Đây chính là điểm khó khăn lớn nhất mà nông dân, doanh nghiệp TP.HCM gặp phải. Chính vì thế, trong kế hoạch chuyển đổi và phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao của mình, TP.HCM luôn ưu tiên hỗ trợ vốn vay cho người dân.
Anh Bùi Trung Hiếu gầy dựng vườn lan hơn 14.000 gốc lan Mokara, thu nhập hàng năm hơn 400 triệu đồng. Phụng Anh
Anh Bùi Trung Hiếu ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã gầy dựng vườn lan hơn 14.000 gốc Mokara cũng từ các nguồn vốn vay hỗ trợ của thành phố. Từ nguồn đất trồng lúa rồi trồng cây ăn trái kém hiệu quả của gia đình, với sự tư vấn của Trung tâm Khuyến nông huyện, năm 2003 anh đã quyết định chuyển đổi qua trồng lan. Anh đã mạnh dạn vay vốn của thành phố theo Quyết định 13 của Thủ tướng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với 350 triệu đồng (vay trong 3 năm, lãi suất ưu đãi 6%/năm) để gầy dựng nên 2.000 gốc lan đầu tiên. Sau 3 năm bán lan thu lời tốt, anh lại tiếp tục vay thêm 300 triệu đồng để tăng lên 4.000 gốc lan. Cứ thế vườn lan của anh phát triển dần đến giờ đã hơn 14.000 gốc Mokara, đem lại thu nhập hàng năm hơn 400 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Hùng (ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cũng đã mạnh dạn bỏ nghề trồng lúa và vay vốn nhiều đợt của thành phố chuyển đổi sang nuôi bò sữa. Sau hơn 5 năm chuyển đổi, đàn bò sữa nhà ông đã tăng lên 40 con với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn lo cho hàng chục nông dân nghèo có vốn để làm ăn vượt khó; giải quyết việc làm cho 5 lao động chăm sóc đàn bò. Đây là loại hình minh hoạ việc chuyển dịch đàn bò sữa ra xa thành phố có hiệu quả cao.
Theo thống kê của các ban ngành, tại TP.HCM từ năm 2008 đến nay đã có trên 15.000 lượt hộ dân được cho vay vốn hỗ trợ lãi suất để chuyển đổi ngành nghề phù hợp với nền kinh tế hiện nay, với tổng số vốn vay trên 5.000 tỷ đồng. Ông Lê Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thông qua các phương án vay vốn có định hướng, bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quá trình phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.
Ngoài ra, để hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, tháng 3.2013, UBND TP.HCM đã ra quyết định về việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, các hộ gia đình, chủ trang trại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, mức vay được hỗ trợ lãi suất sẽ được tính theo quy mô đầu tư của phương án và quy định của tổ chức cho vay. Mức lãi suất hỗ trợ là lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank chi nhánh TP.HCM) công bố hàng tháng loại trả lãi sau, cộng thêm 2%/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.