Một băng đảng Yakuza. Ảnh: Anton Kusters
Tầng hai của một tòa nhà nhỏ tại quận Ginza, thành phố Tokyo (Nhật Bản), là nơi tọa lạc của một câu lạc bộ tư nhân. Hàng đêm, dưới ánh đèn neon lập lòe, hàng chục người đàn ông trong bộ vét đen thường xuyên lui tới. Tiếng nhạc xập xình, khói thuốc mù mịt, hòa cùng tiếng ồn phát ra từ hàng trăm quả pachinko (một loại bóng nhỏ làm bằng Crom dùng để chơi trên một loại máy đánh bạc giống như máy pinpall) tạo thành một khung cảnh kì dị.
Vài người đàn ông túm tụm ở một góc thì thào bàn tán chuyện gì đó. Một số khác tỏ vẻ tự đắc trước những người đẹp đang lượn lờ trong căn phòng mù mịt khói thuốc. Người đàn ông lớn tuổi ngồi ở phía cuối căn phòng nom vẻ trịnh trọng. Những thanh niên trẻ vây quanh kính cẩn cúi đầu đáp lại mệnh lệnh và yêu cầu của ông ta bằng những tràng "Hai! Hai!" (Dạ! Dạ!). Hai phụ nữ trẻ, một người mặc một chiếc váy ngắn màu đen và người còn lại mặc trang phục giống như nữ sinh trung học với áo sơ mi trắng và váy xếp ly, ngồi sát hai bên sườn người đàn ông đó. Họ che miệng cười khúc khích mỗi khi những lời cục cằn của ông ta vang lên.
Đột nhiên, một gã thanh niên trẻ tuổi trong bộ vét sáng bóng bước vào phòng và cúi đầu. Những tiếng xì xào bỗng chấm dứt. Tất cả mọi người trong phòng đều hướng ánh mắt về phía gã. Gã tiến lại gần phía người đàn ông lớn tuổi và không dám ngước mắt lên. Không nói một lời, gã kính cẩn trình lên một thứ gì đó được bọc rất kỹ. Thứ đó không lớn, chỉ nhỏ bằng một mảnh kẹo. Gã dùng cả hai tay và đặt nó cẩn thận lên mặt bàn. Người đàn ông lớn tuổi nhìn chằm chằm vào món đồ trên bàn rồi lại quay sang nhìn ngón tay út bị thương trên bàn tay trái của gã.
Không khí trong phòng vô cùng căng thẳng cho đến khi người đàn ông lớn tuổi gật đầu và khuôn mặt có vẻ giãn ra một chút. Ông ta lệnh cho thuộc hạ vứt thứ đồ đó. Tuy không ai mở ra nhưng mọi người trong phòng đều biết đó là một đốt ngón tay út của gã thanh niên trẻ.
Theo luật của Yakuza, mọi thành viên trong tổ chức phạm sai lầm phải tự chặt một đốt ngón tay út. Những đốt tiếp theo của ngón tay đó và những ngón khác trên bàn tay sẽ lần lượt ra đi sau mỗi lần phạm lỗi tiếp theo. Yakuza coi chặt ngón tay là hình thức xin lỗi đối với thủ lĩnh.
Nguồn gốc và truyền thống
Hiện nay, nguồn gốc của Yakuza vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng, Yakuza là hậu duệ của các Kabuki-mono (những kẻ điên cuồng) ở thế kỷ 17. Kabuki-mono là những samurai lập dị. Họ thường đeo những thanh kiếm dài bên sườn, mặc trang phục, để kiểu tóc và hành động kỳ quặc.
Các Kabuki-mono còn mang biệt danh là Hatamoto-Yakko (tôi tớ của tướng quân). Trong suốt thời kỳ Tokugawa, một giai đoạn hòa bình ở Nhật Bản, vai trò của các samurai đã thay đổi và không còn quan trọng như trước. Một số kiếm sĩ trở nên tha hóa, biến chất và trở thành quân du thủ du thực, chuyên cướp phá những nơi mà chúng đi qua.
Tuy nhiên, các Yakuza ngày nay đã bác bỏ giả thuyết này. Họ cho rằng, họ là hậu duệ của các Machi-yokko, những người bảo vệ các ngôi làng khỏi sự đe dọa của các Hatamoyo-Yakko.
Các Yakuza phân chia thành 3 nhóm chính: Tekiya (những người bán hàng rong trên phố), Bakuto (những con bạc) và Guirentai (lưu manh). Tekiya và Bakuto xuất hiện từ thế kỷ 18 trong khi Gurentai ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi nhu cầu hàng hóa chợ đen phát triển nhanh chóng.
Theo truyền thống, các Tekiya hoạt động tại các khu chợ trong khi những Bakuto xuất hiện tại các thị trấn và đường lớn. Ngược lại, Gurentai thường dùng các thủ đoạn như đe dọa và tống tiền để đạt được mục đích. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quyền lực của chính phủ Nhật Bản giảm, các Gurentai phát triển mạnh. Chúng đã đẩy tình trạng tội phạm có tổ chức ở đất nước này lên một tầm cao mới về vấn đề bạo lực. Những thanh kiếm truyền thống dần nhường chỗ cho những vũ khí hiện đại.
Trong tiếng địa phương, "ya" nghĩa là 8, "ku" là 9 và "za" là 3.Ảnh: Anton Kusters
Yakuza tự hào là tập hợp những kẻ mà xã hội ruồng bỏ và bản thân cái tên "Yakuza" cũng phản ánh sự nhận thức của những con người sống ngoài vòng pháp luật đó về thái độ của xã hội đối với họ. Trong tiếng địa phương, "ya" nghĩa là 8, "ku" là 9 và "za" là 3. Tổng của 3 số đó là 20, số điểm khiến người chơi thua trong trò hana-fuda (bài hoa).
Hình xăm (thường là hình rồng, phượng, núi non, hoa) là một nét đặc biệt trên người các Yakuza. Đó không phải là một hình xăm bình thường mà là một bức tranh nghệ thuật phủ kín toàn bộ cơ thể, trừ đầu. Để sở hữu những hình xăm cầu kỳ như thế, họ phải trải qua một quá trình đau đớn về thể xác trong hàng trăm giờ. Đây là thử thách đối với khí phách của một đấng nam nhi. Yakuza ở mỗi vùng sở hữu một số dạng hình xăm khác nhau. Chẳng hạn, Yakuza ở thủ đô Tokyo chỉ xăm trên tay và lưng.
Trong con mắt của người phương Tây, phong cách trang phục theo kiểu băng nhóm từ những năm 1950 của Yakuza trông có vẻ khôi hài. Chúng ưa chuộng những bộ đồ bó sát và sáng bóng, những đôi giày mũi nhọn và mái tóc hơi dài vuốt gel - phong cách thời trang đã lỗi thời ở Mỹ. Họ cũng thích các loại xe lớn và sang trọng như Cadillac và Lincoln.
Không giống các nhóm tội phạm có tổ chức khác trên thế giới, Yakuza không thích ẩn mình. Trong thực tế, ở hầu hết các thành phố của Nhật Bản, các câu lạc bộ và trụ sở của Yakuza thường được đánh dấu rõ ràng với các dấu hiệu và biểu tượng đặc trưng.
Yakuza có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội Nhật Bản và được cho là có mối liên kết chính trị lâu đời và bên chặt với những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Không chỉ vậy, quyền lực của Yakuza còn vươn tới các quốc gia khác tại châu Á và Mỹ.
Thứ bậc và sự quản lý
Cũng giống như Mafia, cấu trúc quyền lực của Yakuza trải ra theo hình kim tự tháp với một tộc trưởng đứng đầu và sau đó là các thuộc hạ trung thành với các cấp bậc khác nhau. Hệ thống thứ bậc của Mafia tương đối đơn giản. Capo (ông chủ) điều hành tổ chức dưới sự trợ giúp của các trợ thủ thân cận và cố vấn. Tiếp đến là những thủ lĩnh quản lý một đám thuộc hạ (những kẻ chưa phải là Mafia chính thức) và các đầu mối làm ăn.
Hệ thống của Yakuza cũng tương tự như vậy nhưng phức tạp hơn. Nguyên tắc cơ bản trong một tổ chức Yakuza là mối quan hệ oyabun-kobun. Oyabun nghĩa là "vai trò người cha" và Kobun nghĩa là "vai trò người con". Khi một người bước vào thế giới của Yakuza, anh ta phải chấp nhận mối quan hệ này. Anh ta phải nguyện trung thành và tuân phục lệnh của ông trùm. Các Oyabun, giống như những người cha tốt, có trách nhiệm bảo vệ và chỉ dạy cho người con. Tuy nhiên, người Nhật có câu: "Nếu ông chủ của bạn nói rằng con quạ bay qua màu trắng thì bạn cũng phải đồng ý". Yakuza cũng vậy. một Kobun phải biết trở thành một teppedama (viên đạn) của Oyabun.
Các cấp quản lý trong tổ chức Yakuza phức tạp hơn nhiều so với Mafia. Dưới Kumicho (ông trùm) là Komon saiko (cố vấn cao cấp) và Sohonbucho (các thủ lĩnh). Wakahashira (nhân vật số hai) là những sếp của một khu vực và chịu trách nhiệm quản lý nhiều băng nhóm. Phụ tá cho Wakahashira là Fuku-honbucho, người đứng đầu một vài băng nhóm. Sếp của các địa bàn nhỏ hơn gọi là Shateigashira, thường được phụ tá bởi Shateigashira-hosa. Một bang Yakuza điển hình sẽ có hàng chục Shatei (đàn em) và nhiều Wakashu (sếp nhỏ).
Khi một ai đó gia nhập vào giới Mafia, người này sẽ phải thực hiện một nghi lễ: chích máu và bôi lên bức tranh của một vị thánh. Sau đó, thành viên mới sẽ cầm bức tranh trên tay. Những người khác sẽ châm lửa. Với bức tranh đang bốc cháy trên tay, anh ta sẽ đọc lời thề trung thành với tổ chức.
Trong lễ kết nạp của Yakuza, máu sẽ được thay bằng rượu sake. Oyabun và thành viên mới sẽ ngồi đối diện với nhau. Azularinin (người bảo lãnh) sẽ chuẩn bị rượu. Rượu sake này sẽ được pha với muối và vảy cá, rồi rót ra cốc. Cốc của Oyabun được rót đầy đến miệng, tượng trưng cho địa vị của ông ta; cốc của thành viên mới thì ít hơn rất nhiều. Họ uống một chút rồi đổi cốc, người này uống của người kia. Khi đó, người xin gia nhập đã chứng tỏ được sự tận tụy của mình đối với ông trùm. Kể từ lúc đó, vợ con của anh ta cũng phải tuân theo các nghĩa vụ đối với tổ chức.
Nếu một Yakuza khiến ông chủ của anh ta không hài lòng hoặc thất vọng, anh ta sẽ phải cắt bỏ một đốt ngón tay. Ảnh: Anton Kusters
Nếu một Yakuza khiến ông chủ của anh ta không hài lòng hoặc thất vọng, anh ta sẽ phải cắt bỏ một đốt ngón tay. Khi đó, cấp trên trực tiếp sẽ đưa cho anh ta một con dao và một sợi dây để cầm máu và không nhất thiết phải nói bất cứ lời nào. Nguồn gốc của hình phạt này liên quan đến thời của những samurai. Vào thời đó, những kiếm sĩ cần một bàn tay khỏe để cầm chắc thanh kiếm dài. Trên bàn tay, ngón út là ngón tay hữu dụng nhất đối với việc này và tiếp đến lần lượt là các ngón đeo nhẫn, ngón giữa và ngón trỏ. Với một bàn tay mang thương tật, kiếm sĩ sẽ trở nên phụ thuộc vào sự bảo hộ của chủ nhân. Ngày nay, nghi lễ cắt đốt ngón tay chỉ còn mang tính tượng trưng và là dấu hiệu chỉ ra những Kobun từng phạm lỗi.
Giống như Mafia, trong những năm gần đây, Yakuza buộc phải hạ thấp tiêu chuẩn trong việc thu nhận thành viên mới. Kết quả là một số người cảm thấy rằng tổ chức của họ không còn mạnh mẽ như xưa. Trong quá khứ, những kẻ được tuyển chọn thường xuất thân từ các Bakuto và Tekiya. Nhưng ngày nay, mọi thứ gần như đã thay đổi. Hầu hết các thành viên mới hiện nay đều là những con ma tốc độ luôn mang tư tưởng nổi loạn và sẵn sàng phạm tội để phục vụ cho Oyabun. Chính vì thế, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã đánh đồng Yakuza với những loại tội phạm khác. Đây là một sự xúc phạm đối với những Yakuza coi mình là hậu duệ của các samurai thời xưa.
Kinh doanh
Thế lực của Yakuza tiếp cận vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tống tiền, cờ bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiên, buôn bán ma túy, lừa đảo, mại dâm,...
Các công việc kinh doanh liên quan đến sex là một miếng ngon béo bở đối với Yakuza. Chúng thường xuyên "vận chuyển" các bộ phim và tạp chí khiêu dâm từ Mỹ và châu Âu vào Nhật Bản cũng như tổ chức các đường dây "gái gọi". Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này mua các bé gái từ Trung Quốc, đất nước trọng nam khinh nữ và lưu hành chính sách một con, để phục vụ trong các quán bar, nhà hàng và hộp đêm.
Ngoài Trung Quốc, nguồn gái mại dâm của Yakuza còn đến từ Philippines. Chúng dùng những lời mời gọi hấp dẫn về một công việc với mức lương cao để lừa các cô gái nghèo và nhẹ dạ. Sau khi đến Nhật Bản, những cô gái này sẽ làm những công việc như gái điếm hoặc vũ nữ thoát y. Tuy bị lừa, nhưng họ thường không phản ứng với những kẻ đã lừa họ bởi số tiền mà họ kiếm được tại đây nhiều hơn nhiều lần số tiền mà họ kiếm được ở quê. Mỗi khi gửi tiền về nhà, những cô gái này thường nói rằng họ đang làm nhân viên lễ tân tại Nhật.
Sex tour cũng là một phương hướng kinh doanh béo bở. Yakuza thường xuyên tổ chức các sex tour mà địa điểm tới là các thành phố như Bangkok, Manila và Seoul.
Ngoài ra, Yakuza cũng hứng thú với việc buôn bán súng, mặc dù mặt hàng này bị cấm tại đất nước mặt trời mọc. Nguồn hàng thường đến từ các nước phương Tây và phương thức thanh toán là trao đổi ma túy lấy vũ khí.
Tống tiền cũng là một "hình thức kinh doanh" hái ra tiền. Thông qua "hình thức kinh doanh này", các Yakuza kiếm được hàng triệu USD mỗi năm. Để công việc được trôi chảy, chúng thường thu thập các thông tin bí mật mà công ty hoặc những người đứng đầu muốn giấu, đặc biệt là các hành động vi phạm pháp luật. Sau đó, chúng sẽ liên lạc với quản lý của công ty và đe dọa sẽ tiết lộ những thông tin xấu hổ đó nếu công ty không chịu "bồi thường" một khoản. Như vậy, giám đốc điều hành của công ty thường chấp nhận các yêu sách mà Yakuza yêu cầu.
Tuy nhiên, Nhật Bản là nơi mà sự thẳng thắn đôi khi đồng nghĩa với sự thô lỗ. Chính vì vậy, các Yakuza cũng tốn khá nhiều công sức để các yêu sách của chúng nom vẻ "khả ái" nhất. Một trong những phương thức ưa thích của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này là lập ra các tờ tạp chí hoặc tổ chức các sự kiện và yêu cầu sự tài trợ hoặc tham gia của các công ty mà chúng đang uy hiếp. Như vậy, chúng có thể "rút" tiền từ các công ty một cách tương đối hợp pháp và lịch sự.
Kim Ngân (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.