Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt

Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng Thứ bảy, ngày 24/02/2024 07:21 AM (GMT+7)
Xung đột Nga - Ukraine chấn động thế giới trong hai năm qua, gây bất ổn sâu sắc về an ninh ở châu Âu và khắp thế giới, tác động mạnh tới an ninh năng lượng, an ninh lương thực và nền kinh tế toàn cầu.
Bình luận 0

Xung đột Nga -Ukraine vẫn bế tắc

Ngày 24/2 đánh dấu tròn hai năm kể từ khi Nga xung đột quân sự với láng giềng Ukraine. Cuộc xung đột đã thay đổi bộ mặt châu Âu và gây ra cuộc chiến tranh kéo dài với những hậu quả vượt xa biên giới châu Âu.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt - Ảnh 1.

Không chỉ nhà cửa, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện khắp nhiều thành phố của Ukraine cũng trở thành đống gạch vụn sau những trận không kích, pháo kích dữ dội. Ảnh: Reuters

Trong khi viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã hỗ trợ các nỗ lực quốc phòng của nước này thì cuộc chiến dường như đã đi vào bế tắc. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình đối mặt với triển vọng nghiệt ngã.

Trong sáu tháng qua, cuộc chiến đã rơi vào bế tắc đẫm máu. Nga liên tục tiến hành không kích, sử dụng bom, tên lửa và máy bay không người lái lên Ukraine. Hai năm xung đột, các lực lượng vũ trang Nga kiểm soát hành lang đất liền nối bán đảo Crimea với Donbas và toàn bộ Biển Azov. Tuy chất lượng của binh lính Nga có thể còn một số nghi vấn, nhưng họ được trú trong các hầm kiên cố, có trợ giúp của máy bay không người lái, vẫn đang ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Ukraine. Các đơn vị Ukraine bị mắc kẹt trong quá trình tiến quân và bị pháo binh Nga tiêu diệt. 

Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt - Ảnh 2.

Cả Nga và Ukraine đều chưa công bố chính xác con số tổn thất về nhân mạng của mình sau 2 năm chiến sự. Ảnh: AFP

Việc kết hợp giữa vũ khí mới và cũ đã làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine. Một số chiến thuật mới đang được phát triển. Các hệ thống vũ khí mới đã được đưa vào sử dụng, nhưng không bỏ qua một số phương tiện cũ, như xe tăng, pháo binh. Máy bay không người lái đã trở thành một phần không thể thiếu đối với cả hai bên. Nga đã sử dụng hàng trăm máy bay không người lái Shahed-136 làm tên lửa hành trình giá rẻ. Mặc dù bay chậm nhưng chúng làm cạn kiệt hệ thống phòng không, kho tên lửa và làm xói mòn khả năng tự vệ của Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine tổ chức các cuộc đột kích trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và Biển Đen, tiếp tục xuất khẩu hàng hóa. Đến nay đã có hàng chục nghìn binh lính ở cả hai bên cùng hàng nghìn thường dân Ukraine bị thương vong. Hàng triệu người dân Ukraine phải di dời, lánh nạn. Cuộc phản công đã sa lầy vào cuộc chiến tranh tiêu hao, chậm rãi, buộc Ukraine phải trả giá cho mỗi mét đất mà nước này cố gắng chiếm giữ. 

Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt - Ảnh 3.

Quân đội Ukraine phóng rocket vào các mục tiêu Nga tại Bakhmut, vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AP

Ukraine đã sử dụng pháo binh để tiêu diệt các đơn vị thiết giáp và bộ binh Nga, dùng máy bay không người lái nhỏ để thả lựu đạn vào các vị trí của quân Nga; nhanh chóng điều chỉnh hỏa lực pháo binh theo thời gian thực, khiến binh lính và xe tăng Nga bị sơ hở và thương vong khi tiến qua những cánh đồng bằng phẳng. Trong khi dùng máy bay không người lái để giám sát (độ chính xác của các đơn vị pháo binh tăng 250% khi kết hợp với máy bay không người lái), thì máy bay không người lái tầm xa được dùng để tấn công các mục tiêu có giá trị sâu sau phòng tuyến đối phương. Trong năm 2023, Ukraine đã tăng sản lượng máy bay không người lái lên 300.000 chiếc.

Khi xung đột Nga -Ukraine bước vào năm thứ 3

Cuộc xung đột đã bước sang ngày đầu tiên năm thứ ba. Năm nay, Ukraine đặt mục tiêu sản xuất hơn một triệu máy bay không người lái, với ít nhất một nửa linh kiện trong nước, có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa tới 1.000 km. Quan trọng hơn, một số thành phố lớn, các bãi tập kết, cơ sở cảng, kho xe lửa và doanh trại Nga giờ đây đều có nguy cơ bị tấn công, làm phức tạp thêm những thách thức hậu cần của Nga trong việc cung cấp cho lực lượng ở tiền tuyến. Ukraine ưu tiên sản xuất máy bay không người lái và đạn pháo, mỗi tháng cần 240.000 quả đạn pháo, vì hầu hết các cuộc giao tranh đều được tiến hành ở tầm xa nên pháo binh là yếu tố then chốt.

Kinh tế Nga đã chuyển sang tình thế thời chiến, dành 6,5% ngân sách cho quốc phòng để sẵn sàng cuộc chiến lâu dài. Cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga vẫn làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù đang cạn kiệt tên lửa nhưng Nga đã mở rộng kho vũ khí bằng cách tái sử dụng tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không. Theo Viện nghiên cứu các lực lượng vũ trang Hoàng gia Anh (RUSI), Nga hiện có thể sản xuất 125 xe tăng mỗi tháng, đủ để thay thế những chiếc bị phá hủy trong giao tranh. 

Hiện Nga đang chiến thắng vì sở hữu Donbas, cây cầu đất liền dẫn tới Crimea và chính Crimea. Tuy nhiên, chiến thắng này phụ thuộc vào việc Ukraine có khả năng tạo ra một lực lượng đủ để đánh bại lực lượng Nga ở từng phần lãnh thổ; giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ và giữ lãnh thổ đó hay không.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt - Ảnh 4.

Xe tăng Nga nã pháo trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Military ops.

Viện trợ quân sự nước ngoài là chìa khóa để Ukraine chiến đấu, nhưng không được như mong muốn. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine mà Thượng viện đã thông qua và chính quyền Biden ủng hộ. Ngược lại, Liên minh châu Âu đã cố gắng dành cho Ukraine gói viện trợ lên tới 50 tỷ euro. Ukraine vẫn tự sử dụng các loại vũ khí để chiến đấu. Trước khi xảy ra xung đột, sản xuất pháo binh, kho dự trữ tên lửa cực kỳ thấp. Những loại tên lửa như Storm Shadow, với tầm bắn hơn 250km, cực kỳ hiệu quả nhưng đắt tiền và mất nhiều thời gian để chế tạo. Cần có những lựa chọn thay thế giá rẻ.

Năm 2024, Ukraine đã lấy "phòng thủ tích cực" làm chiến lược, vì ít tốn nhân lực và vật chất để có thể tái thiết, trang bị lại, huấn luyện lại lực lượng vũ trang và chuẩn bị tiếp tục các hoạt động tấn công quy mô lớn vào năm 2025. Chiến lược này đòi hỏi một chiến dịch tấn công tầm xa, mạnh mẽ vào trong lãnh thổ Nga và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, cũng như các hoạt động tấn công hạn chế ở mặt trận để kiềm chế, ngăn quân Nga tấn công.

Ukraine đang phụ thuộc rất lớn vào các đồng minh và đối tác. Mỹ không chắc chắn hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine khiến kế hoạch tấn công vào năm 2025 trở nên rất mong manh. Yêu cầu ngân sách của Mỹ chứa phần lớn những gì Ukraine cần để tiếp tục tiến hành cuộc chiến. Không có Mỹ, một mình Liên minh châu Âu sẽ không thể giúp Ukraine duy trì nỗ lực chiến tranh, nên khó có thể tiến hành thành công các cuộc tấn công quy mô lớn giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Điều đó đòi hỏi Ukraine cũng như các đồng minh, đối tác cần chuẩn bị dài hơi cho một cuộc chiến lâu dài, chuyển hỗ trợ an ninh và quốc phòng cho Ukraine từ chu kỳ hàng năm sang cam kết lâu dài. Anh, Pháp đã đi theo hướng đó khi ký kết các cam kết an ninh với Ukraine. Một số quốc gia châu Âu khác đang bắt đầu thảo luận với Ukraine về các thỏa thuận an ninh.

Năm nay, nếu Ukraine không có nguồn lực dồi dào, Nga có thể sẽ chiếm ưu thế trong xung đột, tiếp tục làm kiệt sức Ukraine. Nếu sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn bị đóng băng như hiện nay, thì chiến thắng của Nga vào năm 2024 là một khả năng thực sự. Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba, mặt trận chính của cuộc chiến này là chính trị. Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin rằng phương Tây chia rẽ và do dự trong việc giúp Ukraine sẽ mang lại cho ông chiến thắng mà trước đó ông đã không đạt được trên chiến trường.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt - Ảnh 5.

Một người lính Ukraine giúp đỡ đồng đội bị thương trên đường ở khu vực Kharkiv, Ukraine, ngày 12/9/2022. Ảnh: AP

Giải pháp nào để xung đột Nga -Ukraine sớm kết thúc?

Một thỏa thuận hòa bình có thể có cho cuộc xung đột này sẽ như thế nào? Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng việc quân đội Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine là điều kiện tiên quyết để chấm dứt xung đột và bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải có sự tham gia của Ukraine. 

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm: "Nga không tìm cách sớm kết thúc cuộc chiến chống lại Ukraine. Putin vẫn cam kết thực hiện mục tiêu tối đa của mình là chinh phục hoàn toàn Ukraine và người dân nước này. Putin sẽ chỉ đồng ý với các biện pháp giúp ông ấy tiến xa hơn tới mục tiêu đó" và cho biết: "Nga đã gửi tín hiệu rằng họ quan tâm đến lệnh ngừng bắn dọc theo các ranh giới hiện tại trong một thời gian dài. Họ đã công khai tuyên bố rằng việc chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với lãnh thổ Ukraine là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán" và rằng "Những gì Nga muốn là các điều khoản đầu hàng".

Mặc dù giữ quan hệ thân thiết với Nga, nhưng Trung Quốc cũng đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột và cho biết chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng. Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Cộng đồng quốc tế cho rằng: Trung Quốc thể hiện rõ ràng những mối quan ngại rộng lớn hơn được nhiều quốc gia phía nam bán cầu (Global South) chia sẻ và tự khẳng định Trung Quốc là người bảo vệ lợi ích của họ một cách hiệu quả. Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc tạo ra một cơ hội khác để nước này đóng vai trò trong việc tái cấu trúc lâu dài sự ổn định và an ninh ở châu Âu, đánh dấu Trung Quốc là một cường quốc trên "lục địa Á-Âu". Điều này là một thách thức đối với tham vọng quyền lực của Nga cũng như tạo ra những thách thức mới cho Ukraine và phương Tây. 

Ủy ban châu Âu cho rằng: "Bất kỳ đề xuất hòa bình có ý nghĩa nào cũng phải phù hợp với toàn bộ Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như quyền tự vệ mà Ukraine hiện đang thực hiện".

Xung đột quân sự Nga - Ukraine: Hai năm nhìn lại và giải pháp nào để chấm dứt - Ảnh 6.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du Nga lần thứ 9 của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3/2023. Ảnh: Tân Hoa xã.

Ukraine đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Thụy Sĩ đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà một số nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự, nhưng chưa có địa điểm hoặc ngày nào được ấn định. Ukraine kỳ vọng sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán có thể là công cụ giúp chấm dứt chiến tranh.

Xung đột Nga - Ukraine chấn động thế giới trong hai năm qua, gây bất ổn sâu sắc về an ninh ở châu Âu và khắp thế giới, tác động mạnh tới an ninh năng lượng, an ninh lương thực và nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến càng kéo dài đồng nghĩa với tổn thất nhân mạng, tài sản trên chiến trường và nỗi đau của hàng triệu thường dân Ukraine ngày càng lớn. Cộng đồng quốc tế mong muốn xung đột sẽ chấm dứt, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải được tôn trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem