Thông tin do
ông Trần Thanh Hải
- Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển
khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết tại cuộc họp báo Sơ kết tình hình kinh tế,
xã hội 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức chiều 23.7.
Ông Hải cho
biết, sau khi chủ trương di dời KCN Biên Hòa 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp
nhận, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sonadezi viết đề án thực hiện di dời các nhà
máy, doanh nghiệp đang hoạt động tại đây về các vị trí mới như KCN Ông Kèo,
Nhơn Trạch, Giang Điền...
Cái khó của đơn vị này hiện nay là việc di dời một
KCN chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam, các cơ chế chính sách do đó
cũng chưa được hình thành rõ ràng. Trong khi đó, việc di dời KCN Biên Hòa 1 sẽ
ảnh hưởng tới hoạt động của 107 doanh nghiệp và hơn 126.000 lao động đang làm
việc tại đây.
Cũng theo
ông Hải, nội dung đề án di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 sẽ bao gồm
việc xây dựng một số cơ chế đặc thù như hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác di
dời, xây dựng lại nhà máy tại vị trí mới, hỗ trợ một số loại thuế cho doanh
nghiệp trong thời gian tái thiết lập nhà máy, hỗ trợ di dời người lao động…
Theo đó,
những nhà đầu tư, doanh nghiệp có đủ khả năng về tài chính thì sẽ tự di dời nhà
máy. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ nhận tiền bồi thường cũng như các hỗ trợ khác để
xây dựng nhà máy ở vị trí mới. “Chủ trương của đề án là đảm bảo đền bù thỏa
đáng, đồng thời doanh nghiệp có đủ thời gian, kinh phí để xây dựng lại nhà máy
mới. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ tuyến xe buýt từ KCN Biên
Hòa 1 đến KCN Giang Điền, ban hành quy chế hỗ trợ thủ tục pháp lý, hỗ trợ nhà ở
công nhân, đăng tải thông tin doanh nghiệp trên các trang web của tỉnh…”, ông
Hải cho biết thêm.
Về tiến độ
chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1, ông Hải cho biết, dự án kéo dài đến
năm 2023, được chia làm 3 giai đoạn. Ngoài ra, do có tính lịch sử lâu đời, khi
chuyển đổi công năng, một số biểu tượng của KCN Biên Hòa 1 sẽ được xem xét giữ
lại như bảng tên, ống khói lò nung…
Với diện tích 320ha, có 107 doanh nghiệp đang hoạt
động, hiện KCN Biên Hòa 1 được cho là một trong những tác nhân chính gây nên ô
nhiễm nguồn nước của sông Đồng Nai, đoạn qua thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Hiện mỗi ngày, các doanh
nghiệp tại đây xả ra hơn 7.700 mét khối nước thải. Trong số này, chỉ có 1.100
mét khối được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại được
các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Có
ý kiến cho rằng, kinh phí di dời KCN Biên Hòa 1 ra khỏi trung tâm thành phố
khoảng 15 tỷ đồng là quá lớn. Tuy nhiên, theo đại diên UBND tỉnh Đồng Nai, việc
di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe của
20 triệu người dân xung quanh sông Đồng Nai là thỏa đáng. Hơn nữa, việc chuyển
đổi công năng của KCN Biên Hòa 1 cũng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chung của
tỉnh Đồng Nai cũng như TP.HCM và các
tỉnh lân cận.
Thuận Hải – Lưu Phan (Thuận Hải – Lưu Phan)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.