11 ngày giao tranh Nga - Ukraine, thế giới đã thay đổi ra sao?

Vương Nam – CNN Chủ nhật, ngày 06/03/2022 19:10 PM (GMT+7)
Bước sang ngày thứ 11, cuộc giao tranh giữa Nga – Ukraine không chỉ gây thiệt hại cho cả 2 phía mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới.
Bình luận 0

img

Quan điểm của Mỹ và NATO về Nga đã thay đổi từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine (ảnh: CNN)

1. Quan hệ giữa Nga và phương Tây

Cuộc giao tranh Nga – Ukraine đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất đối với trật tự thế giới kể từ vụ khủng bố ngày 11.9. 2001 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng ở Mỹ. Sau vụ khủng bố kinh hoàng, Mỹ và NATO đã chĩa “mũi dùi” sang các tổ chức khủng bố như Al Qaeda, IS. Nga không còn là mối đe dọa với Mỹ, thay vào đó Washington coi Moscow là một trong các “đối tác” đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã chế nhạo ứng viên tổng thống khi đó là Mitt Romney vì “có vấn đề” khi gọi Nga là “đối thủ số 1” của Mỹ.

Trong cuộc chiến chống Nhà nước nước Hồi giáo tự xưng IS, Mỹ coi Nga là đối tác quan trọng để giành chiến thắng. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu và giúp Mỹ đàm phán thành công thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015.

Chiến dịch quân sự hôm 24.2 của Nga đã chấm dứt tất cả sự “thân thiện” mà Mỹ có thể dành cho Moscow, theo CNN. Dẫn đầu các đồng minh, Mỹ đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Nga hiện đang bị cô lập với thế giới hơn bao giờ hết”, Tổng thống Mỹ Biden phát biểu hôm 1.3. Tuy nhiên, hôm 2.3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đáp lại rằng Nga có rất nhiều bạn bè nên không thể bị các nước phương Tây cô lập được.

img

Giao tranh tàn phá cơ sở hạ tầng ở Ukraine (ảnh: CNN)

2. Châu Âu đoàn kết hơn

Chiến dịch quân sự của Nga khiến Liên minh châu ÂU (EU) đưa ra những quyết định nhanh chóng mà nhiều người trước đây cho rằng “không tưởng”. Quan điểm của EU và an ninh – quốc phòng – đối ngoại đã thay đổi chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi.

EU – tổ chức với 27 nước thành viên – đang sử dụng sức mạnh kinh tế để trừng phạt Nga bằng những biện pháp mạnh chưa từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, EU viện trợ quân sự cho một nước ngoài khối như Ukraine. Đức – quốc gia suốt nhiều thập kỷ không đồng ý tăng ngân sách quân sự cho NATO – giờ quyết định làm điều ngược lại và đi đầu trong nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã phá tan ảo tưởng của EU rằng an ninh và ổn định ở châu Âu là miễn phí”, một quan chức cấp cao của EU (giấu tên) nói với CNN.

3. Hơn 1 triệu người rơi vào cảnh tị nạn

Hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Ukraine và vượt biên sang các nước láng giềng để thoát khỏi khu vực giao tranh. Đây là một trong những cuộc sơ tán lớn nhất lịch sử nhân loại.

“Tôi đã làm việc để giải quyết vấn đề người tị nạn trong gần 40 năm, hiếm khi tôi thấy tình trạng như ở Ukraine”, Filippo Grandi – quan chức Liên Hợp Quốc về người tị nạn – nói với CNN.

Tương lai của những người tị nạn Ukraine vẫn chưa rõ ràng. Điều gì sẽ ra nếu giao tranh Nga – Ukraine kết thúc, họ không còn nhà để về? Một cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu là điều tồi tệ mà không ai mong muốn.

img

Người Ukraine sơ tán trên cây cầu bị sập (ảnh: CNN)

4. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng “chóng mặt”

Giá xăng ở Mỹ đang tăng nhanh nhất kể từ năm 2005. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đang gặp cảnh tương tự khi bất ổn kinh tế xảy ra đối với Nga – quốc gia xuất khẩu dầu, khí đốt hàng đầu thế giới. Từ hôm 4.3, nhiều sàn chứng khoán khắp thế giới đã ngập trong sắc đỏ.

Xung đột Nga – Ukraine cũng khiến nhiều gia đình đắn đo khi bày thức ăn trên bàn, theo CNN.

23% tổng lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu đến từ Nga và Ukraine. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ukraine – nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu châu Âu – gần như không thể sản xuất do xung đột.

“Giá lúa mì đang tăng từng ngày do nhiều nhà cung cấp lo ngại về nguồn cung từ Nga và Ukraine. Cảm giác lo lắng thường đến trước khi sự thiếu hụt xảy ra”, Julien Barnes Dacey – Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại châu Âu – nhận xét.

Hơn 40% lúa mì Ukraine xuất khẩu sang châu Phi và Trung Đông – 2 khu vực đang xảy ra mất an ninh lương thực.

“Chỉ riêng ở Ukraine, 3 – 5 triệu người đang cần hỗ trợ lương thực ngay lập tức”, David Beasley - Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) – nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem