13 tuổi đã thành thạo 9 "ngón" thêu tay, nữ nghệ nhân Thúy Đào thu gần 4 tỷ đồng/năm
13 tuổi đã thành thạo 9 "ngón" thêu tay, nữ nghệ nhân Thúy Đào thu gần 4 tỷ đồng/năm
Vương Vũ
Thứ sáu, ngày 19/06/2020 18:38 PM (GMT+7)
Nhắc đến Thường Tín (Hà Nội), hẳn nhiều người biết nơi đây có nghề làm tranh thêu nổi tiếng từ lâu. Trong đó, cơ sở tranh thêu tay Phương Thảo ở Quán Chè, xã Thắng Lợi do nữ nghệ nhân Nguyễn Thuý Đào làm chủ là một trong nhiều địa chỉ được khách hàng ưa chuộng.
Nữ nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào - chủ cơ sở tranh thêu tay Phương Thảo là truyền nhân đời thứ ba trong gia đình. Từ năm 13 tuổi, chị đã thành thục 9 kỹ thuật thêu tay truyền thống như nối đầu, lướt vặn, đâm xô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt, khoắn vảy, thêu chăng chặn…
Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Đào cho biết, khi đã quyết định đến với nghề thêu tay, bản thân chị luôn tự dặn mình phải giữ được tình yêu với nghề, quý từng sợi chỉ và đặc biệt là luôn phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ và sáng tạo. Để làm ra một bức tranh thêu tay, không phải ngày một ngày hai là xong mà thậm chí có bức mất hàng tháng trời.
Chị Đào chia sẻ: "Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm tranh thêu nên từ bé, tôi đã được tiếp xúc với những bức tranh thêu cầu kì, được rèn luyện với đường kim mũi chỉ. Vì thế, khi lớn lên, thay vì lựa chọn các công việc khác thì tôi đã quyết định tiếp nối nghề này của cha ông. Làm tranh thêu, tôi vừa có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, vừa phát huy nghề truyền thống mà lại có thu nhập thường xuyên".
Đến năm 1995, chị Đào quyết định thành lập cơ sở Tranh thêu Nguyên Đào và sau này đổi tên thành cơ sở Tranh thêu Phương Thảo.
Không giống như những người làm nghề khác thường muốn giữ bí quyết riêng cho mình, chị Đào đã chủ động liên kết với ngành chức năng để trực tiếp mở nhiều lớp đào tạo cho người dân địa phương cũng như những người có đam mê với nghề thêu tay. Những học viên có tay nghề cao sẽ được chị nhận vào làm trực tiếp, hoặc có thể mở các cơ sở khác. Chị Đào sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho học viên.
Theo chị Đào, việc đào tạo được những học viên có tay nghề cao, vừa là cách có thể mở rộng và giữ gìn làng nghề thêu tay truyền thống, cũng như góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân tại các địa phương. Trong đó, phần lớn là phụ nữ, người khuyết tật...
Chị Nguyễn Thúy Đào cho biết: “Với doanh thu khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, cơ sở tranh thêu tay Phương Thảo đã góp phần tạo công ăn việc làm cho 200 - 250 người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ, người khuyết tật..., với mức thu nhập từ 2,5 triệu - 4,5 triệu đồng/tháng”.
Năm 2010, trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh thêu tay "Tổ ấm" của chị đã được Ban tổ chức chương trình "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội" chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu, thể hiện ý nghĩa mong muốn đây luôn là nơi mọi người dân đất Việt trở về.
Cuối năm 2019, khi chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của TP Hà Nội phát động, chị đã tham gia đăng ký cho những sản phẩm tranh thêu tay của mình và được UBND TP công nhận là sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Tham gia chương trình OCOP, tranh thêu được nhiều người biết tới
Chị Đào cho biết, từ khi tham gia chương trình OCOP do TP.Hà Nội triển khai, sản phẩm tranh thêu tay của chị đã có cơ hội giới thiệu tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước về chất lượng, cũng như quy trình tạo ra một bức tranh. Đặc biệt đây là cơ hội giúp chị quảng bá sản phẩm tới du khách nước ngoài.
Là người đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề tranh thêu tay và đang làm việc tại cơ sở tranh thêu tay Phương Thảo, chị Phùng Thị Cúc (52 tuổi) cho biết: "Nhờ nghề thêu tranh này mà tôi có thể kiếm thêm thu nhập từ bé và gắn bó đến tận bây giờ. Muốn tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, cần phải trải qua rất nhiều công đoạn như vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu rồi mới đến công đoạn thêu. Để bức tranh có giá trị nghệ thuật, mềm mại thì những người trong nghề đều phải mất rất nhiều thời gian khổ luyện mới có thể thành thục tất cả 9 kỹ năng. Gồm nối đầu, lướt vặn, đâm xô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn – sa hạt kép, khoắn vảy đơn – khoắn vảy kép và chăng chặn. Trong lúc thêu cần phải chú ý, tỉ mỉ từng chi tiết, đặc biệt là những đường lượn hay đường nổi viền lá,... Đó là những chi tiết tạo điểm nhấn cho cả bức tranh".
"Không giống như các loại tranh vẽ, tranh sơn dầu có thể sử dụng công nghệ sản xuất hàng loạt, các sản phẩm tranh thêu tay phải làm thủ công, đòi hỏi sự khéo léo từ chính đôi bàn tay của người phụ nữ làng nghề. Điều đó cũng chính là điểm thu hút không chỉ đối với khách hàng trong nước mà còn cả người nước ngoài", chị Nguyễn Thuý Đào cho biết thêm.
Chị Đào cho biết, sản phẩm tranh thêu tay Phương Thảo rất đa dạng mẫu mã, trong đó bức rẻ nhất khoảng 80.000 đồng. Khách hàng của chị cũng rất đa dạng, thường mua để làm quà tặng người thân, bạn bè, đối tác trong và ngoài nước, trang trí trong gia đình…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.