2022 được tặng Bằng khen của BCH LM HTX Việt Nam về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2021…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem