Bạn sẽ không thể xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp bền vững nếu không cởi mở với các đồng nghiệp. Nhưng làm được điều đó không hề dễ đàng bởi nếu thể hiện sai, bạn có thể gây ra những hệ lụy tồi tệ cho sự nghiệp.
Thể hiện bản thân một cách đúng mực tại nơi làm việc là cả một nghệ thuật. Đôi khi bạn cứ đinh ninh rằng những điều tiết lộ về chính mình có thể giúp xây dựng mối quan hệ nhưng chỉ đến sau này bạn mới nhận ra, trong muộn màng, rằng chúng không hề có hiệu quả. Bí quyết là hãy cố gắng kiềm chế mình trước khi vượt quá giới hạn. Bởi vì một khi đã chia sẻ thì bạn sẽ không thể rút lại những lời nói đó được.
TalentSmart (một công ty chuyên đưa ra các bài kiểm tra trí tuệ, cảm xúc) đã thực hiện một bài kiểm tra trên hơn 1 triệu người và nhận thấy rằng khoảng 90% những người với hiệu suất làm việc hiệu quả nhất đều có trí tuệ cảm xúc ở cấp độ cao. Những người có trí tuệ cảm xúc cao rất giỏi trong việc “đọc vị” những người khác, và điều này giúp cho họ biết mình nên và không nên tiết lộ những điều gì về bản thân tại nơi làm việc.
Dưới đây là danh sách 12 điều thông thường mà những người thành công không bao giờ chia sẻ tại nơi làm việc.
1. Ghét công việc đang làm
Trong cùng một môi trường làm việc, chẳng có ai lại muốn nghe ai đó phàn nàn về việc họ ghét công việc của họ như thế nào. Nếu làm vậy thì vô hình trung bạn sẽ tự “gắn nhãn” cho mình là một người tiêu cực và không thể dung hòa với cả đội. Điều này sẽ lại làm cho cả nhóm bạn xuống tinh thần. Các sếp có thể nắm bắt rất nhanh ai là người đã phát ngôn tiêu cực và làm suy yếu tinh thần của tập thể, khi đó bạn sẽ có nguy cơ bị sa thải bởi ngoài kia còn rất nhiều người phù hợp để thay thế bạn.
2. Nghĩ rằng đồng nghiệp thiếu năng lực
Trong bất cứ môi trường làm việc nào cũng đều tồn tại những cá nhân không đủ năng lực, và thật tệ là mọi người đều biết những người đó là ai.
Nếu bạn không có khả năng giúp họ cải thiện bản thân hoặc không có quyền để sa thải họ thì bạn cũng sẽ không được lợi lộc gì khi làm cái “loa phóng thanh” phán xét về sự thiếu năng lực của họ. Việc công khai nói về những yếu kém của đồng nghiệp là không hề giúp bạn trở nên tốt hơn trong mắt người khác. Ngược lại, điều này có thể gây ra tác dụng ngược và khiến cho những đồng nghiệp khác hình thành những đánh giá tiêu cực về bạn.
3. Kiếm được bao nhiêu tiền
Ảnh: Ask.com.
Có thể bố mẹ rất thích thú và muốn biết bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, nhưng tại nơi làm việc thì điều này chỉ gây ra phiền não mà thôi. Việc phân bổ tiền lương một cách hoàn toàn công bằng là điều không thể; vì vậy nếu bạn tiết lộ tiền lương của mình vô hình trung sẽ đưa ra một thước đo cho đồng nghiệp so sánh.
Một khi mọi người đều biết bạn nhận lương bao nhiêu thì tất cả mọi thứ bạn làm tại công sở đều bị coi là “phản lại” thu nhập đó. Bạn có thể bị cám dỗ và muốn trao đổi vấn đề lương lậu với đồng nghiệp để thỏa tính tò mò, nhưng kể từ thời điểm bạn làm điều này thì hai người sẽ không bao giờ được như lúc xưa nữa.
4. Quan điểm chính trị và tôn giáo
Quan điểm chính trị và tôn giáo gắn bó quá chặt chẽ với danh tính của con người đến nỗi nếu các vấn đề này được đem ra thảo luận nơi công sở thì sẽ khó tránh được xích mích xảy ra. Những bất đồng với quan điểm của người khác có thể thay đổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhận thức của họ về bạn từ tích cực sang hướng ngược lại. Vả lại, chống đối giá trị cốt lõi của người khác là một trong những điều xúc phạm nhất mà bạn không nên làm.
Con người xây dựng cuộc sống của họ dựa trên lý tưởng và niềm tin, vì vậy việc bạn tiết lộ hai quan điểm này cho người khác sẽ có thể rất nguy hiểm. Hãy sẵn sàng lắng nghe người khác mà không gièm pha thêm bằng những ý kiến chủ quan của bạn bởi vì chỉ một cái nhìn không đồng tình thôi cũng đủ để khơi dậy một cuộc xung đột.
Tư tưởng chính trị và quan điểm tôn giáo đã ăn sâu quá sâu vào mỗi người, cho nên việc thách thức quan điểm của đồng nghiệp có khả năng khiến bạn trở thành một con người hay phán xét hơn là có thể thay đổi tâm trí của họ.
5. Những gì bạn làm trên Facebook
Ảnh: Techinsider.io.
Trên Facebook, có rất nhiều yếu tố khiến bạn “cộp mác” một hình ảnh không phù hợp và theo đó sẽ để lại ấn tượng xấu cho người khác. Đó có thể là những thứ bạn đang khoác trên người, những bạn bè mà bạn đang giao du, những việc bạn đang làm hoặc thậm chí là những bình luận của bạn bè. Đây tuy chỉ là những điều nhỏ nhặt nhưng chúng có thể gây nên nỗi nghi ngờ cho các sếp hay đồng nghiệp khi họ đang có ý định giao cho bạn một dự án lớn hay đề bạt bạn được thăng chức.
6. Những việc bạn làm trong phòng ngủ
Những vấn đề nhạy cảm như đời sống tình dục không nên được đem ra bàn thảo tại nơi làm việc. Mặc dù những chuyện như vậy có thể đem lại tiếng cười cho người khác nhưng chúng lại có mặt trái là gây ra những cảm giác khó chịu nhất hoặc thậm chí bị xúc phạm. Nếu vượt quá giới hạn này thì ngay lập tức bạn sẽ bị tiếng xấu ngay.
7. Những gì bạn nghĩ người khác làm trong phòng ngủ
Nếu bạn hỏi 10 người thì sẽ có tới 11 người làm việc cùng không muốn biết rằng bạn đang suy nghĩ gì về đời sống tình dục của họ. Không có một cách nào hiệu quả hơn để chọc tức người khác bằng việc tiết lộ rằng những ý nghĩ về cuộc sống tình yêu của họ đã xâm nhập vào tâm trí của bạn.
Bất cứ điều gì kể cả là suy đoán về khuynh hướng tình dục của đồng nghiệp hay những lời bình luận “vô duyên” kiểu như "Ô thế lại đang hồi xuân đấy à” đều có thể khiến cho người khác nuôi dưỡng một ấn tượng tiêu cực về bạn. Suy nghĩ là của riêng bạn, không ai đánh thuế chúng cả nhưng hãy cố gắng nghĩ đúng về người khác và chỉ giữ những suy nghĩ đó trong đầu thôi.
8. Kế thừa công việc của ai đó
Việc tuyên bố tham vọng của bạn tại nơi làm việc trong khi những tham vọng đó xung đột trực tiếp với lợi ích của người khác sẽ chứng tỏ bạn là một người ích kỷ và lãnh đạm với đồng nghiệp cũng như cả công ty. Những nhân viên tuyệt vời luôn mong muốn toàn tập thể thành công chứ không chỉ riêng bản thân mình. Bất kể động cơ làm việc thực sự của bạn là gì (mà thú thật là một số người trong chúng ta chỉ làm việc vì tiền), thì cũng đừng công bố cho bàn dân thiên hạ biết bởi hành động ích kỷ đó sẽ không thể giúp bạn đạt được mục tiêu.
9. Quá khứ thời sinh viên
Quá khứ có thể cho biết rất nhiều về một con người. Chỉ vì bạn từng làm những điều kỳ dị hay ngu xuẩn 20 năm trước đây không có nghĩa là người ta sẽ tin rằng bạn đã có thể tự rút ra bài học cho mình. Một số hành vi mà bạn mới chỉ dám thử một lần trong đời sinh viên (ví dụ như say rượu, trộm cắp vặt, lái xe trong tình trạng say khướt, lạm dụng người hoặc động vật trang trại, v.v.) có thể khiến người khác nghĩ đó chính là con người của bạn. Khi đó bạn sẽ không thể có đủ lý lẽ để biện minh cho bản thân.
Nhiều tổng thống đã thắng cử bất chấp quá khứ của họ, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi bạn có một đội ngũ xử lý vấn đề và PR giúp bảo vệ cũng như quảng bá hình ảnh của mình. Còn nếu không, hãy liệu biết giữ những quá khứ không mấy tốt đẹp cho riêng bạn mà thôi.
10. Tình trạng say rượu
Ảnh: Hswstatic.com.
Có thể bạn nghĩ rằng nếu nói chuyện về việc đã say khướt như thế nào vào cuối tuần cũng không ảnh hưởng gì tới cách mà đồng nghiệp nhìn nhận về mình tại nơi làm việc. Và sau tất cả, nếu bạn đang là một nhân viên tốt thì sau đó bạn vẫn sẽ là một nhân viên tốt phải không? Nhưng không may là thực tế không phải như vậy.
Việc chia sẻ điều này thậm chí sẽ không giúp bạn trở nên hài hước trong mắt người khác. Thay vào đó, họ sẽ cho rằng bạn là một người không thể đoán trước, bạn chưa trưởng thành và thiếu khả năng phán xét tốt. Có quá nhiều người giữ quan điểm tiêu cực về rượu và ma túy, do đó bạn không nên tiết lộ ham muốn được buông thả mình trong chất kích thích này.
11. Câu chuyện đùa nhưng mang tính xúc phạm
Nếu có điều gì đó chúng ta có thể học hỏi từ những người nổi tiếng thì đó là phải cẩn thận về những gì bạn nói và người mà bạn nói đến. Những câu chuyện cười mang tính xúc phạm sẽ làm cho người khác cảm thấy khủng khiếp, đồng thời cũng làm cho bạn trông thật khủng khiếp. Thể loại chuyện cười này có vẻ ít gây cười hơn nhiều so với những câu chuyện hài hước thông minh.
Một câu chuyện đùa có thể đi quá giới hạn bất cứ lúc nào nếu bạn chỉ phán đoán dựa trên mức độ thân thiết giữa bạn và một ai đó. Nếu có người có thể bị xúc phạm bởi câu nói đùa của bạn thì tốt hơn hết là đừng nói ra.
12. Đang tìm một công việc khác
Ảnh: Buzzkenya.com.
Một khi bạn tiết lộ kế hoạch ra đi của mình, đột nhiên mọi người sẽ coi bạn chỉ là lãng phí thời gian. Ngoài ra còn có nguy cơ là bạn “săn” việc không thành công, vì vậy tốt nhất là hãy chờ cho đến khi đã tìm được một công việc mới, hãy nói với mọi người.
Hoài Thu (zing.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.