Giấc ngủ của trẻ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, khi được ngủ đủ và các giấc ngủ của trẻ đảm bảo chất lượng, trẻ sẽ chơi vui hơn, ăn tốt hơn và phát triển tốt hơn. Vì thế, hãy cùng xem bạn hay mắc những lỗi nào dưới đây khi chăm sóc giấc ngủ cho con và điều chỉnh càng sớm càng tốt nhé!
1. Bỏ qua những thói quen cần có trước đi ngủ
Cũng giống như người lớn, các em bé cũng cần phải có khoảng thời gian thư giãn trước khi đi ngủ. Bé sẽ không thể đi vào giấc ngủ một cách êm ái khi vừa ăn no xong hoặc vừa đùa nghịch rất vui vẻ thì bị bắt đi ngủ. Những thói quen trước khi đi ngủ không chỉ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn, nhận thức được việc sắp đến giờ đi ngủ mà còn có vai trò gắn kết giữa bạn và bé.
Một tiếng trước khi bạn muốn bé đi ngủ, hãy bắt đầu những thói quen như bế bé vào giường hoặc cũi, kéo rèm, bật đèn ngủ, đọc truyện hoặc hát ru cho bé nghe. Bạn cũng có thể tắm hoặc lau người cho bé bằng nước ấm, thay bỉm và quần áo sạch để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Với những cách đơn giản như thế này sẽ làm bé đi vào giấc ngủ nhanh chóng, dường như nhiệm vụ của các mẹ đã trở nên vô cùng dễ dàng rồi!
Ảnh minh họa.
2. Bỏ qua những dấu hiệu buồn ngủ của bé
Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường “phát ra” những tín hiệu thể hiện việc bé buồn ngủ như ngáp, dụi mắt, hoạt động chậm lại, rên rỉ, nhặng xị và mất hứng thú với việc vui chơi. Tuy nhiên, bạn thường bỏ qua các dấu hiệu đó và không cho bé ngủ theo nhu cầu, khiến cơ thế bé tự “sản xuất” hóc môn gây stress làm bé khó ngủ, thay vì melatonin – chất làm dịu giúp bé thư giãn.
Vì vậy bạn cần để ý đến những dấu hiệu buồn ngủ của bé và cho bé đi ngủ ngay khi thấy các biểu hiện trên. Trong trường hợp bé còn mải chơi nhưng đã đến giờ đi ngủ, bạn nên bế trẻ vào phòng ngủ yên tĩnh, chỉ bật đèn ngủ và cho bé hoạt động nhẹ nhàng, khi cơn buồn ngủ kéo tới, bạn hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm trong cũi hoặc trên giường.
3. Làm mọi cách để cho bé ngủ lại
3 giờ sáng và bạn hoàn toàn kiệt sức nhưng vẫn phải cố gắng bế dạo, hát ru, xoa lưng, đu đưa,…Trẻ sơ sinh thường không ngủ thẳng giấc, cứ khoảng 2 đến 3 tiếng bé lại thức, và mỗi lần như vậy, bạn sẽ phải thực hiện một chuỗi các hành động trên để bé ngủ lại từ đầu. Lâu ngày, bạn sẽ vô tình tạo thói quen cho trẻ phụ thuộc vào người khác mới ngủ được. Khi bé được 6 đến 8 tuần tuổi, bé đã có sự cứng cáp nhất định, bạn nên yên tâm để bé tập ngủ lại một cách tự nhiên mà không cần hỗ trợ.
4. Chuyển từ cũi sang giường lớn quá sớm
Các chuyên gia nhận định đây là một sai lầm kinh điển của bậc cha mẹ! Và khuyến cáo rằng bố mẹ của bé đừng nên vội vã thay đổi “địa bàn” cho đến lúc bé có thể tự trèo ra khỏi cũi một mình, lúc đó bé rất dễ gặp nguy hiểm và cần chuyển về giường lớn để đảm bảo an toàn.
Như vậy, bạn nên cho bé ngủ ở cũi đến khi bé được 2 tuổi, bé sẽ dễ dàng làm quen với không gian mới hơn và không bị khó ngủ. Để giúp bé dần “thân thiết” với chỗ ngủ mới, bạn nên tháo bớt một bên rào của cũi, đặt cũi bên cạnh giường với độ cao tương đương, lưu ý rào quanh giường để bé không bị ngã xuống đất.
5. Đặt bé ngủ tuỳ tiện mọi lúc mọi nơi
Việc cho bé ngủ trong xe đẩy, ghế ô tô hay ghế salon hẳn là rất đơn giản với các bậc phụ huynh nhưng giấc ngủ như vậy lại không giúp bé ngủ sâu và thoải mái, hơn thế nữa những giấc ngủ đó lại làm bé mệt mỏi và cáu gắt nhiều hơn bình thường.
Trừ những giấc ngủ ngắn trong điều kiện hạn chế, còn lại bạn nên tạo cho bé thói quen ngủ lành mạnh. Cho bé ngủ ở đúng nơi, đúng không gian quen thuộc để giấc ngủ của bé được đảm bảo chất lượng.
6. Không theo bất kì một lịch ngủ cụ thể nào!
Tính nhất quán chính là chìa khóa để đảm báo giấc ngủ của bé đạt cả về lượng và chất. Ngủ đúng và đủ giờ còn giúp điều tiết hóc-môn theo đúng chu kỳ, đảm bảo sức khoẻ em bé.
Nếu đồng hồ sinh học của bé bị thay đổi lộn xộn thì điều này cũng giống như việc bạn phải thay đổi múi giờ liên tục vậy, vì thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ của bé, đồng thời tác động trực tiếp đến bạn khiến bạn mệt mỏi hơn và không thể tranh thủ chợp mắt được lúc nào.
Giấc ngủ của trẻ sẽ trở nên ngon lành và chất lượng hơn nếu bố mẹ có một lịch ngủ phù hợp với lịch sinh hoạt một ngày của bé. (Ảnh minh họa)
7. Cho bé đi ngủ muộn
Nghe có vẻ là một ý tưởng hay, khi bé chưa muốn ngủ, bạn thường để bé thức khuya với hi vọng hôm sau bé sẽ ngủ bù, nhưng nếu bé vẫn không muốn ngủ đến tận trưa ngày hôm sau? Thật không may, ý tưởng của bạn chỉ đúng với trẻ từ 13 tuổi trở lên!
Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ 10 đến 11 tiếng mỗi đêm, bên cạnh đó đồng hồ sinh học của các bé được vận hành theo đúng chu trình, nên dù bạn cho bé ngủ vào giờ nào thì bé vẫn sẽ thức giấc vào sáng hôm sau. Do đó việc cho bé thức khuya sẽ chỉ làm bé dễ cáu gắt, mệt mỏi vào ngày hôm sau mà thôi.
8. Để mặc bé khóc đêm
Nửa đêm khi bé tỉnh giấc và khóc hờn, nhiều phụ huynh để bé khóc cho đến khi mệt thì sẽ lăn ra ngủ. Tuy nhiên chỉ chưa đầy chục phút sau, bạn đã ra vỗ về, bồng bế và nựng bé, càng lâu ngày bé sẽ dần hình thành thói quen chỉ nín khi được dỗ mỗi lần khóc đêm, điều này chắc chắn sẽ làm cho vợ chồng bạn mệt mỏi hơn.
Thay vì để mặc cho bé khóc, vợ chồng bạn nên thay phiên nhau trông bé lúc bé thức giấc và không để bé khóc thành quen.
9. Bố mẹ mỗi người một ý kiến
Bố mẹ bé cần đưa ra những chiến thuật cụ thể để làm dịu những cơn hờn dỗi của bé và vợ chồng bạn vẫn có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.
Một điều quan trọng nữa là các bậc phụ huynh cần thống nhất về lịch ngủ nghỉ và thay phiên nhau “mỗi người mỗi việc” để đảm bảo cho bé ngủ đúng giờ, đủ giấc và ngủ chất lượng.
10. Từ bỏ quá sớm
Không bao giờ là quá muộn để thay đổi thói quen ngủ chưa hợp lý của bé và bạn cần phải kiên nhẫn. Mong đợi đạt được kết quả nhanh chóng khi cố gắng thay đổi một thói quen mà bạn đã tạo ra cho con mình trong thời gian dài là điều không thực tế.
Các bố mẹ cần dành ra 2-3 tuần để huấn luyện bé, giúp bé có thể quen dần với lịch sinh hoạt mới. Sau cùng, những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp, bé sẽ ngủ ngoan và vợ chồng bạn cũng có thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
(Nguồn: Parents)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.