2 cán bộ ĐH Văn Lang bị dừng công tác quản lý vì xâm phạm bản quyền có còn được giảng dạy?

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 04/05/2021 14:26 PM (GMT+7)
Sáng 4/5, Trường Đại học Văn Lang - TP.HCM đã công bố dừng các hoạt động quản lý đối với bà Hoàng Xuân Phương và ông Vũ Mộng Lân, do 2 cán bộ này đã xâm phạm bản quyền tác phẩm xảy ra trong thời gian qua...
Bình luận 0

Dừng hết hoạt động quản lý vì xâm phạm bản quyền nhưng vẫn được giảng dạy

Thời gian qua, dư luận xôn xao về thông tin bài viết "Mối quan hệ giữa chuyên viên PR và nhà báo: dưới góc nhìn đạo đức truyền thông" của tác giả Hoàng Xuân Phương - Vũ Mộng Lân. Tác giả bài viết này có dấu hiệu xâm phạm bản quyền, khi bị giáo sư Jim Macnamara gửi email phản ánh là sao chép 85% nội dung bài báo của ông đăng trên Tạp chí quốc tế Journalism & Mass Communication Quarterly năm 2016.

Hai tác giả bị dừng hết mọi hoạt động quản lý vì xâm phạm bản quyền  - Ảnh 1.

Một bài viết trong cuốn sách "Báo chí và Truyền thông – những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại" bị phát hiện có dấu hiệu xâm phạm bản quyền.

Bài viết này nằm trong cuốn sách "Báo chí và Truyền thông – những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại", do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM xuất bản. Khoa Báo chí và Truyền thông, thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm tác quyền.

Ông Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho biết: "Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã làm việc với hai tác giả và yêu cầu làm báo cáo về sự việc. Trong báo cáo, nhóm tác giả Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân thừa nhận đã có dịch 80% từ bài viết của tác giả Jim Macnamara và 20% là những thực tế từ Việt Nam; nhưng lại không đề tên tác giả Jim Macnamara trong bài viết. 

Hai tác giả này đã nhận lỗi sai và liên hệ tác giả Jim Macnamara qua email để xin lỗi. Rất may, tác giả Jim Macnamara đã chấp nhận.

Ngoài ra, hai tác giả cũng làm việc với Khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề nghị thu hồi sách cũ, xuất bản sách mới (trong đó rút bài của hai tác giả ra) và xin chịu toàn bộ chi phí xuất bản mới".

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, sau khi nhà trường họp bàn, xem xét và đưa ra các giải pháp xử lý đối với hai tác giả trên, Trường ĐH Văn Lang đã quyết định thu hồi hoạt động quản lý của bà Hoàng Xuân Phương - hiện là Trưởng bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Phó Trưởng khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông, thuộc Trường ĐH Văn Lang và ông Vũ Mộng Lân - Phó bộ môn Truyền thông Đa phương tiện - Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông cùng Trường ĐH Văn Lang. Tuy nhiên, hai tác giả này vẫ tiếp tục được giảng dạy tại trường ĐH Văn Lang. 

Trước đó, Nhà xuất bản ĐH Quốc Gia TP.HCM đã có quyết định về việc xử lý sai sót, thu hồi và thực hiện đăng ký tái bản sách. Trong đó, Ban biên tập đã thông báo cho các đồng tác giả có tham luận trong sách và các bạn đọc đã mua, hoặc được tặng sách để thông báo về vấn đề này, đồng thời đề nghị gửi lại sách và ban biên tập sách sẽ gửi tặng sách mới sau khi tái bản.

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả

Theo luật sư Lê Bá Thường  - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM): Tác giả Hoàng Xuân Phương - Vũ Mộng Lân đã sao chép 85% nội dung bài báo của tác giả Jim Macnamara, mà không xin phép và không đề tên tác giả Jim Macnamara, thì nhóm tác giả này có thể đã vi phạm quy định tại điều 28 - Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 (văn bản hợp nhất 2019, hiệu lực từ 01/11/2019) với hành vi "Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả" và "Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả".

Hai tác giả bị dừng hết mọi hoạt động quản lý vì xâm phạm bản quyền  - Ảnh 3.

Luật sư Lê Bá Thường nhận định, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi phạm pháp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Thường cho biết, tại điều 25, khoản 2 - Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 (văn bản hợp nhất 2019, hiệu lực từ 1/11/2019) quy định: Các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

"Như vậy, nếu đúng thông tin báo chí đã phản ánh, phía Nhà xuất bản và bên tổ chức bản thảo có thể bị liên đới chịu trách nhiệm cùng với nhóm tác giả vi phạm quy định tại khoản 2, điều 25 - Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 (văn bản hợp nhất 2019, hiệu lực từ 1/11/2019)", Luật sư Thường nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi phạm pháp, nếu dẫn đến hậu quả sẽ bị phạt hành chính rất nặng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong vụ việc này, được biết Ban biên tập sách đã liên hệ với Nhà xuất bản ĐH Quốc Gia TP.HCM đề nghị thu hồi sách và tái bản sách mới, trong đó rút bài vi phạm ra. Nhà xuất bản ĐH Quốc Gia TP.HCM cũng có quyết định về việc xử lý sai sót, đồng thời đại diện Ban biên tập và các tác giả đã xin lỗi tác giả Jim Macnamara. Như vậy, nếu việc bị xâm phạm tác phẩm mà không gây thiệt hại và tác giả Jim Macnamara đã chấp nhận lời xin lỗi, thì vấn đề vi phạm này xem như một sơ suất, tai nạn nghề nghiệp" - Luật sư Thường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem