12 nội dung quan trọng liên quan đất đai được TP.HCM kiến nghị
TP.HCM kiến nghị 12 nội dung quan trọng liên quan đất đai
Hồng Trâm
Thứ tư, ngày 23/11/2022 11:04 AM (GMT+7)
12 vấn đề trong lĩnh vực đất đai vừa được UBND TP.HCM kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, thí điểm cho các tổ chức sử dụng đất đóng thuế đất hằng năm, gia hạn sử dụng đất...
UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường 17 nội dung, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Được biết, trong 17 kiến nghị có 12 kiến nghị liên quan đến đất đai. Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn, trình Hội đồng nhân dân thông qua, dựa trên cơ sở đó để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phân biệt giá trị khu đất.
Áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. TP.HCM quyết định tỷ lệ phần trăm này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tiếp theo đó, TP.HCM kiến nghị tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B. Lập trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP.Thủ Đức có chức năng như trung tâm phát triển quỹ đất cấp tỉnh.
Cho phép UBND TPHCM thí điểm tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TPHCM.
Đồng thời, thí điểm cho các tổ chức sử dụng đất đóng thuế đất hằng năm được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng "quyền thuê đất" đóng tiền hằng năm. Phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện.
Bên cạnh đó, TP.HCM kiến nghị cho phép Trung tâm phát triển quỹ đất được khai thác ngắn hạn các khu đất do đơn vị này quản lý mà chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Giao UBND TP.HCM ban hành quy định chi tiết về khai thác ngắn hạn quỹ đất do trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, phân bổ cho trung tâm tối thiểu 10% nguồn thu từ công tác này.
Đối với quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước ngày 1/1/2021, UBND TP.HCM kiến nghị được thí điểm áp dụng căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
UBND TP.HCM kiến nghị cho phép UBND TP.HCM thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với 2 trường hợp: thứ nhất, chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất theo quy định để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh theo điều 73 Luật Đất đai 2013, chưa hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng các thửa đất nhận chuyển nhượng đã hết thời hạn sử dụng.
Trường hợp thứ hai, thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hoà giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thoả thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại... văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật theo điểm k, khoản 4, điều 95 Luật Đất đai nhưng sau khi có kết quả xử lý đã hết thời hạn sử dụng đất.
Cho phép UBND TP.HCM thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Đối với dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển), UBND TP.HCM kiến nghị được cho phép thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước đối với các dự án về cảng biển; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định như hiện nay.
Được biết, 4 kiến nghị còn lại của TP.HCM liên quan đến vấn đề môi trường. Bao gồm: UBND TP.HCM kiến nghị cho phép các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương: camera, smart phone, cameara giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định (vi phạm vệ sinh nơi công cộng). Được sử dụng hình ảnh vi phạm vệ sinh nơi công cộng ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh trên để làm căn cứ xử phạt trực tiếp đối tượng vi phạm.
Đồng thời, cho phép thành phố được thí điểm áp dụng biện pháp ngắt điện, ngắt nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường.
Phân cấp cho TP.HCM thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân cấp cho HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư theo Điều 4 Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.