Võ Văn Khởi là một giáo viên ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Anh tham gia diễn đàn "Đặt hàng với tân Bộ trưởng Bộ GDĐT" của báo Tuổi trẻ với mong muốn Bộ trưởng sẽ chấn chỉnh những cuộc thi phong trào trong môi trường giáo dục. Người giáo viên này liệt kê 15 cuộc thi nặng tính hình thức mà giáo viên và học sinh phải tham gia mỗi một năm học.
Những cuộc thi như “văn hay chữ tốt”, thi “đồ dùng giáo dục tự làm” hoặc “giải toán qua mạng”… đang chiếm quá nhiều thời gian của cả thầy và trò. Đó là một áp lực không đáng có khi mà các cuộc thi như vậy chỉ mang lại lợi ích lớn nhất là những tấm bằng chứng nhận để trang trí thêm cho bản báo cáo thành tích của nhà trường.
Sự quá tải, áp lực của học sinh, và cả giáo viên thường là một đề tài lặp đi lặp lại vào mỗi cuối năm học. Những cuộc thi ít nhiều vô bổ này thường không được coi là nguyên nhân của sự quá tải đó.
Học sinh Bắc Giang đang thi giải toán qua mạng.
Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho kết quả là phần lớn giáo viên tiểu học phản đối việc nhận xét học sinh theo thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT. Họ cho rằng việc ghi nhận xét theo thông tư chiếm quá nhiều thời gian, khiến công việc của giáo viên trở nên quá tải. Họ cho rằng việc đánh giá học sinh là một áp lực lớn khi mỗi ngày mất 94 phút cho công việc này.
Đánh giá học sinh, đó là điều bắt buộc phải làm đối với một nhà giáo. Những đứa trẻ có hoàn thành chương trình học hay không, ưu khuyết điểm thế nào, mặt nào cần cố gắng hơn nữa? Nếu đều là những yêu cầu tối thiểu, căn bản chứng minh sự tồn tại của một nhà giáo đối với quá trình học tập của học sinh. Vậy nhưng phần lớn giáo viên tiểu học lại mong muốn không phải làm điều đó.
Điều gì đã xảy ra khi những yêu cầu tối thiểu của sự nghiệp trồng người bị coi là phiền toái đối với các giáo viên, trong khi những cuộc thi vô bổ lại dễ dàng được chấp nhận? Không có nhiều nhà giáo nhận ra mỗi năm có 15 cuộc thi vô bổ trong môi trường giáo dục, giống như thầy giáo Võ Văn Khởi ở tỉnh Tiền Giang đã nhận ra.
Nhận xét kết quả học tập của học sinh, đó là điều mà mỗi giáo viên đều buộc phải làm. Song, công việc này lại quá vô danh. Việc đánh giá học sinh không mang lại bằng khen và giải thưởng cho những người thầy. Những cuộc thi vô bổ kia thì khác. Nó mang lại bằng khen, giải thưởng. Và họ dễ dàng quên đi sự phiền toái của nó.
Giáo dục là một quá trình hình thành tri thức của con người. Nhưng khi tri thức đó hoàn toàn được đo đếm bằng những cuộc thi phù phiếm và vô bổ, ngược lại, những nỗ lực nhận xét học trò lại được nhìn nhận như gánh nặng trong công việc của các giáo viên, người ta không khó để hình dung về sản phẩm giáo dục được hình thành trên nền tảng phù phiếm này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.