Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng.
Theo dự thảo thông tư, công ty tài chính được thực hiện hoạt động tín dụng tiêu dùng dưới các hình thức: cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng; phát hành thẻ mua hàng.
Theo quy định dự kiến, có hai xu hướng sẽ diễn ra sắp tới: ngân hàng thành lập mới công ty tài chính, hoặc chọn mua lại trong số những thành viên hiện có - Ảnh minh họa.
Đây cũng là điểm mới theo hướng mở rộng hơn cho các công ty tài chính, nhất là việc cho vay thấu chi qua thẻ.
Đáng chú ý, ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn theo các hình thức trên phải thành lập công ty tài chính.
Hiện khá nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam chưa có công ty tài chính. Theo đó, với quy định dự kiến trên, có hai xu hướng sẽ diễn ra sắp tới: ngân hàng thành lập mới công ty tài chính, hoặc chọn mua lại trong số những thành viên hiện có.
Qua hai xu hướng trên, hệ thống các công ty tài chính Việt Nam có thể sẽ bùng nổ về số lượng, thay vì 17 thành viên hiện nay (sau khi PVFC hợp nhất với Western Bank thành PVcomBank).
Ở xu hướng thứ nhất, từ đầu năm 2014, đón trước chính sách và hướng vận động chung của thị trường, một số ngân hàng thương mại đã có kế hoạch và trình đại hội đồng cổ đông thành lập công ty tài chính mới 100% vốn trực thuộc.
Xu hướng này dự báo cũng sẽ mở rộng khi có quy định bắt buộc nói trên của Ngân hàng Nhà nước. Mặt khác, việc chọn mua trong hệ thống các công ty tài chính hiện có gặp những hạn chế nhất định.
Xu hướng thứ hai, mua lại như trên, thực tế cũng đã cụ thể ở loạt sự kiện diễn ra trong năm 2013 và 2014, như: HDBank mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Việt -SG; VPBank mua lại Công ty Tài chính Than khoáng sản; SHB đang đàm phán với một công ty tài chính khác…
Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá: “Việc cho phép tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước mua lại công ty tài chính để chuyển đổi thành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu công ty tài chính; một mặt, đáp ứng được nhu cầu thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại, mặt khác, thúc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi ngân hàng”.
Nhưng triển vọng các cuộc hôn nhân như trên gặp nhiều trở ngại. Những công ty tài chính có hoạt động và triển vọng khá hơn đã và sẽ được chọn mua trước; còn lại phần lớn là đang có tình hình tài chính xấu và rất xấu. Việc ngân hàng thương mại mua lại đồng nghĩa với yêu cầu phải tốn kém chi phí khắc phục tình trạng đó.
Trong bản giải trình về dự thảo thông tư nói trên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết: “Hiện nay, năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của công ty tài chính còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay ngân hàng mẹ,…); quản trị rủi ro, năng lực điều hành rất bất cập; hệ thống thông tin, công nghệ thông tin phục vụ quản trị rủi ro nhiều hạn chế”.
Số liệu thống kê các chỉ tiêu tài chính nói chung của hệ thống này suốt hai năm qua đều phản ánh những khó khăn rõ nét.
Cụ thể, cập nhật gần nhất cho thấy, đến 30.6.2014, quy mô vốn tự có của nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính đã giảm tới 16,97% so với cuối năm 2013, chỉ còn 2.220 tỷ đồng; trong khi quy mô vốn điều lệ là 18.823 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, nhiều công ty tài chính đã ở trong trạng thái thua lỗ kéo dài và có hiện tượng lỗ ăn sâu vào vốn…
Bên cạnh đó, cũng tính đến 30.6.2014, tỷ lệ an toàn vốn chung của khối này chỉ còn 3,35%, trong khi mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước phải là 9%.
Việc tái cơ cấu hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, cùng với quy định ở dự thảo trên, sẽ phải từng bước khắc phục tình trạng trên. Sáp nhập, mua - bán lại công ty tài chính vào ngân hàng thương mại là một giải pháp.
Và cùng với xu hướng thành lập mới, hệ thống các công ty tài chính Việt Nam sẽ đón một diện mạo mới trong tương lai gần.
(Theo VnEconomy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.