Góc nhìn pháp lý vụ hành hung 6 người ở bến xe Giáp Bát
Góc nhìn pháp lý vụ hành hung 6 người ở bến xe Giáp Bát
T. Nam - K. Trinh
Thứ bảy, ngày 17/08/2024 17:46 PM (GMT+7)
Theo luật sư, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, đối tượng có hành vi manh động, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương nên phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc.
Như Báo điện tử Dân Việt đã đưa tin, chiều 16/8, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết Cơ quan CSĐT đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự Nguyễn Ngọc Tuấn (36 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích do đã đánh, đâm bị thương 6 người tại bến xe Giáp Bát.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h30 ngày 11/8, Tuấn phát sinh mâu thuẫn sau khi có va chạm giao thông với ông N.V.T. Sau đó, Tuấn đánh ông T. bị thương.
Sau đó, ông T. gọi vợ đến đón. Sáu người gồm vợ, em vợ, em rể, con trai, con rể và con gái ông T. đã đến để nói chuyện với Tuấn.
Lúc này, Tuấn tiếp tục đấm con gái, con trai ông T. Khi con rể ông T. lao vào, Tuấn lấy một con dao ở ki ốt gần đó chém vào gáy người đàn ông này. Khi định lên ô tô rời đi, Tuấn bị người nhà ông T. giữ.
Thấy vậy, Tuấn tiếp tục lấy một tua vít từ ô tô đâm 3 người nhà ông T. khiến các nạn nhân bị thương.
Đến khi mẹ ruột của Tuấn can ngăn, đối tượng mới dừng lại, rồi ném tang vật sang bên kia đường Giải Phóng và điều khiển ô tô bỏ đi. Những ngày sau đó, dù bị cơ quan công an triệu tập, Tuấn không chấp hành mà bỏ trốn.
Ngày 16/8, Công an quận Hoàng Mai đã bắt giữ được đối tượng và tiến hành tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Lực lượng chức năng cho biết Tuấn từng có 3 tiền sự.
Liên quan đến vụ việc nói trên, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình- Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, dưới góc độ pháp lý hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật về dân sự.
Hành vi cố ý gây thương tích là một tội độc lập thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi nên người phạm tội sẽ phải đối mặt với hình phạt tương ứng.
Về xử lý vi phạm hành chính, luật sư Bình cho biết, theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh.
Nếu hành vi của đối tượng Tuấn có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và các nạn nhân được cơ quan chức năng xác định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể mà xử lý theo Điều 123 hoặc Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội giết người như sau: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai;Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn;
Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."
Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể như sau: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên; Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;Phạm tội 02 lần trở lên; Phạm tội đối với 02 người trở lên; Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê; Có tính chất côn đồ; Tái phạm nguy hiểm; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Theo luật sư Bình, trong vụ án này thì đối tượng có thể bị áp dụng một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo các điểm g, h, i khoản 1 và khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự, gồm: Phạm tội 02 lần trở lên; tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Nếu quá trình xác minh, trường hợp các nạn nhân là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên thì có thể được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu các tình tiết này là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Luật sư Bình thông tin thêm trong xã hội hiện nay, việc nhiều người giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực đã không còn xa lạ và có xu hướng tăng mạnh.
Việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích, mà hậu quả nặng nề nhất là có thể dẫn đến tước đoạt đi mạng sống của người khác. Điều này có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân và gây xôn xao dư luận, mất trật tự an toàn xã hội.
Xét về mặt đạo đức, việc giải quyết mâu thuẫn bằng con đường bạo lực là hành động không sáng suốt, mang tính cực đoan, không đúng với nguyên tắc làm người và đáng bị xã hội lên án.
Từ vụ việc này, mọi người cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp và có lời nói, hành vi, ứng xử phù hợp theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.