12 giờ trưa 10.10 và chuyện những người trở về Hà Nội

Thiên Việt (ghi theo lời kể của ông Phạm Minh Nguyệt) Thứ sáu, ngày 10/10/2014 14:13 PM (GMT+7)
Đêm hôm đó, Hà Nội rực rỡ cờ và hoa. Hà Nội lại trở về mùa thu như bao mùa thu trước: mênh mang hồn nước.
Bình luận 0

Ngày 1.10.1954, theo thỏa thuận giữa ta và chính quyền thực dân Pháp, một nhóm cán bộ chiến sĩ từ chiến khu đã vào Hà Nội trước để chuẩn bị công việc bàn giao và những tiền đề cho việc đón đại quân trở về.

Chúng tôi có dịp gặp ông Phạm Minh Nguyệt, là một người đã từng tham gia phái đoàn này. Ông Nguyệt kể: “Trước cách mạng, tôi là sinh viên và đã có vốn kha khá về tiếng Anh, Pháp. Trước đó vài tháng, tôi đang tham gia đội phát động quần chúng thì có lệnh của cấp trên gọi về.

Đến nơi tập trung tôi mới biết được nhận nhiệm vụ làm phiên dịch cho nhóm sĩ quan vào Hà Nội sớm, dưới sự điều khiển của Ủy ban đình chiến TƯ để chuẩn bị cho công cuộc tiếp quản. Nhóm công tác khoảng 9-10 người, các sĩ quan liên lạc, những phiên dịch và vài cấp dưỡng.

img

Chúng tôi được cấp tốc huấn luyện thêm tiếng Anh trong vòng 1 tháng mà giáo viên là ông Đặng Trần Liên – phiên dịch cho phái đoàn ta tại Hội nghị Genève. Sở dĩ phải có tiếng Anh vì ngoài tiếng Pháp, thì việc tiếp xúc với sĩ quan nước ngoài trong Ủy ban quốc tế (Ấn Độ, Ba Lan, Canada) thông qua Anh ngữ.

Ngày 1.10.1954, Pháp cho xe đón phái đoàn chúng tôi tại Trung Giã (Thái Nguyên). Các sĩ quan cấp tá mặc binh phục, quân hàm, quân hiệu…còn những phiên dịch mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm. Tất cả chúng tôi đều trẻ khỏe, tuổi đời mới ngoài 30 và hừng hực khí thế. Xe càng vào gần Hà Nội, càng hồi hộp, lòng như lửa cháy. Đã xuất hiện lố nhố những đồn bốt, lô cốt địch đen sì, nhức nhối. Qua cầu Long Biên, bóng những lính Pháp im lìm. Sông Hồng vẫn đỏ như xưa, cuồn cuộn sóng. Phố xá Hà Nội có vẻ trầm lặng, buồn tẻ trong những ngày cuối cùng của quân đội Pháp ở đây. Ngoài đường vắng lặng. Thu Hà Nội man mác.

Chúng tôi biết ở đâu đó, sau những cánh cửa im lìm kia, sau những mái nhà cũ kỹ kia, những ánh mắt ngóng đợi, mong chờ… Người Hà Nội đang may cờ, đang chờ đợi từng ngày, từng giờ những người con thân yêu của mình trở về.

Xe đưa phái đoàn chúng tôi vào một villa nhỏ nằm kín đáo trên đường Trần Hưng Đạo. Phía Pháp yêu cầu ta tuyệt đối tránh tiếp xúc với dân chúng.. Gã trung úy Pháp nói: “Nếu dân chúng biết, họ hò reo, tung hô thì chúng tôi bẽ mặt, ngược lại những kẻ cực đoan khi gặp các ông gây rắc rối thì cũng phiền; người Pháp phải chịu trách nhiệm về an ninh phái đoàn”.

Tuy vậy, không thể giấu được nhân dân. Chúng tôi nhận rõ những ánh mắt kính trọng, vị nể…

Hàng ngày, 6h30’, xe “zip” quân đội Pháp đến chở phái đoàn đến các công sở, bệnh viện, bưu điện xem xét tài liệu, đồ lưu trưc  bàn giao giữa 2 chính quyền. Cảnh sát Pháp bảo vệ khá chặt chẽ. Những nhân viên phục vụ người Pháp thường là cấp úy. Cũng có hôm chúng tôi đến làm việc với các sĩ quan nước ngoài trong Ủy ban quốc tế. Lần này, tinh thần quân đội Pháp đã rệu rã. Họ hiểu rằng đã thất trận nên chỉ muốn làm cho xong để rút. Mệnh lệnh phía ta: những bất đồng tranh chấp với Pháp phải giải quyết bằng được, không cho Pháp mang đi thứ gì, nhưng sao cho biên bản vẫn ký kịp vào đúng 12 giờ trưa 10.10.1954.

Trong nhóm sĩ quan của Ủy ban  quốc tế, không khí cũng phức tạp. Những người bạn Ba Lan có thiện cảm với chúng ta, là đồng minh, đồng chí qua từng ánh mắt, cử chỉ. Còn những người khác lúc đó do chưa hiểu cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam nên không khỏi có ý, thù địch.

Càng gần đến ngày 10.10, công việc và không khí càng nóng dần. Tuy nhiên, không có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Đối với các sĩ quan Pháp, chúng tôi vẫn chào hỏi, giữ thái độ lịch sự, nhưng qua hành động, cử chỉ thì hiểu rằng họ đã chán ngấy đến tận cổ cuộc chiến này. Một vài người Mỹ mà chúng tôi gặp ở đâu đó, không rõ có phải là cố vấn không, bao giờ cũng ngả mũ chào khi gặp người của phái đoàn ta.

Từ sáng  ngày 10.10 chúng tôi được lệnh trực điện thoại ở một căn phòng tại số 4 Trần Hưng Đạo, chờ xem có sự cố xảy ra thì đến giải quyết. Không có chuyện gì. Một chị phiên dịch trong phái đoàn tên là Phượng được điều động đến cầu Long Biên để nhận bàn giao, tiếp thu cầu. Có lẽ chị là một trong những người đầu tiên đứng đón tại cầu đoàn quân chiến thắng của chúng ta trở về.

12 giờ trưa 10.10, tại các công sở, bệnh viện, nhà máy… biên bản bàn giao cùng một lúc được ký. Phía bàn giao là người Pháp, thường là các sĩ quan cấp úy hoặc tá, phía ta là các cán bộ  trẻ măng, tươi rói, gương mặt sáng và nụ cười của người chiến thắng”.

Một ngẫu nhiên thú vị của lịch sử là ông Phạm Minh Nguyệt chính là con trai duy nhất của  liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người cách đây hơn 70 năm đã ném tạc đạn ám sát tên toàn quyền Đông Dương Merlin (Mec – Lanh). Ông đã làm tiếp phần việc của người cha anh hùng: tống tiễn quân xâm lược Pháp ra khỏi đất nước VIệt Nam ta.

Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội - trái tim của các nước, đã một lần nữa quét sạch bóng quân thù để vĩnh viễn là Thủ đô văn minh, sạch đẹp, kiên cường trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình, xây dựng CNXH kể từ ngày 10.10 năm ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem