10 công ty bị ghét nhất tại Mỹ

Zing Thứ tư, ngày 21/01/2015 10:49 AM (GMT+7)
Các ông lớn như General Motors, Wal-Mart, Sony hay McDonald's... đều nằm trong danh sách những công ty bị ghét nhiều nhất tại Mỹ do trang 24/7 Wallst đưa ra.
Bình luận 0
1. General Motors

img

General Motors (GM) dành phần lớn thời gian của năm 2014 để “phòng thủ” bởi phải thu hồi một loạt sản phẩm lỗi. Nghiêm trọng nhất là trường hợp bộ phận đánh lửa của xe gặp trục trặc gây ra hiện tượng chết máy hoặc làm cho túi khí bị vô hiệu hóa khi xe đang chuyển động. Đây là nguyên nhân gây ra 42 ca tử vong, khiến GM buộc phải thu hồi 2,6 triệu ô tô. Công ty này cho biết đã thu hồi tổng cộng 34 triệu chiếc xe hơi vì nhiều lỗi khác nhau, đồng thời chịu thiệt hại hơn 2,6 tỷ USD do những chi phí liên quan đến công tác thu hồi chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014.

GM đã phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ công chúng. Bên cạnh 400 triệu USD để bồi thường cho nạn nhân của sự cố trên, công ty này còn bị Bộ Giao thông Hoa Kỳ tuyên phạt mức phạt cao nhất là 35 triệu USD. Tệ hơn nữa là nhân viên của GM đã nhận ra lỗi này ngay từ năm 2001. 

Tháng 9 vừa qua, Reuters cho biết công ty này không chịu khắc phục lỗi này trong năm 2005 mặc dù chi phí thay thế công tắc đánh lửa chỉ khoảng 90 xu Mỹ. Trước những phản hồi từ dư luận, CEO Mary Barra cho biết: “Tôi không muốn bất cứ ai đã và đang làm việc cho GM quên đi những gì vừa xảy ra. Trải nghiệm kinh khủng này cần được khắc cốt ghi tâm”.

2. Sony Corp

img

Sony có lẽ là hãng phải vật vã nhất trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Vào tháng 11/2014, báo chí đưa tin hãng phim ảnh Sony Pictures thuộc tập đoàn Sony đã bị hack trước khi chuẩn bị ra mắt bộ phim “The Interview”. Trong số những thông tin bị rò rỉ, có các bộ phim chưa được công bố của Sony, dữ liệu lương nhân viên và cả đoạn trò chuyện qua email cá nhân của những tên tuổi Hollywood. Trong đó rất nhiều email tiết lộ những đấu đá, tranh chấp đê tiện của lãnh đạo cấp cao tại công ty.

Sau vụ tấn công, một loạt rạp lớn tuyên bố sẽ không chiếu bộ phim này. Sony quyết định không cho ra mắt phim nữa. Tuy nhiên, phê bình từ nhiều phía trong đó có Tổng thống Obama đã khiến công ty thay đổi quyết định. Ngoài những lùm xùm xoay quanh “The Interview”, mạng lưới PlayStation của Sony cũng bị hack trong mùa lễ.

Vấn đề của Sony không chỉ bắt nguồn từ các cuộc tấn công. Trong suốt nhiều năm trở lại đây, Sony liên tục báo cáo thua lỗ, và những thông báo cải tổ đã trở thành sự kiện thường niên tại công ty này. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm thực hiện cải cách vẫn chưa đem lại kết quả. Mảng điện thoại thông minh của Sony mất dần thị phần do kinh doanh không có lợi nhuận. Giao dịch cổ phiếu Sony trên sàn chứng khoán New York cũng giảm hơn 30% trong 5 năm vừa qua.

3. DISH Network Corp

img

Trong khảo sát Zogby Analytics đánh giá DISH Network, hơn 20% người tham gia gửi phản hồi là rất tệ. Trong những năm gần đây, DISH cũng xếp sau hầu hết các công ty khác trong bảng xếp hạng chỉ số hài lòng của khách hàng ACSI. Sau những thương thảo hợp đồng nảy lửa giữa DISH Network và Fox, giờ đây khách hàng của DISH Network không thể tiếp tục xem Fox News và các kênh về kinh doanh. 

Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ hài lòng của khách hàng đối với DISH, chí ít là những khán giả theo dõi Fox News. Tuy nhiên, đây không phải là tranh chấp đầu tiên của DISH trong vài năm gần đây. Những tranh chấp tương tự cũng khiến khách hàng của hãng không thể theo dõi một loạt các kênh khác như AMC Networks, Turner Networks.

Ngoài những phản hồi tiêu cực từ khách hàng, DISH cũng hứng chịu không ít chỉ trích từ những người đã và đang làm việc tại công ty. Nhân viên ở đây thường xuyên không tán hành cách quản lý của cấp trên, do đó chỉ cho điểm 2,7/5 trên trang Glassdoor.com - trang web lớn danh nhân viên và cựu nhân viên của các công ty chia sẻ, đánh gia về cách quản lý tại nơi mình làm việc.

4. McDonald’s

img

Lương thấp là vấn đề rất nóng tại McDonald’s bởi rất nhiều công nhân cho rằng họ xứng đáng được trả lương cao hơn. Một nhân viên phục vụ của McDonald’s nhận dược 8,25 USD/giờ, còn nhân viên thu ngân là 8,41 USD/giờ.

Công nhân trong ngành thức ăn nhanh bắt đầu biểu tình phản đối việc trả lương quá thấp từ cuối năm 2013. Những cuộc biểu tình nhắm đích danh vào McDonald’s vẫn tiếp tục tới tận năm 2014. Đáng chú ý là nhiều nhân viên còn tiến hành biểu tình phía ngoài trụ sở của McDonald’s trong khi phiên họp cổ đông thường niên đang diễn ra.

Những vấn đề liên quan đến lao động được đẩy lên cao trào khi sau khi Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia ban hành quy định mới. Theo đó, McDonald’s phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm về lao động tại các cửa hàng ăn nhanh của mình.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, McDonald’s cũng đang phải chật vật để lôi kéo khách hàng. Theo bảng xếp hạng chỉ số ACSI, trong năm 2014, McDonald’s có chỉ số hài lòng của khách hàng thấp nhất. Bên cạnh đó, công ty này cũng phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Vì vậy, McDonald’s dự định sẽ đơn giản hóa thực đơn để níu kéo khách hàng.

5. Bank of America

img

Bank of America có điểm ACSI ở mức 69, thấp hơn nhiều so với trung bình của ngành là 76, cho thấy khách hàng vô cùng bất mãn với “gã khổng lồ này”. Tệ hơn nữa, Bank of America là công ty nhận đươc nhiều đánh giá thấp nhất trong cuộc khảo sát khách hàng Zogby Analytics năm 2014.

Bên cạnh việc không thể làm hài lòng khách hàng, tập đoàn này còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Sau khi Bank of America phát hiện sai sót trong khâu kế toán vào tháng 4/2014, Cục dữ trữ Liên bang yêu cầu ngân hàng này tạm hoãn chương trình mua lại cổ phiếu cũng như kế hoạch tăng cổ tức. 

Ngoài ra, Bank of America cũng ký vào một thỏa thuận với Bộ Tư pháp về việc chi trả 16,65 tỷ USD để dàn xếp ổn thỏa những hoạt động liên quan đến tài sản thế chấp dẫn đến khủng hoảng tài chính. Đây chỉ là lần xử phạt gần đây nhất trong  một loạt những án phạt nhiều tỷ USD liên quan đến tài sản thế chấp mà Bank Of America phải nộp trong vài năm gần đây. Những rùm beng kể trên khiến giá cổ phiếu của tập đoàn giữ ở mức rất thấp trong 5 năm gần đây.

6. Uber

img

Uber là một trong những công ty được nói đến nhiều nhất trong năm 2014. Một phần trong số tin tức viết về Uber tập trung vào sự phổ biến, thịnh hành của ứng dụng này. Tuy nhiên, hiếm có công ty nào lại gây nhiều tranh cãi như Uber. Tranh cãi bắt nguồn từ những người kiếm sống bằng nghề lái taxi. 

Uber thường xuyên đối mặt với sự phản đối từ phía các nhà lãnh đạo ở Mỹ và châu Âu thông qua việc cấm hoặc thách thức tính hợp pháp của dịch vụ taxi Uber – dịch vụ cho phép bất cứ ai sở hữu xe hơi có thể “hành nghề” tài xế. Công ty này cũng buộc phải tạm dừng hoạt động tại Tây Ban Nha sau khi vấp phải sự phản đối tương tự.

Thậm chí, những tài xế của Uber cũng biểu tình chống lại các chính sách của công ty, bao gồm việc cắt giảm phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các công ty taxi và công ty khởi nghiệp khác như Lyft. Khách hàng cũng phàn nàn về Uber khi công ty tăng giá dịch vụ khi nhu cầu của khách hàng tăng cao. Ủy ban thành phố New York đang xem xét việc giới hạn mức phí tối đa đối với dịch vụ này.

Bên cạnh đó, Uber cũng bị chỉ trích nặng nề vì hành động của một số cán bộ cấp cao. Tháng 11 vừa qua, một nhân viên cao cấp của hãng cho biết rằng anh ta đã đi theo xe của với nữ phóng viên BuzzFeed  mà không được cho phép. Cũng trong cùng tháng, một nhân viên khác đề xuất với tổng biên tập của BuzzFeed rằng Uber nên xem xét việc khai thác thông tin cá nhân của thành viên các trang truyền thông hay phê phán mình.

7. Sprint Corp

img

Công ty viễn thông Sprint đã và đang làm khách hàng thất vọng trong những năm vừa qua. Trong 6 quý liên tiếp tính đến tháng 9/2014, Sprint mất gần 2,6 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ điện thoại trả sau – những khách hàng có khả năng sinh lợi cho công ty. Kết quả là 2.000 nhân viên bị mất việc khi công ty cắt giảm nhân sự  nhằm giảm chi phí.

Nguyên nhân khiến khách hàng rời bỏ Sprint có lẽ là sự bất mãn đối với dịch vụ chăm sóc khách hàng của công ty này. Trong khi thực hiện khảo sát Zogby Analytics, gần 21% khách hàng cho biết trải nghiệm với Sprint thật tệ. Năm 2013, công ty viễn thông Nhật Bản SoftBank đã mua lại phần lớn cổ phần tại Sprint với giá 22 triệu USD. 

Vốn dĩ SoftBank muốn sáp nhập Sprint với T-Mobile US nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ sau khi biết các nhà quản lý của Mỹ phản đối việc hợp nhất. Các nhà đầu tư ắt hẳn không thể vui mừng bởi cổ phiếu của Sprint đã giảm một nửa trong 12 tháng vừa qua.

8. Spirit Airlines

img

Spirit Airline là hãng hàng không đem lại cho hành khách những trải nghiệm vô cùng tệ hại. Nếu như ở hầu hết các hãng khác, dịch vụ và tiện nghi được tính cả trong vé máy bay thì Spirit lại bán riêng rẽ. Chẳng hạn như bạn sẽ phải trả phí để được cất túi lên gian để đồ phía trên đầu hay được sử dụng nước đóng chai. 

Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2014 của Bloomberg Businessweek, mặc dù đưa ra một loạt phí, nhưng Spirit vẫn tự tin khẳng định giá vé tổng cộng của hãng mình vẫn là thấp nhất, chỉ 102,02 USD, trong khi ở Southwest là 125,65 USD và tại Delta là 152,97 USD.

Dường như nhiều khách hàng của Spirit sẵn sàng hi sinh chất lượng để được hưởng mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu năm 2013 về ngành hàng không, báo cáo người tiêu dùng cho biết Spirit Airline là một trong những hãng nhận được điểm thấp nhất do khách hàng bình chọn. Quỹ giáo dục U.S. PIRG Education Fund cũng cho biết Spirit là hãng bị phàn nàn nhiều nhất từ năm 2009-2013.

Vì những nguyên nhân kể trên, Spirit đã biến mình thành hãng hàng không bị ghét nhiều nhất của Mỹ. Trong báo cáo có tên “State of the Hate Report” được đưa ra mùa hè 2013, Spirit đã đưa ra tài liệu cho những ý kiến tiêu cực của khách hàng. Dường như Spirit đã khai thác triệt để thị trường của những hành khách muốn bay giá rẻ bất chấp chất lượng phục vụ ra làm sao. Phát ngôn viên của hãng, Paul Berry còn trả lời 24/7 Wall St rằng: “Thứ quan trọng nhất đối với khách hàng là giá. Vì vậy chúng tôi cạnh tranh bằng giá cả”.

9. Wal-Mart Stores

img

Theo ACSI, không mấy công ty lại nhận được đánh giá thấp về mức độ hài lòng của khách hàng như Walmart. Là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất nước Mỹ với khoảng 1,4 triệu nhân viên chỉ tính tại nước Mỹ nhưng Walmart trả lương cho nhân công rất thấp. Điều này có thể lý giải phần nào việc công ty này chỉ nhận được 2,8/5 điểm đánh giá từ nhân viên trên trang Glassdoor.com.

Một lý do nữa khiến Wal-Mart bị ghét đó là tuy công ty này bán hàng giá rẻ trên khắp cả nước nhưng lại thường bị cáo buộc vì làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp địa phương nơi Wal-Mart xây cửa hàng.

10. Comcast

img

Chỉ số hài lòng của khách hàng đối với các dịch vụ Internet và truyền hình  của Comcast đều rất thấp. Theo khảo sát từ Zogby Analytics, dịch vụ khách hàng của công ty này cũng được đánh giá là tệ thứ 2 trong số các công ty được khảo sát. Một minh chứng rõ ràng là việc nhân viên chăm sóc khách hàng của hãng từ chối hỗ trợ khi khách hàng hủy dịch vụ.

Không chỉ dừng lại ở việc bất mãn với các dịch vụ Comcast cung cấp, khách hàng còn vô cùng tức giận khi công ty này thông báo kế hoạch sáp nhập với đối thủ Time Warner. Khách hàng cho rằng sáp nhập khiến cạnh tranh bị giảm đi nhiều trong ngành công nghiệp vốn ít thân thiện với người tiêu dùng này.

Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), Comcast cũng hứng  chịu vô số chỉ trích từ các ngành công nghiệp khác về cách vận hành của công ty. Đáng chú ý là Netflix đã cáo buộc ISP làm chậm tốc độ internet của khách hàng nhằm bòn rút thêm phí từ các nhà cung cấp nội dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem