Bệnh tật của người dân gia tăng
Theo đánh giá mới đây của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau 2 đợt làm việc với 2 tỉnh có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước là Bắc Ninh và Hà Nội cho thấy, nồng độ khí độc hại trong môi trường đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần; nồng độ bụi, benzen, SO2… đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam từ 1,3-1,8 lần.
|
Tình trạng thu mua, tái chế túi nylon ở xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. |
Đặc biệt, các làng nghề chế biến giấy như ở Phong Khê (Bắc Ninh) chứa đựng tất cả các yếu tố nguy hại như tiếng ồn, bụi bông, bụi giấy, hóa chất nhuộm, nước thải chứa javen và các chất độc hại khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Đánh giá của Đoàn giám sát còn cho thấy, ô nhiễm ở các làng nghề chế biến giấy chủ yếu từ nước thải ở công đoạn ngâm tẩm, nấu và nghiền nguyên liệu cũng như công đoạn xeo giấy. Chỉ tính riêng 2 làng nghề Dương Ô (Bắc Ninh) và Phúc Lâm (Bắc Giang) mỗi ngày thải vào nguồn nước mặt khoảng từ 1.450-3.000kg COD và 3.000kg bột giấy…
Ở những làng nghề chế biến nông sản như rượu Vân Hà, bún Đa Mai, làng mì Dĩnh Kế (Bắc Giang), sau quá trình sản xuất, nước thải không qua xử lý đổ thẳng ra hệ thống ao, hồ. Thực tế ở làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), 100% số lượng quan trắc đều xác định có ít nhất 1 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-14 lần.
Còn theo TS Nguyễn Mạnh Dũng (Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối), kết quả điều tra y tế tại các làng nghề cho thấy, tỷ lệ lao động mắc bệnh nghề nghiệp ở các làng nghề Dương Liễu, (Hà Nội), bún bánh Vũ Hội (Thái Bình) là 70%, làng rượu Tân Độ (Thái Bình), làng bún bánh Yên Ninh (Ninh Bình) là 10%...
Phát triển thiếu bền vững
Trong 5 năm (2006-2010), Bộ NNPTNT đã phối hợp với các cơ quan hữu quan về môi trường để tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại 52 làng nghề, tập trung vào 7 loại hình làng nghề đặc trưng như: Chế biến lương thực, thực phẩm; vật liệu xây dựng; dệt nhuộm; tái chế giấy; tái chế kim loại.
Kết quả cho thấy có 24 làng nghề ô nhiễm nặng (46,2%), 14 làng nghề ô nhiễm vừa (26,9%) và 14 làng nghề ô nhiễm nhẹ (26,9%). Nhiều làng nghề như sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội), giày Hoàng Diệu, Gia Lộc (Hải Dương), đồ gỗ và sơn mài mỹ nghệ ở Đồng Nai… đã có đội ngũ chuyên thu gom rác thải, nhưng với phương tiện còn thô sơ nên chưa giải quyết được dứt điểm những bức xúc về việc tràn lan chất thải ở các khu vực dân cư.
Tăng cường quản lý tài nguyên nước
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan và các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ điều tra, đánh giá mức độ nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường nguồn nước ngầm, đề xuất các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt chú trọng công tác cấp giấy phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên nước dưới đất. (Việt Linh)
Theo TS Dũng, phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc là chủ trương, quan điểm rõ ràng, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề còn nhiều hạn chế.
"Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề chưa thực sự đồng bộ, đầy đủ rõ ràng, trong đó đặc biệt là phân cấp từ trung ương đến địa phương cũng như phân công trách nhiệm cho từng đối tượng"- TS Dũng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Đinh Vũ Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ NNPTNT) cho rằng, phát triển bền vững là vấn đề đa mục tiêu, cần có cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành, liên vùng trong quá trình thực hiện để đạt chuỗi mục tiêu: Lợi ích kinh tế- an sinh xã hội - an toàn môi trường.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.