Người Hà Nội khổ vì muỗi đốt: Bụng căng như "sắp vỡ", cả nhà trực viện
Người Hà Nội khổ vì muỗi đốt: Bụng căng như "sắp vỡ", cả nhà trực viện
Thứ bảy, ngày 28/10/2023 14:42 PM (GMT+7)
Nằm trên giường bệnh, tay chân chi chít những nốt xuất huyết, nam thanh niên vẫn chưa thể hoàn hồn với những ngày bị sốt xuất huyết "hành" thừa sống thiếu chết vừa qua.
Sau 2 ngày sốt cao 39 độ C, Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, sống tại phường Văn Chương (Hà Nội), đi xét nghiệm, bất ngờ phát hiện mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm sâu, phải nhập viện gấp.
Được nhập viện và điều trị kịp thời, các triệu chứng của Quân không diễn biến nặng, cậu chỉ cảm thấy mệt mỏi hơi nhức đầu như khi bị sốt virus. Thế nhưng, theo Quân, lần ốm này khiến cả nhà cậu "khốn đốn".
"Tôi làm việc tự do, thu nhập tính theo ngày công. Cả tuần nay phải nhập viện không thể đi làm, tính ra mỗi ngày mất 500.000-700.000 đồng thu nhập", Quân ngán ngẩm.
Đáng nói, cả tuần nay, vợ anh cũng phải bỏ hết công việc ở lại viện chăm sóc cho chồng. Cả tuần không có "tiền vào" chỉ có "tiền ra" là gánh nặng lớn với gia đình trẻ kinh tế vẫn còn chật vật.
Quân chia sẻ: "Phòng trọ của tôi gần như khóa cửa cả tuần nay, chỉ mở những lúc vợ về nhà nấu ăn để mang cơm lên viện. Con nhỏ cũng phải gửi cho một người họ hàng trông hộ".
Cuộc sống và công việc đều bị xáo trộn là tình cảnh của anh Lưu, 42 tuổi, sống tại Thanh Xuân (Hà Nội) trong những ngày qua chỉ vì mắc sốt xuất huyết.
Việc đầu tiên sau khi nhập viện vì sốt xuất huyết của người đàn ông này là nhờ một người cháu đang là sinh viên sang trông nhà và chăm sóc người con chỉ mới 4 tuổi.
Chỉ số tiểu cầu xuống thấp, các bác sĩ đề nghị anh Lưu phải có người nhà túc trực. Do đó, những ngày qua, vợ của anh như "bận gấp đôi". Vừa đi làm về lại phải cấp tốc vào viện với chồng.
Là họa sĩ, việc phải nhập viện khiến công việc của người đàn ông này bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Công việc bị đảo lộn hết. Nhiều sản phẩm bị trễ tiến độ tôi phải nhờ khách hàng thông cảm. Quan trọng nhất là mạch cảm xúc sáng tác của mình bị ngưng trệ lại giữa chừng thì lúc ra viện gần như phải làm lại từ đầu", nam họa sĩ tặc lưỡi.
Đầu đau như búa bổ, bụng như "sắp vỡ" vì tràn dịch
Rạng sáng mấy ngày trước, bà Thương (tên nhân vật đã được thay đổi), 50 tuổi, sống tại phố Hồ Đắc Di (Hà Nội) phải vào Bệnh viện Đống Đa cấp cứu vì cơn sốt 39 độ C, trước đó đã uống thuốc nhưng không đỡ.
Sau khi được cấp cứu, truyền dịch, bà Thương được xuất viện. Tuy nhiên, 2 ngày sau, trên đường trở lại viện tái khám người phụ nữ trung niên bất ngờ choáng váng, mất sức phải đưa đi cấp cứu.
Cơ sở y tế đúng tuyến đã kín giường bệnh nhân sốt xuất huyết, gia đình bà lại phải "quay xe" chuyển lên tuyến trên.
"Tôi xây xẩm mặt mày, xung quanh như tối sầm lại", bà Thương thuật lại. Tại bệnh viện, bà được xác định mắc sốt xuất huyết ngày thứ 4.
Bà Thương mô tả việc bị sốt xuất huyết hành như cực hình. Những cơn đau đầu liên tục là triệu chứng đáng sợ nhất.
"Đầu đau như búa bổ. Mỗi cơn đau dội lên khiến tôi choáng váng, bủn rủn chân tay", bà Thương nói, minh chứng bằng bát cháo nhỏ đã ăn 2 tiếng vẫn không hết vì "quá đau đầu, nuốt không trôi".
Cũng vì bị những cơn đau đầu hành hạ, suốt 7 ngày nằm viện vừa qua, người phụ nữ này chỉ ngủ được 3-4 tiếng mỗi đêm. "Chỉ chợp được mắt vào rạng sáng khi đã quá mệt mà quên đi cơn đau", bệnh nhân mô tả.
Bị sốt xuất huyết, bà Thương nhiều ngày qua cũng không dám tắm, người lại càng khó chịu.
Cơ thể vốn đã không khỏe vì mắc sốt xuất huyết, việc ăn ngủ lại không đảm bảo khiến bà Thương yếu đi nhiều từ ngày mắc bệnh.
"Tôi cũng có đôi lần phải vào viện vì bệnh tuổi già nhưng chưa mệt như thế này bao giờ", người phụ nữ nói đứt đoạn.
Nằm trên giường bệnh, tay chân chi chít những nốt xuất huyết, Hoàng, 27 tuổi, sống tại Đống Đa (Hà Nội) chưa thể hoàn hồn với những ngày bị sốt xuất huyết "hành" thừa sống thiếu chết vừa qua.
"Cách đây 5 ngày, buổi sáng tôi vẫn bình thường nhưng đến trưa sốt cao 38,5-39 độ. Uống thuốc hạ sốt 2 hôm không thấy đỡ nên tôi đi làm xét nghiệm máu, phát hiện dương tính sốt xuất huyết.
Thời điểm này tiểu cầu là 160G/L, nhưng ngay ngày hôm sau tiểu cầu giảm xuống còn 40G/L nên tôi nhập viện ngay", Hoàng thuật lại, giọng lộ rõ sự mệt mỏi.
Thời điểm được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tiểu cầu của nam thanh niên giảm xuống dưới 20G/L. Theo bác sĩ điều trị, Hoàng bị tổn thương thành mạch gây tăng tính thấm thành mạch làm thoát huyết tương từ trong ra ngoài thành mạch, gây tình trạng cô đặc máu nặng.
Các bác sĩ đã phải bù dịch cấp tập cho nam bệnh nhân. Chỉ tính riêng ngày đầu tiên, Hoàng được truyền đến 4,5l dịch.
Ngày thứ 5 sau khi nhập viện, Hoàng lại có tình trạng thoát dịch ra khoảng kẽ dẫn đến tràn dịch ổ bụng, màng phổi, bao gan khiến bụng căng cứng.
"Trong hai ngày bị tràn dịch, bụng tôi căng cứng, đau tức rất khó thở, không đi lại được. Lúc đó cả tôi và gia đình đều rất sợ hãi", Hoàng rùng mình.
Hiện tại, Hoàng đã thoát khỏi tình trạng ứ dịch, vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị. Cậu dùng từ "ám ảnh" để mô tả về những ngày phải đối mặt với sốt xuất huyết của mình.
"Đây là lần mắc bệnh nặng nề nhất mà tôi từng trải qua. Sốt xuất huyết mệt mỏi hơn Covid-19 rất nhiều", Hoàng chia sẻ.
Dịch tăng nóng: Hà Nội thêm hơn 2000 ca sốt xuất huyết mỗi tuần
Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Chỉ trong một tuần, Thủ đô ghi nhận hơn 2000 ca mắc sốt xuất huyết. Các chuyên gia đánh giá dịch năm nay diễn biến rất phức tạp và phá vỡ quy luật so với các năm.
CDC Hà Nội dự báo thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch phức tạp.
Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô đang đối mặt với áp lực điều trị rất lớn khi bệnh nhân sốt xuất huyết mới liên tục nhập viện.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:
- Bệnh nhân mệt: Người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ em những ngày trước khóc nhiều bất ngờ chuyển sang mệt mỏi, chậm chạp.
- Đau tức vùng gan, đau khắp bụng.
- Nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều).
- Chảy máu chân răng, xuất huyết.
- Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng.
"Người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Nếu bệnh được xử lý sớm, sau 2-3 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Ở giai đoạn này chỉ cần bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, suy đa tạng…", BS Cấp nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.