1001 cách làm ăn : Trồng ba kích hết sợ ế

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com Thứ sáu, ngày 15/08/2014 06:28 AM (GMT+7)
Ba kích là một loại cây dây leo, sống lâu năm ở một số tỉnh trung du phía Bắc (như Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang...). 
Bình luận 0

Cây ba kích thường mọc ở ven rừng, ở các bãi hoang có cây bụi. Tuy thân nằm dưới bóng cây, nơi ẩm thấp nhưng cành lá lại luôn leo lên cao, vươn tới chỗ nhiều sáng.

Loài cây này phân nhánh mạnh và vươn tán lên cao. Ba kích sinh trưởng tốt ở những nơi nhiều mùn, đất tơi xốp và hơi chua.

Tuy nó là cây hoang dại nhưng chúng ta rất ít gặp các cây ba kích con được mọc lên từ hạt của nó.

Trong lúc nhu cầu về ba kích quá lớn mà việc thu hái trong tự nhiên lại giảm dần nên chúng ta phải tổ chức trồng. Ba kích không lo ế! Xuất khẩu cũng rất tốt. Vì vậy, nơi nào đủ điều kiện rất nên trồng ba kích.

Bộ phận của cây được dùng làm thuốc là rễ. Ta có thể thu rễ ba kích quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa rét. Rễ thu về được rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô.

Người ta còn gọi cây ba kích là cây ruột gà vì sản phẩm của nó giống như ruột gà. Giá trị của ba kích được xác định là một loại thuốc bổ có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp. Còn bà con ta thì cho rằng, ba kích là vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng chữa các bệnh liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh và chữa cho phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Người ta còn dùng ba kích để chữa bệnh cao huyết áp và tăng cường cho người già chân yếu, tay mềm... Nếu ai có được một vườn cây ba kích thì đó sẽ là một nguồn thu không nhỏ.

Ba kích được nhân giống bằng hạt hoặc nhân bằng giâm hom.

Ta chọn những cây từ 3 tuổi trở lên để thu quả. Quả chín từ tháng 7-12. Nó có hình tròn và khi chín thì có màu đỏ tươi.

Quả thu về ta phải ủ ngay trong bao tải trong vài ngày để cho nó chín nẫu. Sau đó, đưa nó ra chà xát và rửa sạch lớp thịt quả để lấy riêng hạt ra. Ta phơi hạt trong râm cho ráo nước rồi đem gieo ngay. Ta gieo hạt vào túi bầu nhỏ (có đường kính 5-7cm và chiều cao 12-15cm). Thành phần ruột bầu nên là 78% đất tơi nhỏ, 20% phân chuồng hoai mục và 2% là phân lân. Ta xếp túi bầu thành luống, cắm ràng để che nắng và tưới ẩm thường xuyên.

Để tạo được cây giống, ta phải nuôi cây con trong vườn ươm ít ra cũng 6-7 tháng. Cây con xuất vườn phải đạt chiều cao 20-25cm.

Cách thứ 2 là nhân giống bằng hom. Ta lấy hom ở những cây đã 3 năm tuổi trở lên. Chỉ lấy ở phần bánh tẻ, tránh lấy ở những ngọn non.

Ta cắt thành từng đoạn từ 25-35cm (có từ 1-3 lóng và có 2-4 mắt). Ta bỏ hết lá và đem giâm ngay. Nên giâm khi trời mát (vào vụ thu hoặc vụ xuân). Ta xếp hom nghiêng 45o và các hom cách nhau 5cm. Che phên cho mát và tưới ẩm thường xuyên. Khi chồi thứ cấp đạt độ cao 20-25cm và hom giâm cho ra 5-6 cặp lá trở lên là cây đủ tiêu chuẩn để xuất đi trồng. Lúc này, rễ của nó cũng đã dài tới 5-7cm.

Sau khi trồng 6-7 tháng, ta làm choái cho cây leo lên. Khi cây được 3 tuổi là ta bắt đầu có thể đào lấy rễ của nó.

Mỗi kỳ đào một ít, ta có thể đào quanh năm. Lưu ý, muốn cây tốt, ta phải thường xuyên làm cỏ và bón thêm phân cho cây...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem