“The Hunters in the Snow” (1565) - Pieter Brueghel the Elder
Brueghel được coi là vị vua trong việc miêu tả cảnh tuyết trắng. Tác phẩm của ông đã làm nổi bật chiều sâu, kết cấu và gợi lên cảm giác lạnh run người của mùa đông.
Nét thú vị của kiệt tác nổi tiếng này đó là Brueghel đã tạo nên sự tương phản hấp dẫn và mạnh mẽ khi khắc họa những người thợ săn lê bước mệt mỏi về nhà sau một chuyến đi săn thất bại đối lập với hình ảnh những người dân đang chơi trượt băng, khúc côn cầu vui vẻ trong một ngày mùa đông đẹp trời.
“Effect of Snow at Petit-Montrouge” (1870) - Edouard Manet
Bức tranh sơn dầu khắc họa mùa đông u ám, lạnh lẽo ở Petit-Montrouge, một khu vực của quận 14 Paris, Pháp. Đô thị Paris dường như bị lu mờ bởi tuyết bẩn và bầu trời màu be ảm đạm; những ngôi nhà chênh vênh hơn trên dải đất rộng lớn màu nâu.
Manet vẽ tuyệt tác nghệ thuật này khi đang phục vụ trong lực lượng cảnh sát quốc gia Paris từ năm 1870 – 1871 trong chiến tranh Pháp – Phổ. Trái với các họa sĩ cùng thời, tác phẩm của Manet không thể hiện sự hào hùng của cuộc chiến mà thể hiện cái nhìn u ám, sự cô đơn sâu sắc và những thiếu thốn ông phải chịu đựng trong thời gian này.
“Snowstorm, Steam boat off a Harbour’s Mouth” (1842) – JMW Turner
Turner quả thực là bậc thầy khi miêu tả sức mạnh thiên nhiên qua hội họa. Trong kiệt tác nổi tiếng này, con thuyền thật nhỏ bé, khiêm nhường chống chọi với cơn bão tuyết khủng khiếp, tượng trưng cho sự nỗ lực của nhân loại thật vô ích để chiến thắng thiên nhiên. Có một câu chuyện kể lại rằng Turner đã tự trói mình vào cột buồm 4 tiếng đồng hồ trong một cơn bão đêm trên biển để mô tả lại khung cảnh dữ dội này.
“The Morning After a Snowfall” (1800) - Katsushika Hokusai
Đây là một trong những tranh in khắc gỗ nổi tiếng của họa sĩ người Nhật Hokusai. Bức tranh miêu tả quá trình chuyển đổi thời gian ở một khung cảnh đơn lẻ để khắc họa sự chuyển mình của thiên nhiên từ mùa thu sang mùa đông băng giá. Và Hokusai gợi lên mùa đông bằng cách phủ kín một phòng trà với khung cảnh tuyết mênh mông từ mái nhà đến cây cối, cảnh vật, nhà cửa, những ngọn núi phía xa.
“Haystacks in the Snow” (1911) - Franz Marc
Chủ đề muôn thuở của họa sĩ người Đức này là động vật nên việc ông vẽ một bức tranh phong cảnh là điều khá dị thường. Tuyệt tác nghệ thuật của Marc vẽ những đống cỏ khô phủ đầy tuyết và sử dụng màu sắc, ánh sáng theo phong cách của trường phái lập thể, khiến người xem thật khó nhận ra chiều sâu của tác phẩm. Những đỉnh núi đầy tuyết thể hiện sự biến đổi của của thời gian và qua đó Marc nhắc nhở chúng ta hãy cố gắng làm hết mình khi có thể vì thời gian không đợi chờ ai và đừng để mọi thứ bị tuyết bao phủ và sũng nước như đống rơm khô kia.
“Melting Snow at Wormingford” (1962) - John Nash
Họa sĩ người Anh John Nash tìm thấy niềm cảm hứng bất tận trong những phong cảnh ở miền đông nước Anh. Bức tranh miêu tả cảnh tuyết tan trên những cánh đồng ở Wormingford và nổi bật trên nền tuyết trắng là những vạt lá cây màu xanh báo hiệu mùa xuân đang đến, bản chất của thiên nhiên lại một lần nữa được tái sinh và quay lại vòng tuần hoàn ban đầu.
Nó nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi thứ sẽ thay đổi nhưng bản chất của vạn vật là không bao giờ thay đổi.
“Paris in the snow” (1945) - Lee Miler
Nữ nghệ sĩ Elizabeth Lee Miller lại thể hiện vẻ đẹp diệu kỳ của tuyết qua bức ảnh đen trắng. Một người đàn ông cô đơn tương phản với nền tuyết trắng gợi nhớ thời kỳ nghệ thuật lãng mạn, tòa nhà màu đen thể hiện sự u ám.
Nhưng cả người đàn ông cũng như bức tường của tòa nhà đang hướng về tháp Eiffel biểu tượng của nước Pháp. Ngọn tháp ẩn hiện trong màn sương tuyết đem lại niềm hy vọng và nhắc nhở con người luôn tiến về phía trước.
“Snowman” (2013) - Jeff Koons
Người tuyết của Koons mang phong cách độc đáo vì mặc dù do con người tạo ra nhưng lại có kết cấu vô định hình như không hề được gọt giũa giống như sản phẩm của thiên nhiên. Kiệt tác nổi tiếng này giống như một con búp bê, tay cầm một quả cầu màu xanh biểu tượng cho nghệ sĩ. Hình ảnh này báo hiệu mùa đông nhưng không hề khiến ta ớn lạnh mà lại khơi gợi cảm giác vô cùng bí hiểm.
“Potential Snowman” (2001) - Annette Lemieux
Tác phẩm của nữ nghệ sĩ giải quyết những vấn đề cơ bản đối với người nghệ sĩ đó là bản chất của thời gian và sự thật của những ý tưởng nhưng cũng chứa đựng yếu tố hài hước. Đây có thể coi là một người tuyết hoàn hảo nhưng cũng có thể coi là chưa hoàn thành và ta cần sắp xếp những hình cầu, các mảnh ghép mới có thể tạo nên một tác phẩm hoàn hảo. Tác phẩm này được Lemieux tạo nên sau sự kiện 11/9 để tự mình tìm thấy sự an ủi, hài hước sau những đau thương bao trùm nước Mỹ.
“Snowball in Sunset” (1953) - Yayoi Kusama
Nữ nghệ sĩ Kusama là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của nghệ thuật ý niệm (chủ thể của tác phẩm có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng nội dung chính của tác phẩm lại là những ẩn ý nằm bên dưới diện mạo tổng thể của bức ảnh) và bà đã đem tới một tuyệt tác nghệ thuật cho người xem.
Đó có thể là quả cầu tuyết đang bốc cháy với hào quang màu đỏ, màu xanh xung quanh. Nhưng nhìn theo cách khác tác phẩm này lại giống trái đất với hình ảnh cây xanh và được bao bọc bởi lớp màu trắng lạ lùng hoặc cũng có thể đó là hình ảnh mặt trời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.