Hai cuốn sách có tên Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? và Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần Khánh thọ của Thanh Cao Tông đều mới được xuất bản gần đây.
Hai cuốn sách nói về chuyến đi của phái đoàn Việt dự đại lễ của vua Càn Long.
Dựa vào việc nghiên cứu chi tiết các tài liệu lưu trữ, sử sách triều nhà Thanh, Nguyễn Duy Chính đã đi đến nhận xét: Phái đoàn Đại Việt sang dự đại lễ của vua Càn Long được đón tiếp với nghi lễ rất long trọng. Người đứng đầu phái đoàn, mà sử sách nhà Nguyễn sau gọi là "giả vương", được vua quan nhà Thanh hết sức ưu ái, được xếp chỉ dưới bậc thân vương, được thưởng nhiều tặng phẩm quý giá, và còn được vua Càn Long cho vẽ chân dung.
Cuốn Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận”– Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? đi sâu vào phân tích giả thuyết của tác giả về việc người dẫn đầu phái đoàn nhiều khả năng là vua Quang Trung.
Dù cho là một "nghi án", tác giả vẫn đưa ra giả thuyết người cầm đầu phái đoàn sang Trung Hoa chính là vua Quang Trung, khi đưa ra những chứng cứ rằng vua Quang Trung không ở trong nước trong thời gian đó.
Điển hình như các văn thư và sắc phong ban hành trong thời gian diễn ra chuyến đi đóng dấu Hoàng thái tử chi bảo của Thái tử Nguyễn Quang Toản, hay có một cuộc xung đột giữa quân Tây Sơn với quân Lào, mà đến khi phái đoàn về nước, mới thấy sử chép vua Quang Trung thân chinh cầm quân đi đánh.
Nguyễn Duy Chính dẫn các tài liệu nhà Thanh cho biết, phái đoàn của An Nam quốc vương có số người đi rất đông đảo, lên tới 160 người, trong khi quy định các phái đoàn đến dự lễ chỉ được phép có 60 người. Phái đoàn cũng được đặc cách lên gặp vua Càn Long tại sơn trang nghỉ mát Nhiệt Hà. Khi vua Càn Long ban thưởng, thì ban cho "An Nam quốc vương" một vạn lượng bạc, như các hoàng tử con ruột vua Càn Long.
Khi vua Càn Long đích thân làm lễ tế ở Tịch Nguyệt Đàn, thì cho vua Quang Trung bồi tế và sau đó vua Quang Trung còn được cử thay mặt vua Thanh chủ tế ở Sùng Thánh Từ. Khi vua Càn Long từ Nhiệt Hà quay lại kinh đô để khai mạc đại lễ khánh thọ, thì "An Nam quốc vương" được về Bắc Kinh trước để dẫn đầu phái đoàn nghênh đón vua Càn Long.
Sách có in kèm những bức tranh vẽ về Đại lễ mừng thọ vua Thanh Cao Tông (Càn Long) tám mươi tuổi, trong đó, bức An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang, có hình ảnh được cho là vua Quang Trung mặc áo vàng, quỳ trước hai bồi thần mặc áo đỏ (được cho là Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở) cùng các nhạc công đang làm lễ bái yết trước lều bạt của vua Càn Long ở sơn trang nghỉ mát.
Bức tranh được cho là vẽ vua Quang Trung (mặc áo vàng) cùng hai bồi thần đang làm lễ bái yết trước vua Càn Long.
Một bức tranh khác được trích trong bộ Bát tuần vạn thọ thịnh điển có cảnh một vị thân vương dẫn đầu các quan chào đón kiệu vua Càn Long trở về Bắc Kinh, và tác giả Nguyễn Duy Chính cho rằng vị thân vương đó là vua Quang Trung.
Nguyễn Duy Chính cũng tìm thấy trong Thanh cung Nội vụ phủ Tạo biện xứ văn khố những chi tiết về việc vua Càn Long sai họa công vẽ hình vua Quang Trung.
Tuy nhiên, tác giả vẫn trích những sách nhà Thanh, như Thanh sử cảo, chép rằng: "Thực ra Quang Bình (Huệ) sai em mạo danh đến mà thôi, chứ bản thân Quang Bình không dám tới".
Trong khi đó, cuốn Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần Khánh thọ của Thanh Cao Tông miêu tả chi tiết lịch trình, diễn biến của chuyến đi kéo dài tới 9 tháng này, bao gồm cả các công văn mà phái đoàn gửi về nước, thư từ gửi các quan nhà Thanh hay chi tiết từng buổi tiếp tân trên đường đi, các diễn biến trong đại lễ, hoặc những bài thơ phú chúc tụng mà Phan Huy Ích đã làm để mừng thọ vua Càn Long.
Sách cũng kể chi tiết về danh sách cống phẩm mà phái đoàn Đại Việt đem tặng vua Càn Long, cũng như các tặng phẩm mà vua Thanh ban tặng phái đoàn.
Qua các công văn, bản tấu trình được Nguyễn Duy Chính sưu tầm và dịch thuật, thì ban đầu, phái đoàn còn có cả con thứ của vua Quang Trung là Nguyễn Quang Thùy đi cùng. Tuy nhiên, khi đi qua ải Nam Quan, Nguyễn Quang Thùy bị ốm nên vua Quang Trung đã cho 30 người hộ tống Hoàng tử về thành Thăng Long.
Theo tài liệu nhà Thanh, để cung ứng cho phái đoàn, có tỉnh đã phải chi đến 4.000 lạng bạc một ngày nên đã bị vua Càn Long khiển trách là quá xa xỉ.
Văn khố nhà Thanh cũng cho biết, vua Càn Long đã cho vẽ ba bức chân dung vua Quang Trung. Trong đó, có một bức vẽ vua Quang Trung mặc quan phục nhà Thanh. Các bức tranh này do hai họa sĩ nổi tiếng trong triều đình nhà Thanh là Mậu Bính Thái và Y Lan Thái thực hiện. Sự việc này được ghi trong tài liệu của Nội Vụ Phủ và đã được Nguyễn Duy Chính chụp lại, in kèm trong sách.
Trong bức thư của vua Quang Trung gửi Phúc Khang An thì trên đường về "đại hoàng đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gửi ban cho một hộp bánh sữa, một hộp mứt trái cây khô và một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này".
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Duy Chính cho rằng bức hình không còn nên hậu thế không biết chân dung ông ra sao.
Nguyễn Duy Chính sinh năm 1948 tại Sơn Tây. Ông cùng gia đình chuyển vào Nam sinh sống từ năm 1954. Ông học trường Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, sau đó lấy bằng Tiến sĩ Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, hiện sống và làm việc tại California.
Từ đầu những năm 2000, Nguyễn Duy Chính chuyển sang nghiên cứu sử Việt, cụ thể hơn là lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn.
Cùng hai cuốn sách kể trên, Nguyễn Duy Chính còn là tác giả của một loạt cuốn sách khác về thời Tây Sơn như Thanh - Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Việt - Thanh chiến dịch, Đại Việt quốc thư...
|
Lê Tiên Long (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.