Xung quanh việc trích dẫn bài thơ “Thương ông”: Cắt ghép tùy tiện làm hỏng cả bài thơ

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 07/11/2014 09:18 AM (GMT+7)
Gần đây, dư luận đang xôn xao về việc bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ bị cắt, ghép quá ẩu trong sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 2 mới. Đoạn đầu của bài thơ đã được in trong sách giáo khoa lớp 4 cũ không còn được giữ nguyên vẹn mà bị bỏ bớt nhiều câu khiến bài thơ lủng củng, thiếu vần điệu và giảm cảm xúc.
Bình luận 0

Chị Nguyễn Khánh Thương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi còn nhớ như in những đoạn thơ ngắn gọn, súc tích: “Ông bị đau chân/nó sưng nó tấy/đi phải chống gậy/khập khiễng khập khà/bước lên thềm nhà/nhấc chân quá khó/Thấy ông nhăn nhó/ Việt chơi ngoài sân/lon ton lại gần/âu yếm nhanh nhảu….”. Nay đọc trong sách của con thấy nhiều câu bị cắt đi rất vô lý khiến bài thơ không còn dễ đọc và hay nữa”.

imgBài thơ “Thương ông” trong SGK lớp 2.

 

Giải thích ý đồ trong việc cắt, xén bài thơ này với phóng viên NTNN, chủ biên cuốn sách là GS - TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Bài thơ gốc của Tú Mỡ dài 160 từ với 42 dòng quá dài để đăng trọn vẹn với sách lớp 2. Đối với sách lớp 2 quy định một bài đọc trong 1 tiết văn xuôi chỉ 120 – 150 từ, thơ thì dưới 100 từ vì thơ hàm xúc hơn. Ở bài thơ này chúng tôi đã cố gắng cắt còn 112 chữ với 28 dòng nhỉnh hơn so với quy định một chút để giữ lại những chi tiết hay nhất”. Cũng theo ông Thuyết: “Khi chọn bài thơ này chúng tôi so sánh bản nguyên văn của Tú Mỡ và bản trong SGK cũ chọn thì phải nói thật là tôi không ưng ý với cách chọn của sách cũ. Bài thơ này nó hay nhất ở phần cuối chứ không phải phần đầu. Phần đầu kể dông dài và có khá nhiều từ ngữ không chuẩn. Ví dụ như “khập khiễng khập khà” là không đúng phải là “khập khà khập khiễng”, hay có những câu không hề “thơ”, rất nôm na như là “trong lòng vui sướng”. Thơ phải chọn những câu giàu hình tượng, giàu cảm xúc hoặc có những chi tiết độc đáo. Trong khi đoạn sau xây dựng được hình ảnh một em bé ngộ nghĩnh đáng yêu, phù hợp với độ tuổi lớp 2” – ông Thuyết nói.

Khi được hỏi bài thơ được trích dẫn có tuân theo quy luật, tiêu chí nào, ông Thuyết cho biết, việc trích dẫn thơ, văn trong SGK thì có nhưng phải đi theo từng trường hợp cụ thể và cảm nhận của từng người. Khi trích phải tuân theo Luật Sở hữu trí tuệ, viết rõ là “trích”, có tên tác giả, việc sửa hay cắt ghép không làm sai lệch tư tưởng của tác giả: “Với văn xuôi thì có thể thay từ, truyện có thể tóm tắt.

Ví dụ như truyện cổ Anderxen, truyện “Chim sơn ca và bông cúc trắng” 10 trang 6.000 từ phải co lại thành 250 chữ để dạy trong 2 tiết mà vẫn phải đảm bảo cái hồn của truyện và lời văn của tác giả. Nhưng thơ thì không được sửa dù chỉ là một từ. Đấy là một việc mà hết sức là khổ tâm của những người làm SGK. Làm một bộ SGK phải mất mấy trăm bản thảo mới được một bộ trọn vẹn, hoàn chỉnh. Chúng tôi làm hết sức cẩn thận chứ không dám tùy tiện đâu” – ông Thuyết nói.

Một số nhà thơ cho rằng việc trích dẫn bài thơ “Thương ông” không theo quy luật nào đã làm “hỏng” tứ thơ đẹp của bài thơ này.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý– người từng đoạt nhiều giải thưởng thơ cho thiếu nhi cho rằng, thông thường việc cắt, trích thơ trong sách giáo khoa thường theo khổ chứ không ai cắt ghép theo câu: “Việc lược trích bài thơ này không theo quy luật nào cả nên bài thơ bị vụn vặt và mất đi cái “hồn” của bài thơ”. Đồng tình với quan điểm này, nhà thơ Bằng Việt nói: “Thơ thường gieo vần từ câu trên xuống câu dưới, nếu cắt ghép theo câu thì sẽ làm mất vần điệu, làm bài thơ khập khiễng và khó đọc, khó nhớ. Nếu phải cắt thì nên cắt theo khổ thơ”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem