1,5 triệu học sinh cần hỗ trợ máy tính để học online, nhiều trường học “trắng” thiết bị

Tào Nga Thứ hai, ngày 13/09/2021 05:07 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số học sinh đang học trực tuyến khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp, trong đó có khoảng 1,5 triệu em chưa có máy tính gây khó khăn cho việc dạy và học.
Bình luận 0

Tối 20h ngày 12/9, Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Nhiều địa phương gặp khó khăn triển khai học trực tuyến

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến 16h ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).

1,5 triệu học sinh cần hỗ trợ máy tính để học online, nhiều trường học “trắng” thiết bị - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Giáo dục thời đại

Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Bộ GD-ĐT cho biết, hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Tại Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát thời điểm trước khai giảng năm học 2021 - 2022, trường học nào ở Đà Nẵng cũng có khoảng 10% học sinh không có thiết bị để học trực tuyến. Trường Tiểu học Hòa Bắc có 54,02% học sinh không có điều kiện tiếp cận internet. 

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, ngành đang chỉ đạo các phòng và cơ sở giáo dục địa phương rà soát, tổng hợp số lượng học sinh có thiết bị học tập trực tuyến. Bước đầu rà soát cho thấy, tại nhiều địa phương số lượng học sinh có thiết bị phục vụ học trực tuyến còn rất khiêm tốn. Thậm chí, một số trường học vùng khó "trắng" thiết bị như tại Trường Tiểu học Tủa Thàng, 100% học sinh không có thiết bị máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, smart tivi. Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Lao Xả Phình chỉ có 2 học sinh có điện thoại thông minh...

Tại Nghệ An, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo thống kê, năm học 2021-2022, Nghệ An có hơn 635 nghìn học sinh Tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, có gần 70.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến chiếm tỷ lệ 11%. Số học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm 6,7% (gần 42,5 nghìn em) và số học sinh ở nơi không có kết nối Internet chiếm 3,77% (gần 24.000 em).

1,5 triệu học sinh cần hỗ trợ máy tính để học online, nhiều trường học “trắng” thiết bị - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Tào Nga

Huy động 1 triệu máy tính trong năm 2021

Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình Sóng và máy tính cho em, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, chương trình "Sóng và máy tính cho em" sẽ lan toả tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số; để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng và những gì tốt đẹp nhất.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Những khó khăn dịch bệnh gây ra quá lớn nên cần sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" giúp hạn chế khó khăn cho học sinh, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự quan tâm đến giáo dục. 

Hoạt động hỗ trợ quyên góp, hỗ trợ, huy động "Sóng và máy tính cho em" tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam nhưng đây cũng là bài học sâu sắc về tình yêu thương, trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh.

Ông Lê Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT cho biết: "Chương trình Sóng và máy tính cho em với mục tiêu hỗ trợ và cung cấp máy tính cho các em học sinh ở các vùng khó khăn, các vùng thực hiện giãn cách xã hội. Không những giải quyết được vấn đề dạy học trực tuyến trước mắt mà lâu dài còn hỗ trợ cho các nhà trường chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Chương trình" Sóng và máy tính cho em" cũng hướng đến mục tiêu có sóng và có internet đến các hộ gia đình, có máy tính cho các em học sinh, có giá cước phù hợp cho các hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo, đem đến sự đổi thay một tương lai tốt hơn trong tương lai không xa.

1,5 triệu học sinh cần hỗ trợ máy tính để học online, nhiều trường học “trắng” thiết bị - Ảnh 3.

Các điểm cầu tham gia lễ phát động. Ảnh: Tào Nga

Lộ trình chương trình "Sóng và Máy tính cho em" như sau: Trong năm 2021 đảm bảo phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối internet trên toàn quốc; Huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo; Miễn phí sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến; Miễn phí cước internet di động, các nền tảng dạy, hỗ trợ gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin.

Trong năm 2022 – 2023, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để các em học sinh nghèo có máy tính để học trực tuyến.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ GD-ĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem