Yêu cầu đưa cầu Ghềnh hoạt động trở lại từ 15/7

Dương Thanh - Ngọc Phạm Thứ hai, ngày 21/03/2016 19:12 PM (GMT+7)
Sau quá trình phân tích, thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng từng phương án, Thứ trưởng GTVT đã chọn phương án khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Ghềnh.
Bình luận 0

img

 Thứ trưởng Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan bàn phương án khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh

Chiều 21.3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng UBND tỉnh Đồng Nai, ngành đường sắt và các đơn vị liên quan đã họp bàn phương án khắc phục sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh.

Phương án khắc phục sự cố sập cầu

Về việc giải phóng hiện trường cầu Ghềnh bị sập, Thứ trưởng Đông cho biết các đơn vị đã đưa ra các phương án tháo dỡ, di dời hiện trường. Theo đó, phương án dùng tàu, ca nô lớn để nâng, đẩy, lai dắt hoặc cắt ngắn các khối sắt bị sập đổ trên sông. Tuy nhiên, việc xử lý hiện trường như thế nào vẫn đang được các đơn vị bàn tính kỹ.

Theo Thứ trưởng Đông, quá trình giải phóng hiện trường vụ sập cầu sẽ gặp nhiều khó khăn do khu vực cầu sập dòng nước chảy xiết, phương tiện khó tiếp cận.

Ông Đông đánh giá sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng và chưa thể thống kê cụ thể.

3 phương án khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Ghềnh được đưa ra là: Cải tạo, sửa chữa cầu cũ, cho lưu thông tạm; xây hai trụ mới, tận dụng lại dầm cũ; hoặc xây hai trụ mới và dầm mới (gần như xây mới), nâng cao độ tĩnh không lên 6m.

Chiều tối cùng ngày, sau quá trình phân tích, thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng từng phương án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã kết luận, chọn phương án “xây hai trụ mới và dầm mới, nâng cao độ tĩnh không lên 6m”.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn thành, đưa cầu Ghềnh trở lại hoạt động trước ngày 15.7.2016.

Trong diễn biến cùng sự việc, Đại tá Bùi Hữu Danh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định đến thời điểm này không có thiệt hại về người. Thời điểm sàn lan đâm sập cầu Ghềnh, trên tàu kéo chỉ có 2 người và trên cầu chỉ có 3 người bị vướng lại.

Để đảm bảo an ninh trật tự, Công an tỉnh Đồng Nai đã giao cho Công an TP Biên Hòa đảm bảo tại ga Biên Hòa đồng thời phối hợp với ngành đường sắt để đảm bảo ATGT.

img

 Hiện trường sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào chiều 20.3

Ông Danh cho biết, đã bắt khẩn cấp 2 người điều khiển phương tiện là Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) khi đang lẩn trốn ở quê. Ngoài ra, chủ tàu kéo ông Phan Thế Thượng (63 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra.

Khai với cơ quan điều tra, chủ tàu Phan Thế Thượng nói trước khi xảy ra tai nạn, ông điều khiển sà lan nhưng khi đến sông Đồng Nai do có việc bận nên giao cho Giang và Lẹ (đi theo phụ, cả hai đều không có giấy phép lái tàu) tiếp tục điều khiển.

Trước đó, vào tối 20.3, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án vi phạm giao thông đường thủy để điều tra.

Tạm ngưng bán vé đi một số tỉnh

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ nay đến khi khắc phục xong sự cố sập cầu Ghềnh, lãnh đạo công ty đã có kế hoạch bố trí thêm tàu và thực hiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ ga Sóng Thần (TP.HCM) và bốc dỡ hàng hóa tại ga Hố Nai (Đồng Nai). Tuy nhiên do khu vực đường vào ga Hố Nai chỉ có trọng tải 13 tấn nên lãnh đạo đường sắt kiến nghị với cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sớm khảo sát và có biện pháp nâng cấp đường để việc phục vụ hàng hóa được dễ dàng hơn.

Bà Trần Thị Thư – Trạm trưởng Vận tải hàng hóa tại ga Sóng Thần cho biết: “Mỗi ngày ga Sóng Thần tiếp nhận và gửi đi 180 tấn hàng hóa. Việc vận chuyển sẽ bị gián đoạn trong một thời gian dài”.

Bà Thư cũng bày tỏ lo lắng, sau khi sự cố khắc phục xong sẽ khó có lại những khách hàng này.

Chiều 21.3, nhân viên ga Biên Hòa cho biết đã tạm ngưng bán vé đi một số tỉnh. Theo đó, chỉ bán vé từ ga Nha Trang đi ga Hà Nội và chiều ngược lại.

Ông Hoàng Đình Quân – Phòng Kinh doanh Chi nhánh Vận tải đường sắt Bình Thuận cho biết: “Hiện tại đối với những hành khách đi từ các ga miền Bắc, miền Trung về ga Sài Gòn sẽ được trung chuyển bằng xe khách từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn. Đối với những hành khách mua vé ga Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc sẽ được trung chuyển bằng xe khách xuống ga Biên Hòa”.

Trước đó, vào trưa 20.3, tàu kéo mang biển số SG 3745 do Trần Văn Giang điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở cát lưu thông trên sông Đồng Nai hướng về cầu Hóa An. Khi đến cầu Ghềnh (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thì tông cực mạnh vào mố cầu số 2. Cú đâm mạnh làm nhịp cầu này chìm xuống sông. Nhịp cầu thứ 3 cũng rớt và cắm một đầu dưới sông. Thời điểm sà lan đâm sập cầu có 3 người đi xe máy, có hai người bị rớt theo nhịp cầu nhưng may mắn thoát nạn. Sau tai nạn, 2 người điều khiển phương tiện là Trần Văn Giang và Nguyễn Văn Lẹ bơi vào bờ trước khi tàu kéo chìm rồi bỏ trốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem