Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, là một huyện với số tiêu chí các xã hoàn thành còn thấp, bình quân mỗi xã hoàn thành 7 tiêu chí. Thu nhập ở khu vực nông thôn đạt 15,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 11,2%.
Đồng chí Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM.
Qua 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Việt Yên đã từng bước đổi thay, là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang năm 2018. So với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 39 triệu đồng/người/năm (tăng 34%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,13 % (giảm 4,29%). Các phong trào xây dựng, bảo vệ làng quê sạch đẹp được phát huy tối đa.
Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, ông Lê Ô Pích cho biết: Với lợi thế là vùng đất cổ, nằm giữa hai con sông Thương và sông Cầu, Việt Yên có hệ thống đường sắt, đường quốc lộ và đường sông vô cùng thuận lợi. Những năm gần đây, huyện đã trở thành trọng điểm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, do là vùng đồng bằng, vựa lúa của tỉnh với 170 nghìn dân, nông nghiệp vẫn giữ vị trí hết sức quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương và là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho các tỉnh, thành phố lớn ở phía Bắc. Vì vậy, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Yên không tách rời phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đó là sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Trong xây dựng NTM, huyện Việt Yên chủ động phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Chặng đường xây dựng nông thôn mới của huyện Việt Yên đến nay đã trải qua hai giai đoạn. Trong đó, từ năm 2011 đến 2015 là giai đoạn khởi đầu tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất. Huyện đã xây dựng quy hoạch dân cư đô thị, vùng sản xuất cây trồng vật nuôi, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Hiện tại, huyện đang điều chỉnh mở rộng quy hoạch tổng thể đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP như: vùng sản xuất cà chua bi, vùng trồng dưa, ớt, khoai tây, vùng trồng hoa, vùng nuôi cá rô phi đơn tính siêu tốc. Ðến nay, huyện đã thực hiện thành công 12 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 423,8 ha, trong đó có 10 cánh đồng trồng lúa chất lượng cao, hai cánh đồng trồng rau màu quy mô từ 5 đến 30 ha.
Qua hai vụ, các mô hình sản xuất cây con ứng dụng công nghệ cao đều cho giá trị thu nhập tăng 20 - 30% so với các cánh đồng đại trà. Riêng đầu năm 2018, toàn huyện đã xây dựng công nghệ sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị, mỗi nhà lưới có diện tích 1.000 m2 đầu tư theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 160 triệu đồng/nhà lưới, còn dân đóng góp, sử dụng sản xuất.
Tại Hợp tác xã (HTX) Minh Tâm (xã Việt Tiến) chuyên sản xuất dưa leo, ớt ngọt trong nhà lưới ứng dụng công nghệ VietGAP, tưới tự động. Phó Giám đốc HTX Minh Tâm Giáp Thị Thạo cho biết, bước đầu HTX có bảy thành viên, chưa quy hoạch được vùng liền thửa nên HTX thuê ruộng của các hộ liền kề trong 5 năm. Mỗi vụ trả cho mỗi hộ hai tạ thóc/sào.
Hiện tại, HTX đã có vùng sản xuất 5ha bao gồm 50 nhà lưới, mỗi nhà lưới xây dựng hơn 400 triệu đồng, huyện hỗ trợ 160 triệu đồng/nhà lưới. Số nhà lưới được giao cho chủ có ruộng cho thuê làm, nếu hộ có ruộng không làm, HTX giao cho các hộ khó khăn sản xuất. Theo tính toán sơ bộ, vụ đầu tiên HTX sản xuất dưa leo, ớt ngọt xuất khẩu, mỗi héc-ta cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Bà Giáp Thị Thạo cho biết thêm: Sản xuất rau củ quả trong nhà lưới công nghệ cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cho nhà máyhiệu quả rất cao. HTX đã quy hoạch 50ha, nhưng do chưa có nhà sơ chế, chưa đăng ký thương hiệu sản phẩm cho nên chưa có tem nhãn. HTX chưa có nơi xây kho lạnh và nơi làm việc, vì vậy, chưa dám mở rộng quy mô sản xuất. Người dân mong muốn huyện tạo điều kiện để HTX phát triển trở thành công ty sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương.
Đường vào xã Tiên Sơn (Việt Yên).
Ngoài vùng cây ăn quả, Việt Yên còn có vùng rau xanh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 1.000ha ở ba xã: Hoàng Ninh, Quảng Minh, Hồng Thái. Vùng trồng hoa cây dược liệu ở Minh Ðức. Việc đổi mới mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ sạch, theo chuỗi từ sản xuất, tiêu thụ, Việt Yên đã đưa giá trị thu nhập đạt bình quân 131 triệu đồng/ha, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,46%.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Lê Ô Pích cho biết: Dù tất cả số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9 tiêu chí huyện nông thôn mới được Việt Yên hoàn thành, nhưng đấy mới là bước đi cơ bản, làm cơ sở để huyện xây dựng đề án nâng các tiêu chí nông thôn mới lên một tầm cao mới, từ xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi thủy sản, mở rộng dịch vụ du lịch, đến kết nối giữa sản xuất với người tiêu dùng, để nông thôn mới phải thật sự đổi mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.