10 câu hỏi về vua Quang Trung

Thứ năm, ngày 04/01/2018 11:00 AM (GMT+7)
Quang Trung - Nguyễn Huệ là nhà quân sự lỗi lạc. Nhiều câu hỏi thú vị về ông được đề cập trong các sách lịch sử.
Bình luận 0

Viết về Nguyễn Huệ, chính sử nhà Nguyễn - sách Đại Nam chính biên liệt truyện - có đoạn: “Nguyễn Văn Huệ là em Nguyễn Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người giảo hoạt, đánh trận rất giỏi, người người đều sợ Huệ”.

Sách Tây Sơn lược thuật của một tác giả khuyết danh chép: “Tóc của Huệ quăn, mặt có mụn, một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận chế thắng, uy danh lẫm liệt cho nên mới bình định được phương Bắc và dẹp yên được phương Nam, hướng đến đâu thì không ai hơn được…”.

img

Vua Quang Trung đánh tan quân Xiêm và Thanh.

Vua Quang Trung đánh tan quân Xiêm và Thanh.Quang Trung - Nguyễn Huệ có họ tên gốc là gì?

Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ họ gốc của vua Quang Trung là Nguyễn. Tuy nhiên, theo các sách Nhà Tây Sơn, Võ Nhân Bình Định..., trước khi mang họ Nguyễn, họ của vua Quang Trung là Hồ. Bố ông tên Hồ Phi Phúc, sau lấy vợ họ Nguyễn nên đổi sang họ vợ.

Ông Hồ Phi Phúc sinh được ba người con là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) và Nguyễn Lữ.

Vua Quang Trung quê gốc ở đâu?

Sách Nhà Tây Sơn cho rằng trước khi dựng cờ khởi nghĩa, gia đình Nguyễn Huệ sinh sống ở thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vua  có quê gốc ở huyện Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An, về sau mới chuyển vào Bình Định sinh sống.

Võ sư nào đã dạy võ cho anh em vua Quang Trung?

Theo sách Võ nhân Bình Định, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đến theo học cả văn lẫn võ từ thầy Trương Văn Hiến.

Giống như ba anh em họ Nguyễn, thầy Trương Văn Hiến cũng là người Nghệ An, vào Bình Định lánh nạn.

Vua Quang Trung từng sáng tạo bài quyền nào? Cây đao nhà vua từng sử dụng?

Sinh thời, vua Quang Trung sở hữu cây Ô Long đao. Theo mô tả của sách Võ nhân Bình Định, cây đao to và dài, cán làm bằng gỗ mun đen.

Cây đao đã cùng ông nam chinh bắc chiến, lập nên những chiến công lừng lẫy trên chiến trường.

Sách Võ nhân Bình Định chép để giúp quân lính rèn luyện võ nghệ, vua Quang Trung sáng tạo bài Yến phi quyền. Cước pháp trong bài là các đòn đá bằng cạnh chân và móc vòng đánh gót.

Chỉ trong một đêm, vua Quang Trung chỉ huy đánh tan 50.000 quân nào?

Cuối năm 1784, đầu năm 1785, với sự cầu cứu của Nguyễn Ánh, vua Xiêm (Thái Lan) cử 50.000 quân tiến sang xâm lược nước ta từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Được tin kẻ địch kéo vào xâm lược, vua Quang Trung lập tức đem quân vào Nam chống giặc. Nghiên cứu địa hình, nắm rõ tình hình quân địch, cuối cùng, ông quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, cách Mỹ Tho khoảng 12 km, làm trận địa quyết chiến.

Với sự chuẩn bị chu đáo, chỉ trong vòng một đêm, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã đánh tan 50.000 quân Xiêm, chỉ còn lại mấy trăm tên chạy thoát.

Sau trận này, chính sử nhà Nguyễn, sách Đại Nam thực lục, phải thừa nhận “quân Xiêm tuy ngoài miệng nói khoác nhưng kỳ thực sợ Huệ như sợ cọp”.

Vua Quang Trung lên ngôi năm nào, ở đâu?

Theo sách Nhà Tây Sơn, cuối năm 1788, được tin Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị kéo 29.000 quân sang xâm lược nước ta. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ triệu tập triều thần, tướng lĩnh để bàn kế đánh giặc.

Ngày 25/11/1788, Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế ở núi Bân (Huế), đặt niên hiệu là Quang Trung.

Sau khi lên ngôi, nhà vua cấp tốc kéo quân ra Thăng Long chống giặc. Sau khi dừng lại tuyển quân ở Nghệ An, ông ra Bắc, chỉ trong vòng 5 ngày đêm từ 29 đến trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung chỉ huy đánh tan 29.000 quân Thanh xâm lược.

Dưới thời Quang Trung, giáo dục phát triển như thế nào?

Dù là vị vua dành phần lớn cuộc đời trên yên ngựa, chinh chiến sa trường, nhưng khi ngồi lên ngai vàng, vua Quang Trung có nhiều cải cách trên các phương diện, đặc biệt là giáo dục.

Một số sách sử khẳng định vua Quang Trung là người đã đưa chữ Nôm lên thành thứ văn tự chính của dân tộc. Dưới thời trị vì của ông, trường học lần đầu tiên được mở rộng đến tận làng xã.

Vua Quang Trung định xây dựng kinh đô ở tỉnh nào?

Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (Huế), nhưng dự định của nhà vua là dời về Nghệ An.

Dự định này được bắt đầu khi ông mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước, lệnh cho Nguyễn Thiếp nghiên cứu địa hình và xây dựng kinh đô ở núi Dũng Quyết (Nghi Lộc - Nghệ An), đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô. Khi công việc đang tiến triển, nhà vua qua đời đột ngột nên phải dừng lại.

Vua Quang Trung từng 4 lần hạ cố mời ai ra giúp nước?

Vua Quang Trung đã kéo Ngô Thì Nhậm - đại thần của nhà Hậu Lê - về phía mình. Sau này, biết tin La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tài năng, nhà vua 4 lần viết thư, mời Nguyễn Thiếp ra giúp nước.

Theo sách Những người thầy trong sử Việt, cảm động trước tấm lòng cùa bậc anh hùng trọng người tài, về sau, Nguyễn Thiếp đã nhận lời. Sau khi vua Quang Trung qua đời, Nguyễn Thiếp lập tức về quê quy ẩn.

Sau khi qua đời, vua Quang Trung được chôn cất ở đâu?

Đến nay, sau rất nhiều công trình nghiên cứu, hàng chục cuộc hội thảo khoa học các cấp, việc tìm ra mộ thật của vua Quang Trung vẫn còn là điều bí ấn.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người đã có hơn 30 năm chuyên nghiên cứu về vua Quang Trung - sau khi qua đời, vua được an táng ở cung điện Dương Xuân (Huế).

Đầu năm 2017, Bảo tàng lịch sử Huế và Viện khảo cổ học đã tiến hành khai quật ở gò Dương Xuân, nhưng vẫn chưa tìm ra mộ nhà vua.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem