Gần đây, khi nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố bức ảnh chụp tranh chân dung quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của vua Quang Trung khi sang Trung Quốc), dư luận đã phản ứng dữ dội cho rằng người trong tranh không phải vua Quang Trung; thậm chí có ý kiến cho rằng bức ảnh chụp tranh vẽ đó không có thật, mà nó được ngụy tạo nhằm những mục đích xấu.
Những tranh cãi về chân dung vua Quang Trung không chỉ đưa câu hỏi đâu là dung mạo thực của vua Quang Trung, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về nghiên cứu lịch sử như: phương pháp nghiên cứu, quan điểm nghiên cứu, văn hóa tranh luận, giáo dục lịch sử…
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã trả lời Zing.vn một số vấn đề quanh bức ảnh, cũng như quan điểm của anh về phương pháp nghiên cứu lịch sử.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.
Bức tranh chân dung “Quang Trung” tả thực người sang mừng thọ Càn Long
- Anh mới công bố cuốn catalogue của nhà Sotheby’s phát hành năm 1981, trong đó in hình bức tranh được cho là vẽ vua Quang Trung. Vậy, cuốn catalogue nói lên được điều gì?
- Cuốn catalogue cho thấy bức tranh là một sử liệu thật (hiện vật đã được Sotheby’s đấu giá năm 1981). Bởi vậy, không có chuyện đây là ảnh giả chụp tranh, hay một dạng ''sử liệu'' có tính ngụy tạo như một số người suy diễn với hàm ý cho rằng người công bố có ý đồ nào đó.
- Vậy anh có thể phân tích thêm hình ảnh thể hiện trong bức ảnh đó?
- Thứ nhất, qua tập catalogue này, có thể xác định được đây là bức tranh chân dung vẽ Nguyễn Quang Bình (tên của vua Quang Trung khi sang Trung Hoa, sau đây gọi tắt là "Quang Trung") do họa sĩ Mậu Bính Thái thực hiện dưới sự chỉ đạo của vua Càn Long, là bức tranh chân dung bán thân mà sử liệu của Trung Quốc như Thanh thực lục, hay sử liệu của Việt Nam là Đại Nam thực lục, Dụ am văn tập của Phan Huy Ích đề cập.
Thứ hai, sau khi đã xác định được lai lịch của bức tranh, không phải sản phẩm ngụy tạo sau này; vấn đề đặt ra là, bức tranh có mang tính tả thực không, hay có ý đồ bôi nhọ, vẽ xấu đi? Tôi cho rằng đây là tranh tả thực.
Bởi, họa sĩ Mậu Bính Thái là bậc thày vẽ tranh chân dung tả thực vào thời Càn Long, sau khi vẽ xong hai bức tranh chân dung "Quang Trung", một bức đã được gửi lại sứ đoàn Tây Sơn cầm về Đại Việt. Trong Dụ am văn tập, Phan Huy Ích đã xác nhận điều này.
Bên cạnh đó, sử liệu cho thấy Càn Long có tình cảm quý mến đặc biệt với Quang Trung, có thể kiểm chứng qua nhiều thư từ trao đổi từ khi "Quang Trung" sang Thanh cho đến sau khi về nước. Ngoài ra, vị vua "Quang Trung" sang Thanh cũng đã gặp các sứ thần Triều Tiên, được họ miêu tả là người có ngoại hình "thanh tú". Nên không có chuyện vẽ xấu đi nhằm mục đích bôi nhọ, hay có mưu đồ gì khác.
Cuối cùng, vị vua ''Quang Trung'' sang gặp Càn Long là thật hay giả, sẽ quyết định tính xác thực của bức tranh chân dung này. Nếu Quang Trung sang Thanh là thật, thì bức tranh đương nhiên là vua Quang Trung rồi. Còn nếu "Quang Trung" sang Thanh là giả thì sao? Dĩ nhiên nhân vật được thể hiện trong bức tranh là vị vua giả thôi.
Trong trường hợp vị vua Quang Trung sang Thanh là giả, thì chính những nguồn sử liệu ghi nhận điều này, vẫn nhấn mạnh rằng, Quang Trung đã phải tìm người giống mình để thay thế sang Thanh. Vậy thì, chí ít, chân dung nhân vật đang gây tranh cãi ở đây, nhân vật trong tranh ấy vẫn gần với vị Quang Trung thật hơn cả, hơn là những bức tranh do người đời sau vẽ lại theo trí tưởng tượng.
Trang 76 trong tập catalogue của nhà Sotheby's cho thấy bức tranh vẽ "Nguyễn Quang Bình" đã đưa ra đấu giá năm 1981.
- Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng bức tranh họa sĩ Mậu Bính Thái vẽ Nguyễn Quang Bình không giống những gì họ nghĩ về một vua Quang Trung oai hùng, khỏe mạnh?
- Chúng ta chỉ nên bàn luận dựa theo chứng lý khoa học, để xác định bức tranh liệu có phải ngụy tạo không, có mục đích xú hóa (bôi nhọ) không, việc người sang chúc thọ Càn Long là Quang Trung thật hay giả thôi, chứ chuyện niềm tin, hình tượng anh hùng, thuật tướng số là những điều khó có thể cùng bàn luận.
Khi bàn luận ở phương diện sử học để cùng nhau tiệm cận chân lý thì một tiền đề tiên quyết là phải tuân thủ các nguyên tắc của sử học, ví dụ như sự diễn giải hay phân tích phải dựa vào sử liệu và phương pháp được sử dụng phải đảm bảo khách quan, logic.
- Vậy theo anh, vị vua sang Trung Quốc là Quang Trung thật hay giả?
- Những nghiên cứu mới nhất của Nguyễn Duy Chính trình bày trong cuốn Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không (NXB Văn hóa – Văn nghệ) khẳng định rằng vị vua Quang Trung sang Thanh là thật.
Về mặt lý tính, tôi ủng hộ quan điểm của ông Chính, với những chứng lý thuyết phục ông đưa ra.
Sách của Nguyễn Duy Chính đưa quan điểm người sang Trung Hoa chính là Vua Quang Trung.
Tranh luận lịch sử cần luận chứng, đừng lên án bằng cảm xúc, niềm tin
- Có ý kiến cho rằng khi anh đưa bức ảnh ra, mà anh không khẳng định đó là chân dung vua Quang Trung hay không, thì đó là cách công bố mập mờ, gây rối loạn học thuật. Anh nghĩ sao về quan điểm đó?
- Tôi cho rằng, thời đại ngày nay khác rồi. Học thuật không còn là một thứ kinh viện nằm yên trong các viện nghiên cứu nữa. Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã mạnh dạn chia sẻ những giả thuyết cùng tư liệu họ sử dụng qua mạng xã hội, qua đó, với sự tương tác với mọi người, luận chứng của họ thêm phần vững chắc.
Trong trường hợp này, Nguyễn Duy Chính là một chuyên gia về thời Tây Sơn, ông ấy nắm được nhiều sử liệu liên quan đến bức tranh chân dung Quang Trung, và đã tìm kiếm tranh này từ lâu. Cho đến khi tôi vừa chia sẻ lên mạng, Nguyễn Duy Chính lập tức tìm đến tôi và bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết. Điều này có lợi cho học thuật.
Dĩ nhiên, luôn có một luồng suy nghĩ nghiêm trọng hóa học thuật, tôi cũng tôn trọng suy nghĩ đó.
Có điều chúng ta lâu nay dường như đã quen với việc dạy học sử một cách máy móc. Lịch sử dường như chỉ còn là những câu chuyện kể, các nhân vật lịch sử cũng bị đơn giản hóa, hình tượng hóa..v..v.. Trong khi điều cần nhất ở giáo dục lịch sử là tư duy lịch sử khoa học.
Thậm chí khi đã được coi là anh hùng dân tộc, là bậc vua chúa mở nước, vô hình trung cũng trở thành những hình tượng bất khả xâm phạm. Trong khi giữa hình tượng lịch sử và nhân vật lịch sử qua góc nhìn của sử liệu và sử học, có một khoảng cách khá xa. Người ta chỉ có thể phân biệt được điều này khi họ có tư duy lịch sử khoa học, đáng lẽ phải được xây dựng từ khi còn trên ghế nhà trường.
- Vậy cái chúng ta cần ở đây là gì, để tránh tình trạng máy móc hóa lịch sử?
- Điều này phải sửa chữa từ tư duy giáo dục, cụ thể là giáo dục lịch sử. Nghĩa là giáo viên phải giúp học sinh hiểu chân lý trong sử học do nhà sử học tiếp cận chỉ có tính tương đối. Nó sẽ bị thay thế khi có sử liệu mới, nghiên cứu mới và ngay cả khi cùng sử dụng một sử liệu, với phương pháp, góc nhìn khác nhau các nhà sử học cũng có thể đưa ra những luận giải khác biệt.
Những luận giải nào có tính thực chứng, logic cao thì được giới học giả và công chúng công nhận rộng rãi và trở thành định thuyết. Nghĩa là chân lý được diễn ngôn chỉ có tính tương đối mà thôi. Điều đó thúc đẩy giới học giả liên tục khám phá và viết lại lịch sử.
- Theo anh, giáo dục lịch sử của chúng ta đang gặp vấn đề gì?
- Nhìn chung, giáo dục lịch sử cần phải thay đổi từ việc truyền đạt tri thức lịch sử thuần túy sang huấn luyện học sinh tư duy và phương pháp nghiên cứu của nhà sử học. Có tư duy sử học và phương pháp sử học tốt sẽ là nền tảng để xây dựng phẩm chất công dân. Đấy là mục tiêu mà hầu như các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều hướng tới.
Thu Hiền (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.