10 năm sống với khói bụi xi măng

Phương Lâm Thứ sáu, ngày 11/07/2014 11:00 AM (GMT+7)
Gần chục năm nay, hàng chục hộ dân ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình quá khổ sở vì phải sống chung với khói bụi và tiếng ồn từ 2 Nhà máy Xi măng Áng Sơn 1 (thuộc Công ty CP Cosevco 6) và Áng Sơn 2 (Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân). 
Bình luận 0

Dân kêu trời…

Ngay khi rơi vào tình trạng ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn từ 2 nhà máy xi măng nêu trên, người dân ở thôn Áng Sơn mang đơn gõ cửa nhiều cơ quan công quyền tại Quảng Bình và có mặt tại hầu hết các hội nghị tiếp xúc cử tri để phản ánh. Theo mô tả của người dân, ban đêm nhà máy xả khói, bụi phủ kín một vùng. Xe tải trọng lớn chở clanh-ke chạy liên tục ngày đêm, vi phạm cam kết giữa nhà máy với người dân...

Theo quan sát của chúng tôi tại thôn Áng Sơn thì nhà dân chỉ cách ống khói nhà máy xi-măng khoảng 20m. Cả thôn bị bao trùm bởi khói bụi mù trời. Tiếng ồn từ máy xay đá của nhà máy phát ra đinh tai, nhức óc. Sát nách nhà máy là ngôi nhà vợ chồng anh Trần Trí Dũng và chị Hồ Thị Thủy, suốt ngày cửa đóng im ỉm, chỉ mở một lối đi nhỏ phía cuối hiên nhà. Anh Dũng bức xúc: "Tôi ở đây từ trước năm 2000, nhưng từ năm 2012, nhà máy xi măng đi vào sản xuất thì bị bụi, khói, nhất là tiếng ồn bủa vây suốt ngày đêm. Người lớn đã đành nhưng thương mấy đứa trẻ, ngày ngày sống chung với bụi, tiếng ồn, đến mức không học bài nổi dù nhà cửa đã đóng kín”.

Phía trước nhà anh Dũng là nhà ông Ðỗ Bá Lực nằm ngay cạnh ống khói Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2. Khó có thể diễn tả hết mức độ tiếng ồn tại đây. Ông Lực nói: "Gia đình tôi làm nghề nông, nhưng không thể phơi lúa, khoai giữa sân được vì bụi xi măng. Kể cả mang đi bán cũng không ai mua vì họ sợ gạo bị bụi xi măng ăn vào mắc bệnh".

… nhưng chưa thấu

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, trong bán kính 1km xung quanh 2 nhà máy xi măng này có 65 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ ảnh hưởng nặng và khu vực chịu ô nhiễm nặng nề nhất là 7 hộ dân ở xóm Lèn, thôn Áng Sơn. “Việc di dời, bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng ô nhiễm là cần thiết và cấp bách, chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do chưa thống nhất được phương án và thiếu kinh phí hỗ trợ di dời” – ông Thể nói.

Theo ông Thể, phương án được đưa ra là Nhà nước hỗ trợ di chuyển nhà cửa ra khỏi khu vực bị ô nhiễm và bố trí đất tái định cư, các hộ tiếp tục sản xuất trên đất cũ. Qua lấy ý kiến của nhân dân thì 13/20 hộ dân đồng tình với phương án này, song có 7 hộ xóm Lèn yêu cầu Nhà nước đền bù cho họ di chuyển hoàn toàn ra khỏi vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không sử dụng đất đó để sản xuất. Với phương án trên, dự kiến cần số tiền 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đó là số tiền quá lớn, chưa thể thu xếp được nguồn vốn. Thế nên vấn đề di dời người dân thôn Áng Sơn ra khỏi vùng ô nhiễm đã được các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình xem xét từ 7 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, dù đã có nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo…

Người dân vùng ô nhiễm ở thôn Áng Sơn hiện vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình kêu cứu. Và khi bức xúc đã lên đến đỉnh điểm, người dân đã dùng vật cản chặn đường vào Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2. Rất mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm để người dân ổn định cuộc sống.

Quá bức xúc, người dân đã mang đơn “kêu cứu” tại nhiều cơ quan công quyền, thậm chí dùng đá, cây cối, vật cản chặn đường vào nhà máy nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem