Zalo thu phí: Doanh nghiệp, người bán hàng online "méo mặt", tính chuyển ứng dụng mới

Chủ nhật, ngày 31/07/2022 16:01 PM (GMT+7)
Khi lượng người dùng phổ thông rời đi vì bị Zalo "bóp tính năng" thì các doanh nghiệp, người dùng trả phí, người bán hàng online cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Theo loạt bài phản ánh Zalo thu phí, người dùng nói sẽ xóa app, chuyển ứng dụng mới, phản ánh việc, bắt đầu từ ngày 1.8.2022, ứng dụng này sẽ bắt đầu hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Để có thể sử dụng "thoải mái", người dùng cần phải mua 1 trong 3 gói trả phí gồm Standard (2.800 đồng/ngày), Pro (5.500 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày).

Zalo thu phí: Doanh nghiệp, người bán hàng online "méo mặt", tính chuyển ứng dụng mới - Ảnh 1.

Một tài khoản doanh nghiệp trên ứng dụng zalo. Ảnh: Chụp màn hình.

Động thái này của Zalo gây tranh cãi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng dù vẫn có nhóm khách hàng ủng hộ thu phí và sẵn sàng trả tiền thuê bao tháng, nhưng đa phần người dùng phản đối gay gắt vấn đề này. Không ít người dùng cho biết sẵn sàng xoá app, tải ứng dụng mới thay thế.

Thực tế, nếu lượng người dùng Zalo thông thường sụt giảm thì lượng tương tác với các tài khoản Zalo khối khách hàng doanh nghiệp, người quảng cáo, bán hàng online cũng giảm theo.

Zalo thu phí: Doanh nghiệp, người bán hàng online "méo mặt", tính chuyển ứng dụng mới - Ảnh 2.

Các gói dịch vụ trả phí do Zalo cung cấp. Ảnh: Chụp màn hình.

Chị Thu Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) lập 1 shop bán hàng trên Zalo cách đây hơn 1 năm. Chị Trang cho biết mỗi tháng kinh phí cho quảng cáo trên các mạng xã hội của cửa hàng là khoảng 20 triệu đồng, trong đó riêng Zalo dao động từ 8 - 9 triệu đồng.

Theo chủ shop này, việc quảng cáo, bán hàng trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo đã không còn hiệu quả như các năm trước đó. Vì vậy, nếu Zalo "bóp tính năng" của người dùng thường khiến nhiều người dùng chuyển sang các nền tảng khác sẽ khiến việc quảng cáo, bán hàng càng thêm khó khăn thêm vì lượng tương tác sẽ giảm theo.

"Nếu thực tế đó diễn ra, chúng tôi sẽ cân nhắc cắt giảm khoản chi phí quảng cáo cho Zalo và tiến tới có thể chuyển hẳn phần ngân sách này cho các nền tảng khác như TikTok vì hiệu quả vượt trội hơn hẳn, trong khi đó không mất chi phí", chị Trang nói với phóng viên. 

Anh Mạnh Trường, chủ một thương hiệu hàng tiêu dùng tại Hà Nội có gian hàng trên Zalo cho biết, quảng cáo trên nền tảng Zalo có một số nhược điểm như: Quy trình xét duyệt khắt khe, hồ sơ khách hàng còn sơ sài, không kiểm chứng được chất lượng.

"Chúng tôi sẽ theo dõi thêm, nếu sau mốc ngày 1.8, Zalo áp dụng thu phí và "bóp tính năng" với người dùng không trả phí và khiến nhiều người dùng xóa app, doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc cắt giảm tối đa chi phí chạy quảng cáo trên nền tảng này vì thực sự hiện tại hiệu quả quảng cáo trên Zalo cũng chưa cao như kỳ vọng", anh Trường cho biết.

Zalo thu phí: Doanh nghiệp, người bán hàng online "méo mặt", tính chuyển ứng dụng mới - Ảnh 3.

Nhiều người dùng đang cân nhắc rời khỏi zalo, chuyển sang Telegram hoặc viber. Ảnh: PV.

Chị Liên Phương (Bắc Ninh), chủ một spa và các sản phẩm làm đẹp, cho biết cũng thường xuyên tiếp cận khách hàng mới trên ứng dụng Zalo, thông qua tính năng tìm quanh đây hoặc kết nối qua số điện thoại.

Chị Phương cho biết, việc Zalo bóp tính năng với người dùng không trả phí cụ thể như: Giới hạn danh bạ tối đa chỉ 1.000 liên hệ, chỉ được trả lời tin nhắn từ người lạ 40 tin mỗi tháng; người lạ cũng sẽ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký, số lượng tìm kiếm người khác qua số điện thoại cũng giới hạn còn 40 lần... ảnh hưởng nặng nề với những người dùng như chị.

"Cơ sở làm đẹp của tôi đang cân nhắc chuyển liên hệ với khách hàng qua Telegram hoặc Viber, bởi các ứng dụng đang miễn phí với đầy đủ các tính năng như Zalo", chị Phương nói.

Vân Trường (Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem