Bê bối thi hộ IELTS "rúng động" Indonesia

Trọng Hà (Theo NetEase) Thứ bảy, ngày 28/12/2024 13:00 PM (GMT+7)
Trước thực trạng gian lận gia tăng, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đã điều chỉnh chính sách tuyển sinh, đặc biệt đối với các yêu cầu liên quan đến chứng chỉ IELTS.
Bình luận 0

Phí thi hộ lên đến hàng chục triệu đồng

Tháng 11/2024, một vụ bê bối lớn liên quan đến kỳ thi IELTS đã làm dậy sóng dư luận quốc tế. Tại thành phố Surabaya (Indonesia), một nữ sinh người Trung Quốc, 23 tuổi, được xác định là YW, đã bị bắt vì sử dụng hộ chiếu giả để thi hộ cho người khác. Sự việc này không chỉ phơi bày một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ gian lận mà còn đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong tiêu chuẩn học thuật quốc tế.

Theo báo cáo từ NetEase, YW bị bắt giữ sau khi nhân viên tại trung tâm thi IELTS nhận được tin báo từ một nguồn ẩn danh. Tổ chức gian lận đứng sau vụ việc thu phí lên đến 30 triệu rupiah (khoảng 47 triệu đồng) cho mỗi khách hàng. Với sự hỗ trợ của công nghệ và các mạng lưới xuyên quốc gia, gian lận thi cử ngày càng trở nên tinh vi, đẩy các đơn vị tổ chức thi vào tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Bê bối thi hộ IELTS "rúng động" Indonesia - Ảnh 1.

Trước thực trạng gian lận gia tăng, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đã điều chỉnh chính sách tuyển sinh, đặc biệt đối với các yêu cầu liên quan đến chứng chỉ IELTS. Ảnh minh họa: CN daily.

Vụ việc này không chỉ là một sự kiện đơn lẻ mà là biểu hiện của vấn đề rộng lớn hơn đang làm suy yếu uy tín của các kỳ thi tiêu chuẩn hóa như IELTS. Đây vốn là công cụ quan trọng quyết định cơ hội tiếp cận giáo dục quốc tế và nghề nghiệp của nhiều người.

Các trường đại học siết chặt yêu cầu chứng chỉ

Trước thực trạng gian lận gia tăng, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đã điều chỉnh chính sách tuyển sinh, đặc biệt đối với các yêu cầu liên quan đến chứng chỉ IELTS.

Đại học Melbourne (Australia) đã nâng mức điểm yêu cầu từ tổng 6.5 lên 7.0, đồng thời yêu cầu không kỹ năng nào dưới 6.5. Tương tự, Đại học Hồng Kông cũng tăng mức điểm tối thiểu từ 6.5 lên 7.0 cho chương trình Thạc sĩ Luật Phổ thông. Trong khi đó, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) duy trì mức điểm IELTS tối thiểu 7.5, và một số ngành học đặc biệt yêu cầu tới 8.5.

Một số trường như Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã khôi phục yêu cầu điểm tối thiểu từ 6.0 lên 6.5 và bổ sung tiêu chí cụ thể cho từng kỹ năng. Đồng thời, các trường này bắt đầu hạn chế chấp nhận chứng chỉ IELTS từ các trung tâm ở những khu vực có nguy cơ gian lận cao.

Những thay đổi này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn học thuật nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức cho sinh viên. Đạt điểm số gần tuyệt đối 8.5/9.0 trong kỳ thi IELTS là điều không dễ dàng, đặc biệt với những người đến từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Ngay cả các ứng viên từ các trường đại học danh tiếng như Đại học Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao này.

Một số trường đại học đang nghiên cứu các giải pháp thay thế, chẳng hạn như bài kiểm tra ngôn ngữ nội bộ hoặc hợp tác với các tổ chức giảng dạy ngôn ngữ uy tín. Thông điệp gửi đến sinh viên ngày càng rõ ràng: chỉ dựa vào điểm IELTS cao để vào được các trường đại học danh tiếng không còn là con đường duy nhất.

Các cơ sở giáo dục hiện nay đang chú trọng nhiều hơn đến những minh chứng thực tế về khả năng học thuật và sự cam kết nghiêm túc của sinh viên trong quá trình học tập. Những thay đổi này không chỉ là bước đi cần thiết để bảo vệ uy tín học thuật mà còn mở ra các hướng tiếp cận mới công bằng và minh bạch hơn trong hệ thống giáo dục toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem