10 thành tựu, hoạt động nổi bật nhất của ngành Giáo dục năm 2024

Tào Nga Thứ sáu, ngày 27/12/2024 16:33 PM (GMT+7)
Năm 2024, ngành Giáo dục nổi bật với 10 thành tựu, hoạt động nổi bật, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT, chuyển đổi số và nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng thế giới.
Bình luận 0

1. Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo

Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, năm 2024 đánh dấu một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo đất nước, đó là việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 10/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp 20/11. Ảnh: Bộ GDĐT

Cùng với đó, năm 2024 cũng nổi bật với sự kiện lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, động viên, chúc mừng nhà giáo nhân dịp 20/11.

Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo".

2. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 21 Nhà giáo nhân dân, 1.167 Nhà giáo ưu tú năm 2024

Năm 2024 là năm đầu tiên việc thực hiện xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú được thực hiện theo Nghị định mới của Chính phủ (Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024) quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Bộ GDĐT

So với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, Nghị định mới quy định rõ hơn cách tính thời gian, nhóm đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng; dành sự quan tâm tới nhóm đối tượng đặc thù; bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo; cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình xét tặng.

3. Phát triển lực lượng nhà giáo

Ngày 9/11/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển lực lượng nhà giáo.

Sự kiện Đại hội lần thứ V của Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2024. Lực lượng nhà giáo đang công tác trong ngành Giáo dục hiện có gần 1,6 triệu người. Bên cạnh sự đóng góp của lực lượng đang công tác, kết quả của đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn vừa qua còn có sự đóng góp của lực lượng gần 1 triệu cựu giáo chức trong cả nước.

4. Hoàn thành chu trình đầu tiên của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước

Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt.

Thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn ghi dấu bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình 2006 được tổ chức thành công và công tác chuẩn bị khẩn trương, tích cực, chất lượng cho kỳ thi đổi mới từ năm 2025. Cùng với đó, những chuẩn bị cho đổi mới tuyển sinh phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng đã được Bộ GDĐT triển khai trong năm 2024 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành.

5. Chuyển đổi số trong giáo dục tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng

Năm 2024 tiếp tục là một năm ngành Giáo dục dành sự quan tâm cho công tác chuyển đổi số và đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ngành Giáo dục đã triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, đến nay, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, quản trị trường học làm căn cứ cho việc triển khai đại trà trong thời gian tới. Cũng trong năm 2024, nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tập huấn về đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học đã được tổ chức.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, Bộ GDĐT đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6. Gia tăng thứ hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam trong khu vực và thế giới

Tiếp nối thành tích của những năm trước, năm 2024, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học khu vực châu Á và quốc tế tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng. Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) về xếp hạng đại học thế giới "QS World University Rankings: Sustainability 2025" cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Đặc biệt ở lần xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thăng tiến mạnh về vị trí khi được xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781 - 790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 - Ảnh 3.

4/4 học sinh giành huy chương, Việt Nam đứng thứ 2 tại Olympic Hóa học quốc tế. Ảnh: Bộ GDĐT

7. Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tích cực tại các cuộc thi quốc tế

Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc so với năm 2023.

Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó. Năm 2024, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ cũng đã giành 1 giải Nhì - đây là giải cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.

8. Chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ

Đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh khu vực Bắc bộ nước ta. Ngành Giáo dục cũng gánh chịu ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn.

Trước, trong và sau cơn bão, Bộ GDĐT đã có những chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả đồng bộ, kịp thời. Trong bối cảnh khó khăn, thiệt hại, toàn ngành Giáo dục đã chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm nhất ổn định việc dạy và học. Ngành Giáo dục cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước.

9. Tổ chức thành công những sự kiện thể thao học đường lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế

Năm 2024, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 với chủ đề "Kết nối cùng tỏa sáng". Đại hội quy tụ 1.300 vận động viên học sinh, huấn luyện viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực.

Cũng trong năm 2024, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X đã được tổ chức thành công. Trải qua hơn 40 năm với 10 lần tổ chức đại hội, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024 là kỳ đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước tới nay, với hơn 20.000 vận động viên học sinh và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở 15 môn thể thao.

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 - Ảnh 4.

Bộ GDĐT tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2024 với Chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Ảnh: Bộ GDĐT

10. Thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời

Năm 2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".

Cho tới nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Đây là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực của các thành phố trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân ở địa phương. Đồng thời, thể hiện những bước triển khai cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Bộ GDĐT đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem