Máy lọc nước thải thành nước sạch
Zero Liquit Discharge (ZLD) là máy có khả năng lọc nước thải toilet trên các tàu biển và máy bay bằng cách chưng cất ở nhiệt độ cao rồi cuối cùng cho ra một lượng nước sạch có thể sử dụng được ngay. Máy ZLD do nhà phát minh Namon Nassef sáng chế, đã được Hiệp hội Khoa học công nghệ Mỹ cấp bằng và bảo hộ.
Đột phá về tế bào gốc
Tháng 10.2011, các nhà khoa học ở New York (Mỹ) tuyên bố đã thành công trong việc tạo ra được tế bào gốc bằng kỹ thuật sinh sản vô tính (giống như tạo ra cừu Dolly năm 1996). Cùng năm, tiến sĩ Lachlan Thompson, Trường Đại học Melbourne (Australia) cũng công bố đã phân biệt được 2 loại tế bào gốc: Một giúp chữa bệnh và một có hại. Thành tựu này sẽ đóng góp lớn vào việc điều trị các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, liệt rung.
Khử phóng xạ khỏi nước và đất
Để ngăn chặn sự rò rỉ, gây ô nhiễm phóng xạ xung quanh Nhà máy Điện nguyên tử Fukushima số I, do thảm họa động đất gây sóng thần tại Nhật Bản tháng 3.2011, các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng các vi khuẩn "ăn" chất phóng xạ. Loại vi khuẩn này có thể mở đường cho một phương pháp hiệu quả để xử lý các tai nạn hạt nhân trong tương lai.
Hạt Neutrino nhanh hơn ánh sáng
Lý thuyết của nhà bác học thiên tài Einstein về "ánh sáng có vận tốc cao nhất từng được biết đến" hiện đang bị thử thách, sau khi vào tháng 9.2011, các nhà vật lý của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) ở Geneva, Thụy Sĩ và Viện Vật lý Nguyên tử Italia (INFN) đã làm thí nghiệm chứng minh vận tốc các luồng hạt Neutrino lớn hơn tốc độ ánh sáng.
Thay đổi hiểu biết về vũ trụ
Hai nhà khoa học người Mỹ là Saul Perlmutter, Adam Riess và nhà khoa học người Australia gốc Mỹ Brian Schmidt đã giành Giải Nobel Vật lý năm 2011 nhờ công trình nghiên cứu về sự dãn nở của vũ trụ, đã phát hiện ra rằng hệ thống các thiên hà đang dãn nở với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Và họ cũng khám phá ra một loại "năng lượng tối" làm đẩy nhanh quá trình mở rộng của vũ trụ.
|
Nhà khoa học Mỹ Perlmutter làm thay đổi hiểu biết về vũ trụ. |
Tìm thấy sự sống ở hành tinh khác
Sử dụng kính viễn vọng không gian Kepler, các nhà thiên văn học đã khám phá ra một hành tinh thuộc hệ Mặt trời, có những điểm tương đồng với Trái đất, được đặt tên là Kepler 22b, có kích thước gấp khoảng 2,4 lần kích thước Trái đất và cách chúng ta 600 năm ánh sáng, với nhiệt độ bề mặt ước tính khoảng 220C và 1 năm ở đó kéo dài 290 ngày. Quan trọng hơn hết là hành tinh này có thể chứa nước - thành phần quyết định sự sống.
Graphene - siêu vật liệu thế kỷ 21
Năm 2011, Bộ Tài chính Anh đã đầu tư nhiều triệu bảng nhằm hỗ trợ 2 nhà khoa học giành Giải Nobel Vật lý năm 2010 là Konstantin Novoselov và Andre Geim tiếp tục nghiên cứu về siêu vật liệu Graphene. Loại vật liệu này sẽ được ứng dụng vào công nghệ hiển thị và có thể thay thế các loại màn hình cảm ứng hiện nay với giá rẻ hơn và lại có độ bền cao hơn.
Tay giả Stark Hand
Được sáng tạo bởi nhà sáng chế kỹ thuật Mark Stark, chiếc tay giả Stark Hand là một liệu pháp y học được áp dụng công nghệ cao, thay thế cho những cánh tay giả vô cảm làm từ nhựa hay silicon mà người khuyết tật cụt tay vốn vẫn dùng từ trước đến nay. Chiếc tay giả này có thể thực hiện nhiều cử động linh hoạt và phức tạp như bắt bóng hay cầm một ly rượu thủy tinh mỏng.
Pin cung cấp năng lượng và làm sạch nước
Các nhà khoa học Trung Quốc đã chế tạo một loại pin nhiên liệu đặc biệt làm sạch nước và cung cấp năng lượng. Thế hệ pin này hiện mới chỉ ở dạng nguyên mẫu, hy vọng khi đã hoàn thiện, sẽ rất có ích trong thời đại năng lượng thay thế cũng như việc làm sạch nước hiện đang có nhu cầu cao.
Phát hiện về đệm lượng tử
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tel Aviv (Israel) đã thành công trong việc thử nghiệm cho một vật bay lơ lửng trong không khí, bằng cách dùng kỹ thuật gọi là "đệm lượng tử" (quantum levitation). Trong tương lai, khám phá mới này sẽ giúp hoàn thiện các công nghệ đệm từ trường ứng dụng trong ngành đường sắt, giúp tàu chạy êm ái hơn trong khi lại giảm thiểu được rủi ro và tai nạn.
Linh An (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.