Ý kiến trái chiều sau việc GS Trương Nguyện Thành rời ĐH Hoa Sen

Quỳnh Trang - Mạnh Tùng Chủ nhật, ngày 06/05/2018 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều nhà quản lý cho rằng Bộ Giáo dục cứng nhắc trong quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học, song có người lại cho rằng điều này hợp lý.
Bình luận 0

Sự việc GS Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen vì không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng sau hơn một năm về Việt Nam công tác được nhiều nhà quản lý giáo dục quan tâm.

Quy định của Bộ Giáo dục cứng nhắc

GS Vũ Văn Hóa, Hiệu phó Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng quy định phải có 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng mới được làm hiệu trưởng, trong trường hợp GS Trương Nguyện Thành là cứng nhắc.

GS Thành đã có thời gian làm hiệu phó, phụ trách nhiều công việc của Đại học Hoa Sen. Một năm sau ông được 16/18 thành viên Hội đồng quản trị bầu giữ chức hiệu trưởng chứng tỏ ông đã làm tốt công tác quản lý, được cán bộ, giảng viên của trường thừa nhận, tin tưởng.

img

"Một hiệu phó giỏi, sau thời gian ngắn được bầu làm hiệu trưởng là điều bình thường. Với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của Hội đồng quản trị, cán bộ, giảng viên, GS Trương Nguyện Thành có đủ tư cách để làm hiệu trưởng. Việc áp dụng quy định phải 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng ở cơ sở giáo dục đại học là không hợp lý trong trường hợp này", GS Hóa nói.

Lãnh đạo Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh giá, việc GS Trương Nguyện Thành từ một nền giáo dục phát triển nhất thế giới về Việt Nam làm lãnh đạo trường đại học, chứng tỏ ông rất yêu và muốn phát triển đất nước. Việc ông quay lại Mỹ vì lý do không thuyết phục, sẽ khiến những người tài giỏi khác "nhụt chí", không muốn về cống hiến cho Việt Nam.

Một phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học tại TP HCM cũng cho rằng, quy định phải 5 năm làm quản lý cấp khoa, phòng mới được làm hiệu trưởng là cứng nhắc. Đặt vào trường hợp ông Thành mới thấy nó cản trở chính sách thu hút nhân tài của nhà nước.

"Người làm lãnh đạo khoa, phòng 5 năm thì chưa chắc đã lãnh đạo một đại học tốt và ngược lại. Điều quan trọng là Hội đồng quản trị của trường Hoa Sen đã đồng thuận bỏ phiếu cho ông Thành, tức là họ đã xem xét năng lực thực tế và tin tưởng ông. Họ là trường tư thục nên tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đó cũng là biểu hiện của quyền tự chủ", phó giáo sư nêu quan điểm.

Yêu cầu quản lý cấp khoa, phòng 5 năm là cần thiết

Là một trong số ít người đồng sáng lập trường Tin học và Quản lý Hoa Sen, tiền thân của Đại học Hoa Sen, PGS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP HCM) thẳng thắn: "Hội đồng quản trị của Đại học Hoa Sen không cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu đề xuất ông Thành làm hiệu trưởng. Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho chức danh này là hợp lý".

Theo ông Tống, không chỉ có quy định của Bộ Giáo dục mà mỗi đại học có quy định riêng tiêu chuẩn cho chức vụ hiệu trưởng, trong đó phần lớn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý cấp phòng, khoa. "Đây là những bước chuyển cần thiết và logic. Đột ngột đưa một người chưa có kinh nghiệm quản lý lên một chức rất cao trong đại học là không nên", ông Tống nói.

Ông Tống cho rằng cần phân biệt rõ khả năng nghiên cứu khoa học và khả năng quản lý của một người. Ông Thành là nhà khoa học có thâm niên, song về mặt quản lý lại chưa nhiều kinh nghiệm, cần thời gian trung gian làm bước chuyển. "Tôi nghĩ ông Thành nên ở lại Hoa Sen, tiếp tục công việc ở một khoa, sau đó tiến đến làm hiệu trưởng sẽ đóng góp nhiều hơn cho trường", ông Tống bày tỏ.

Lãnh đạo trường đại học ở Hà Nội ủng hộ việc giữ quy định về kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng ở cơ sở giáo dục đại học cho vị trí hiệu trưởng. Từ kinh nghiệm bản thân, khi chuyển từ cấp trưởng phòng phụ trách đào tạo đi lên hiệu phó và quản lý nhiều lĩnh vực, ông đã phải học rất nhiều mới biết việc và đưa ra những quyết sách đúng quy định, phù hợp với điều kiện nhà trường.

Kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý cấp dưới giúp ông rút ngắn được thời gian học hỏi, đảm đương được công việc và được lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng. "Tuy nhiên, kinh nghiệm quản lý cấp dưới có nhất thiết phải là 5 năm hay không thì cần xem xét lại. Các nhà quản lý cần suy nghĩ, để tạo thuận lợi nhất cho người có tài được làm lãnh đạo trường đại học", ông này nói.

Cần điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý với hiệu trưởng

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định Luật giáo dục đại học 2012 quy định một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng là "có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm". Vì vậy, trên bình diện chung nhất, ở thời điểm này, các văn bản dưới luật và thực tế thực thi pháp luật đều tuân thủ quy định.

Theo bà Phụng, tiêu chuẩn hiệu trưởng cần có nội dung về kinh nghiệm quản lý như một điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này. Ở Việt Nam và nhiều nước, hầu như không có hiệu trưởng đại học nào trước khi được bổ nhiệm lại chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực được giao quản lý. Càng trường uy tín thì kinh nghiệm ứng viên hiệu trưởng càng quan trọng. Đó cũng là một trong các căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong số ứng viên.

Bà Phụng cho biết, Luật giáo dục đại học đang trong giai đoạn sửa đổi. Ban soạn thảo quy định nội dung trên theo hướng mở: "Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín khoa học, có năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học". Năng lực quản lý, quản trị giáo dục đại học này sẽ do Hội đồng trường, Hội đồng quản trị xác định, lựa chọn.

Sau năm hội thảo lấy ý kiến bổ sung, hoàn thiện luật ở Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng không nên hạ thấp tiêu chuẩn của luật hiện hành. Tiếp thu các ý kiến góp ý, từ dự thảo lần bốn, Ban soạn thảo tiếp tục quy định "có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên".

Nội dung của dự thảo vẫn giữ số năm quản lý nhưng mở hơn, không nhất thiết phải có kinh nghiệm ở cơ sở giáo dục đại học mà có thể quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ. Qua hai dự thảo lần bốn và năm cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.

"Ngay cả khi cần có quy định chuẩn hóa, định lượng hóa các tiêu chuẩn chức danh để lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ quản lý kế cận, chuyên nghiệp… thì tôi cho rằng pháp luật vẫn cần có quy định mở. Trường hợp nhất định có thể chấp nhận cách giải quyết linh hoạt, không nên máy móc", bà Phụng nói.

Vụ trưởng Giáo dục Đại học cho rằng tất nhiên vẫn cần đảm bảo các điều kiện như: mặt bằng chung về các tiêu chuẩn tối thiểu; do hội đồng trường, hội đồng quản trị lựa chọn, quyết định; nếu chưa đủ điều kiện này thì phải có các điều kiện cần thiết khác vượt trội hơn… Hội đồng trường, Hội đồng quản trị phải giải trình được một cách thuyết phục về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường.

Ngày 4.5, GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, gửi thư chia tay giảng viên, sinh viên sau hơn một năm làm việc.

Trước đó, ông Thành được 16 trong tổng số 18 thành viên Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen đồng ý đề cử giữ chức hiệu trưởng nhà trường. UBND TP HCM, Sở Giáo dục đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định trường hợp này.

Theo Bộ Giáo dục, Đại học Utah (Mỹ), nơi ông Thành từng công tác có quy mô sinh viên và giảng viên lớn. Tuy nhiên, những vị trí mà ông tham gia là chủ tịch một số hội đồng của các nhóm công việc chuyên môn, hoặc liên quan đến đại học này, không phải là khoa hoặc phòng của trường.

Từ đó, Bộ Giáo dục cho rằng không đủ cơ sở pháp lý để công nhận tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học đối với ông Thành (tiêu chí là phải tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm).

GS Trương Nguyện Thành (56 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Năm 1990, ông Thành lấy bằng tiến sĩ và giành được giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó ông học tiếp sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah.

Năm 2005, ông Thành được Phó chủ tịch UBND TP HCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân mời về nước diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam.

Giáo sư Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM. Cuối năm 2016, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị phó hiệu trưởng điều hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem